Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư silo chứa lúa và thay đổi “quy trình ngược”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư silo chứa lúa và thay đổi “quy trình ngược”

TS. Phạm Văn Tấn (*)

Thói quen phơi lúa trên đường giao thông khiến cho lúa bị lẫn nhiều tạp chất, nấm mốc… và bị giảm giá trị. Ảnh: Lê Toàn.

ĐBSCL hiện đang có một hệ thống kho chứa với tổng công suất khoảng trên 800.000 tấn. So với nhu cầu tồn trữ của lượng lúa hàng hóa hàng năm khoảng 10 triệu tấn và để giảm tổn thất sau thu hoạch thì vùng này cần phải được quan tâm đầu tư thêm nhiều kho chứa.

Thời vụ thu hoạch lúa trong năm của ĐBSCL thường có các khoảng thời gian nhất định. Người nông dân vùng này không có đủ điều kiện và phương tiện để tồn trữ nên thường phải bán hết lượng lúa dư ngay sau khi thu hoạch với giá bất kỳ, trong khi thiên tai, nhu cầu tiêu thụ và giá cả gạo trên thị trường thế giới thì có nhiều biến động khó đoán trước.

Nếu không có kho tàng đầy đủ thì không thể đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, không giảm được tổn thất sau thu hoạch, không chủ động được trong chế biến, không chiếm được lợi thế trong kinh doanh và xuất khẩu gạo.

Vì vậy, cho đến thời điểm này, nhu cầu tồn trữ lúa gạo của vùng ĐBSCL đã rõ ràng hơn và được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia, những nhà quản lý, những doanh nghiệp chế biến lúa gạo và cả xã hội.

Tuy nhiên, do cách nhìn nhận vấn đề, mục đích bảo quản khác nhau nên phương tiện kỹ thuật tồn trữ và đối tượng được tồn trữ cũng rất khác nhau.

Theo Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida), tổn thất sau thu hoạch lúa của ĐBSCL khoảng 13,7%. Trong đó, làm sạch và làm khô chiếm 4,2%; bảo quản chiếm 2,6% và xay xát chế biến chiếm 3%.

Nếu qui đổi sự mất mát chất lượng ra số lượng thì tổng số mất mát sẽ còn lớn hơn rất nhiều, ước tính khoảng 28%.

Trước hết cần phân biệt các phương tiện tồn trữ cho các đối tượng lúa hoặc gạo khác nhau. Silo là một dạng kết cấu bằng thép hay bê tông có dạng hình chữ nhật hay hình tròn thường được sử dụng để bảo quản dạng sá (dạng hạt rời) cho các loại hạt nông sản như lúa, bắp, lúa mì,…

Các cụm silo lúa hiện đại được trang bị hệ thống lấy mẫu để kiểm định chất lượng lúa đầu vào, thiết bị làm sạch và sấy khô lúa, hệ thống nạp lúa vào và tháo lúa ra bằng cơ giới.

Bên cạnh đó, silo cũng được trang bị hệ thống theo dõi tự động nhiệt độ của lúa trong các hộc của silo và hệ thống thông thoáng để làm mát hạt trong quá trình bảo quản. Nhờ vậy, chất lượng của lúa được bảo đảm trong nhiều tháng, đến 1 năm hoặc lâu hơn nữa nếu được xử lý xông trùng cho hạt trước khi được nạp vào hay xử lý định kỳ.

Ở ĐBSCL cũng đã được trang bị các cụm silo dạng này vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước để bảo quản lúa. Ví dụ cụm silo ở Cao Lãnh (48.000 tấn), Trà Nóc (10.000 tấn) và cụm silo của Sài Gòn – Satake (12.800 tấn) ở Bình Chánh, TPHCM. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân của kỹ thuật không phù hợp và thiết bị không đồng bộ nên hiện nay hầu hết các cụm silo này chưa được sử dụng đúng công năng của nó hoặc để trống.

Vài năm gần đây, những phương tiện tồn trữ khác đang được xây dựng nhiều ở ĐBSCL. Các kho chứa này có kết cấu cũng bằng thép, dạng hình vuông hoặc chữ nhật dùng để chứa sá cho gạo hoặc các nhà kho lớn có nền bê tông và mái che đơn giản cũng để chứa gạo nhưng được đựng trong các bao tải và được chất chồng lên cao theo từng cụm trong kho.

Khác với loại silo hiện đại nói trên, cả hai loại kho chứa này thường thiếu hẳn hoặc không đạt yêu cầu những thiết bị phụ trợ cần thiết để đảm bảo chất lượng cho hạt trong quá trình bảo quản, nhất là bảo quản trong thời gian dài. Vì vậy, chất lượng bảo quản thấp và không thể bảo quản lâu hơn 3 tháng trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm của ĐBSCL.

Do mục đích không để chứa lúa mà để chứa gạo, các kho chứa dạng này thường được xây dựng tại các cơ sở xát trắng và đánh bóng gạo thành phẩm cuối cùng. Các dạng kho chứa đơn giản này có giá trị đầu tư thấp hơn silo, nó cũng giúp giảm được một phần tổn thất sau thu hoạch và có thể giúp cho các doanh nghiệp chế biến gạo thuận lợi hơn trong các hoạt động chế biến, kinh doanh và xuất khẩu. Tuy nhiên, những kết cấu kỹ thuật và phương thức tồn trữ này không thể giúp để giải quyết một cách căn bản những tổn thất sau thu hoạch lúa gạo cả về chất, lẫn về lượng bởi vì nó tiếp tục duy trì một “quy trình ngược”, bất hợp lý của các công đoạn sau thu hoạch đang phổ biến hiện nay tại ĐBSCL.

Quy trình này là thu hoạch, làm khô sơ bộ, xát lứt lúa tại độ ẩm cao ở một địa điểm, vận chuyển (và chứa tạm 1-7 ngày), xát trắng – lau bóng ở một địa điểm khác, sấy gạo đến độ ẩm 14%, bảo quản tạm gạo trắng (dưới 3 tháng) chờ tiêu thụ.

Ngoài những nhược điểm gây tổn thất về số lượng và chất lượng do làm khô sơ bộ cho lúa không đạt yêu cầu và xay xát lúa tại độ ẩm cao, do rơi vải, chuột và sâu bọ; thay vì sấy và bảo quản lúa (dễ hơn) bằng những công nghệ tốt hơn như silo, quy trình này lại sấy và bảo quản gạo (khó hơn nhiều) nhưng lại sử dụng những phương tiện kỹ thuật thô sơ hơn.

Hệ quả là gạo xuất khẩu của Việt nam có chất lượng thấp, không bảo quản được lâu ngày và giá bán cũng sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, lượng cám gạo sinh ra (chiếm 8-10% khối lượng lúa) từ quá trình xay xát lúa có độ ẩm cao của “quy trình ngược”cũng có chất lượng rất thấp, bị biến màu và biến mùi do lượng dầu trong cám bị Oxy hóa nghiêm trọng trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao. Cám gạo từ quy trình này khó có thể được sử dụng để làm thức ăn tốt cho chăn nuôi hoặc sử dụng làm nguyên liệu để chế biến ra các dạng dược phẩm hay mỹ phẩm trong những cố gắng đa dạng hóa sản phẩm từ công nghiệp lúa gạo sau này.

Ngoài ra, “quy trình ngược” này cũng không giúp để tận dụng lượng trấu sinh ra (chiếm 20% khối lượng lúa) trong xay xát lúa mà phải sử dụng các dạng nhiện liệu khác như than đá hay dầu DO với giá cao hơn để sấy gạo do các địa điểm xát lứt thường được tiến hành tách rời với địa điểm xát trắng và sấy gạo.

Chất lượng của hạt gạo thành phẩm hay hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam nên được nhìn nhận như là một sự cấu thành tích hợp từ chất lượng của giống, chế độ canh tác, phương pháp thu hoạch và sự tích lũy chất lượng công nghệ của các công đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng của nó.

Chuỗi cung ứng lúa gạo bao gồm một quy trình công nghệ hợp lý theo thứ tự các công đoạn như sau: tạo giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, làm khô, bảo quản, xay xát-chế biến và tiêu thụ. Trong chuỗi các công đoạn này, chất lượng của hạt gạo thành phẩm chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Chất lượng của sản phẩm đầu ra tại mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng không chỉ phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của chính công đoạn đó, mà còn phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của tất cả các công đoạn đã được tiến hành trước đó.

Mặt khác, một sự xáo trộn về thứ tự công nghệ trong quy trình công nghệ sau thu hoạch, như “quy trình ngược” nói trên, lại càng làm giảm chất lượng, giá trị và uy tín của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người nông dân ĐBSCL mặc dù nó hầu như không còn phụ thuộc vào các biện pháp canh tác, sự cần cù của họ mà lại phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ sau thu hoạch và phương thức kinh doanh lúa gạo hiện nay ở Việt Nam.

Vì vậy, giải pháp hữu hiệu để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam và đời sống của người trồng lúa ĐBSCL, bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu để lai tạo và chọn lọc ra những giống lúa thơm, cứng cây chống đổ ngã trong thu hoạch của các nhà khoa học, những đối tác phụ trách các công đoạn sau thu hoạch nên cố gắng thay đổi triệt để “quy trình ngược” hiện hành, để đưa nó trở về một quy trình hợp lý và đầu tư nâng cấp công nghệ ở tất cả các khâu của quy trình này.

Song song với việc áp dụng sớm các quy định bắt buộc để các cơ sở chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo trang bị các máy sấy gắn liền với các cụm silo bảo quản lúa, nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ có hiệu quả để các đơn vị này sớm khắc phục những nhược điểm kỹ thuật và phục hồi hoạt động của các cụm silo hiện có cũng như đầu tư đổi mới công nghệ chế biến gạo từ phương thức “chặt khúc nhiều giai đoạn” thành phương thức chỉ có một giai đoạn duy nhất.

Nhà nước và Hiệp Hội Lương thực Việt Nam nên xúc tiến nhanh việc thiết lập quỹ bình ổn giá để giúp các doanh nghiệp thu mua lúa tồn trữ nhằm phát huy hiệu quả các cụm silo đã được đầu tư xây dựng.

______________________________________________________

(*) Phân viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới