Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư tư nhân: sẽ bị tác động “hất ra”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư tư nhân: sẽ bị tác động “hất ra”?

(TBKTSG) – Sau khủng hoảng kinh tế của các nước trong khu vực năm 1997 chừng hai năm thì Việt Nam mới bị tác động. Đầu tư trực tiếp nước ngoài lẫn xuất khẩu giảm mạnh và kéo theo tăng trưởng chậm lại. Để vực dậy nền kinh tế, Chính phủ đã thực hiện chính sách mở rộng ngân sách bằng cách tăng chi tiêu của mình. Lúc đó, khu vực tư nhân cũng được “đánh thức” bằng Luật Doanh nghiệp.

Chính điều này đã kéo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trở lại ở mức cao vào những năm sau đó. Hơn một thập niên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được góp phần bởi đầu tư của Nhà nước nhưng do chính sách tiền tệ mở rộng liên tục vì thế lãi suất trên thị trường khá ổn định. Tác động ngắn hạn của mở rộng chính sách ngân sách và tiền tệ đồng thời là tạo ra tăng trưởng, song tác động dài hạn của nó là làm cho lạm phát tăng vọt.

Giờ đây Chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát. Một hệ quả tất yếu của chính sách này là lãi suất trên thị trường đang tăng. Nhiều ý kiến đã cổ vũ cho chuyện này như là một quyết sách hợp lý, nhưng ít ai để ý rằng lãi suất này sẽ có thể làm các doanh nghiệp phá sản hoặc ít nhất là đình đốn sản xuất.

Tóm lại, đây là một câu chuyện bắt đầu từ Chính phủ tăng chi tiêu (mà không còn được hỗ trợ từ chính sách tiền tệ) làm tăng lãi suất thị trường và chắc chắn sẽ dẫn đến giảm đầu tư tư nhân. Lý thuyết kinh tế gọi hiện tượng này là tác động crowding out (tạm dịch là chèn ép, lấn át hoặc tác động hất ra) của chi tiêu Chính phủ. Điều đặc biệt quan trọng là trong bối cảnh của Việt Nam, chính các doanh nghiệp tư nhân non trẻ lại là nhóm dễ bị “hất ra” chứ không phải là các doanh nghiệp được nhiều ưu đãi của Nhà nước.

Hất một doanh nghiệp tư nhân ra khỏi thị trường hay phá sản chúng thì dễ gấp trăm lần để hình thành lại một doanh nghiệp, dù rằng phá sản là một chuyện bình thường trong cơ chế thị trường. Sự đào thải tự nhiên này diễn ra trong các chu kỳ đi xuống của nền kinh tế. Những đó không phải là cái giá mà những doanh nghiệp non trẻ vừa mới thành lập cách đây một thập niên phải gánh chịu trong bối cảnh hiện nay. Họ không phải là thủ phạm dẫn đến cuộc rượt đuổi lạm phát, lãi suất đang diễn ra. Họ đã sinh ra và lớn lên trong một môi trường cạnh tranh, cạnh tranh trong tiếp cận thị trường sản phẩm lẫn trong tiếp cận thị trường vốn.

Báo cáo phát triển năm 2005 dành cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra khu vực tư nhân chính là nơi có chi phí tạo ra công ăn việc làm thấp nhất và có năng suất cao chứ không phải là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu nền kinh tế mà trong đó các doanh nghiệp được cạnh tranh một cách bình đẳng thật sự thì có thể chính các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả bị hất ra ở giai đoạn này chứ không phải là khu vực tư nhân.

Nếu lãi suất vẫn tiếp tục tăng cao như hiện nay cộng thêm các cú sốc về chi phí như giá dầu tăng, giá lương thực tăng thì sản xuất sẽ bị đình đốn (một phần là các doanh nghiệp sẽ sản xuất cầm chừng và một phần sẽ phá sản). Tác động kế tiếp của nó là thất nghiệp tăng và sản lượng giảm.

Cắt giảm cung tiền cũng có tác động làm giảm tổng cầu và nếu trong trường hợp tổng cầu giảm chậm hơn phía cung thì khi đó chắc chắn giá cả sẽ tiếp tục leo thang bởi khan hiếm hàng hóa. Đây có thể là một kịch bản xấu và nó cho thấy những gì sẽ nhận lại từ chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát lại là một điều ngược với mong muốn – đó là tạo ra một đợt lạm phát mới bắt nguồn từ phía cung.

Như vậy, một chính sách tốt nhất hiện nay là làm sao có thể thắt chặt tiền tệ (nhằm giảm lạm phát) nhưng vẫn đảm bảo lãi suất khả dĩ để khuyến khích đầu tư. Tiến thoái lưỡng nan ở chỗ nếu duy trì lãi suất thấp thì không thể huy động vốn để giải quyết thanh khoản trong môi trường lạm phát cao vì lãi suất thực bị âm.

Tuy nhiên, để lãi suất tăng theo cung cầu thị trường như hiện nay chỉ là giải quyết vấn đề thanh khoản tạm thời và nhằm hỗ trợ các ngân hàng chứ không phải vì tổng thể nền kinh tế. Dẫu biết hệ thống ngân hàng vẫn là nhân tố trụ cột để ổn định trong bối cảnh lúc này nhưng lãi suất cao chỉ hấp dẫn ở giai đoạn đầu và đến một lúc nào đó sẽ có tác dụng ngược vì vượt ngưỡng rủi ro có thể chấp nhận.

Trong tình thế này, Chính phủ và nhất là các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả phải cắt giảm mạnh đầu tư của mình. Theo hướng này thì tổng cầu nhanh chóng giảm (vì phía tổng cung đang có xu hướng giảm) và kết quả mong đợi là lạm phát sẽ giảm và lãi suất cũng giảm theo. Khi đó khu vực tư nhân tiếp tục đầu tư các dự án có năng suất của họ và khởi đầu lại một chu kỳ kinh tế mới. Chỉ có như vậy thì sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng mới có thể giảm thiểu.

NGUYỄN HOÀI BẢO

Khoa Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới