Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Kon Tum

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng hợp tác để đầu tư xây dựng tổ hợp dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum có quy mô trên 200 héc ta, vốn 65 triệu đô la Mỹ.

Chiều ngày 29-11, UBND tỉnh Kon Tum với Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus đã ký kết bản ghi nhớ về đầu tư dự án nói trên để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.

Đại diện UBND tỉnh Kon Tum, Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus đã ký kết bản ghi nhớ. Ảnh: Hà Bùi

Với tổng quy mô sử dụng đất trên 200 ha, dự án bao gồm một số khu tổ hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao; nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tự động theo tiêu chuẩn châu Âu; khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ.

Hai doanh nghiệp cũng sẽ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ hệ thống nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; trung tâm nghiên cứu con giống và đào tạo lao động lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tại đây cũng sẽ có khu điều hành chính kết hợp với dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cho các chuyên gia nước ngoài…  Tổng vốn đầu tư dự kiến là 65 triệu đô la Mỹ (tương đương 1.450 tỉ đồng).

De Heus là Tập đoàn đến từ Hà Lan với hơn 100 năm sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Vào đầu tháng 11 này, De Heus Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chiến lược với Masan về việc mua lại mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi Masan Feed (bao gồm 100% ANCO và 75,2% Proconco) với 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy premix. Sau khi hoàn tất thương vụ này, De Heus sẽ có 22 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Trong đó, dự án trang trại heo giống cao sản Kon Tum có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa để đảm bảo nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, dự kiến hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 24.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị.

Theo chủ đầu tư, toàn bộ quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kỹ thuật nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh.

Đây là dự án đầu tư tiếp nối mà Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng hợp tác triển khai thực hiện trong chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao và vùng an toàn dịch bệnh tại khu vực Tây nguyên.

Sau khi hoàn thành, cùng với Đắk Lắk, Gia Lai, dự án trang trại heo giống cao sản Kon Tum sẽ trở thành nguồn cung cấp giống heo chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Duyên hải miền Trung. Dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho 250 – 300 người dân tộc thiểu số tại Kon Tum, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại và chuyển giao công nghệ chăn nuôi tiên tiến cho hàng trăm lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương…

Với tầm nhìn và định hướng từ nay tới 2030, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống heo cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp các tỉnh khu vực Tây nguyên. Các dự án đang được đầu tư tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Tây Ninh, và khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ.

Nhân dịp này, đại diện Tập đoàn Hùng Nhơn, tập đoàn De Heus đã trao tặng 6 máy moniter hiệu Philips của Hà Lan để theo dõi bệnh nhân với 5 thông số và cùng các đối tác của hai tập đoàn trao tặng 4.000 kit test cho Quỹ phòng chống Covid-19 của tỉnh Kon Tum, với tổng số tiền là 1 tỉ đồng. Bên cạnh đó công ty cổ phần Charm Group trao tặng thêm số tiền 1 tỉ đồng cho Quỹ người nghèo tỉnh Kon Tum.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới