Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư khoa học trong nông nghiệp: Chỉ bằng 1/10 Thái Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư khoa học trong nông nghiệp: Chỉ bằng 1/10 Thái Lan

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Việt Nam đầu tư 600 tỉ đồng mỗi năm cho khoa học nông nghiệp, trong đó, có 300 tỉ đồng (tương đương 15 triệu đô la Mỹ) được chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Con số này, chỉ bằng 1/10 so với quốc gia cùng khối ASEAN là Thái Lan.

Đầu tư khoa học trong nông nghiệp: Chỉ bằng 1/10 Thái Lan
Hoạt động cơ giới hóa thu hoạch lúa ở ĐBSCL rơi vào tay các ông lớn của Nhật Bản như Kubota, Yanmar. Ảnh: Trung Chánh.

Tại hội thảo “Ngành cơ khí phục vụ phát triển nông nghiệp” được tổ chức hôm nay, 16-11, tại thành phố Cần Thơ, giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp Việt Nam, cho biết trong số 600 tỉ đồng đầu tư cho khoa học nông nghiệp Việt Nam mỗi năm, có 50% chi lương và 50% chi cho hoạt động R&D, tương đương 300 tỉ đồng (15 triệu đô la).

Theo ông Bửu, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan hay Philippines thì mức chi cho hoạt động R&D của Việt Nam chỉ lần lượt bằng 1/10 và 1/7. Còn nếu so với Hàn Quốc thì con số này chỉ bằng 1/600.

Theo một số đại biểu tại hội thảo, việc đầu tư cho hoạt động R&D trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam quá thấp đã dẫn đến những thua thiệt, thậm chí lệ thuộc vào các nước trong việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ ngành nông nghiệp.

Bằng chứng dễ nhận thấy nhất là trong lĩnh vực cơ giới hóa thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay máy móc phục vụ cho quá trình này gần như 100% rơi vào tay một số ông lớn của Nhật Bản như Kubota và Yanmar. Trong khi đó, đối với lĩnh vực hạt giống, mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 500 triệu đô la để nhập khẩu, tức cao gấp 33,3 lần số kinh phí chi cho hoạt động R&D..

Còn nếu tính chung các ngành, theo ông Bửu, Việt Nam hiện có 700 đơn vị R&D cấp trung ương và hơn 1.000 đơn vị R&D cấp địa phương và của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp có hoạt động và chi phí cho R&D”, ông đánh giá.

Theo ông, Quốc hội cho phép sử dụng 2% GDP để đầu tư cho khoa học công nghệ, tức về lý thuyết mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 4,5 tỉ đô la Mỹ dành cho hoạt động này (năm 2017, GDP Việt Nam đạt gần 224 tỉ đô la), “nhưng chưa năm nào đạt con số này cả”, ông nói.

Trong khi đó, kinh phí dành cho hoạt động R&D của các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Israel… rất cao và đây cũng là điều hiển nhiên khi trình độ khoa học công nghệ của họ rất phát triển.

Cụ thể, đối với Mỹ, quốc gia này dành 2,8% GDP cho hoạt động R&D, tương đương trên 532 tỉ đô la(năm 2017 GDP của Mỹ là trên 19.000 tỉ đô la). Còn Trung Quốc,  trong hai năm 2013 và 2014, họ đã chi lần lượt 258 tỉ và 284 tỉ đô la cho hoạt động R&D.

Với Israel, quốc gia nhỏ trên sa mạc cằn cỗi, họ đã chi 4,3% GDP cho hoạt động R&D, tương đương khoảng 15 tỉ đô la (năm 2017 GDP của Israel đạt gần 351 tỉ đô la).

Rõ ràng, để lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam nói chung và khoa học công nghệ phục vụ trong nông nghiệp nói riêng phát triển, thì việc đầu tư cho hoạt động R&D là điều cần thiết. Đây cũng là con đường nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới