Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư PPP vẫn chỉ là thử nghiệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư PPP vẫn chỉ là thử nghiệm

Tư Giang

(TBKTSG) – Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, khi xếp hạng về cơ sở hạ tầng, Việt Nam chỉ đạt 90/142 điểm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Ông Đặng Xuân Quang, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tất cả các nguồn vốn Nhà nước hiện tại như ngân sách và ODA chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu vốn gần 16 tỉ đô la Mỹ/năm để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Nhằm tháo gỡ nút thắt này của nền kinh tế, Chính phủ đang nỗ lực huy động thêm nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác để xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm năm tới bằng việc thông qua Nghị định 71 và thí tiểm mô hình công tư hợp tác (PPP). Cho đến nay, theo ông Quang, đã có 24 dự án PPP với tổng trị giá khoảng 20 tỉ đô la Mỹ đã nộp hồ sơ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông nói, hy vọng bộ sẽ chọn được 5-6 dự án để triển khai thí điểm trong vòng năm năm tới.

Mô hình PPP đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung nghiên cứu trong suốt năm năm qua, song hành lang pháp lý cho nó đến nay vẫn chỉ là thử nghiệm. Trong khi đó, các nhà tài trợ quốc tế đã đưa ra nhiều lời khuyên cho Chính phủ về tái cơ cấu đầu tư công trong một cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây. Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Tsuno Monotori, nói Chính phủ nên xác định rõ ràng những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên nhất để đầu tư. Ông cho rằng, Chính phủ nên huy động các nguồn lực khác, đặc biệt là đầu tư theo hình thức PPP cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông cũng phàn nàn rằng, ngay cả các dự án ODA do Nhật Bản tài trợ trong lĩnh vực hạ tầng đang gặp rất nhiều khó khăn như giải phóng mặt bằng, thủ tục mua sắm rắc rối.

Đại sứ Úc tại Việt Nam Allaster Cox đồng ý nhận xét trên và nhấn mạnh rằng Chính phủ cần đưa ra các kịch bản chính cho cơ sở hạ tầng quốc gia, chứ không nên để các địa phương tự quyết. Lý do là các địa phương luôn có xu thế phát triển cơ sở hạ tầng cho riêng mình, nên các công trình đó được làm một cách phân tán và thiếu kết hợp. Tại buổi họp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói bộ sẽ tư vấn Chính phủ xem xét lại vấn đề  phân cấp, phân bố nguồn lực đầu tư công. Ông nói: “Trong điều kiện nguồn lực ít ỏi thì việc sử dụng phải tập trung, chứ không thể phân tán như hiện nay”.

Chính phủ dự kiến, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch năm năm 2011-2015 là gần 250-266 tỉ đô la Mỹ, trong đó 38,2% là từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc danh mục mà các bộ ngành, địa phương đề nghị triển khai trong giai đoạn trên đã có số vốn dự kiến vượt trên con số kế hoạch. Đây rõ ràng là sức ép không hề nhỏ với những nỗ lực tái cơ cấu đầu tư công của Chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới