Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư vàng hấp dẫn nhưng quá rủi ro  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư vàng hấp dẫn nhưng quá rủi ro  

Giá vàng biến động mạnh từ đầu năm đến nay càng tăng thêm tính hấp dẫn cho kênh đầu tư này -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online)- Trong bối cảnh kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản sụt giảm do các biện pháp thắt chặt quản lý của nhà nước, việc kinh doanh vàng qua tài khoản trở thành kênh đầu tư đang được các nhà đầu tư chú ý.

Giá vàng biến động mạnh từ đầu năm đến nay càng tăng thêm tính hấp dẫn cho kênh đầu tư này nhưng đồng thời rủi ro cũng gia tăng.

Thu hút từ nhà đầu tư tổ chức đến cá nhân

Cả nước hiện chỉ có Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được phép mở sàn giao dịch vàng với tên gọi Sàn giao dịch vàng Sài Gòn. Đây là nơi các nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân mua bán vàng thông qua các tài khoản. Ban đầu chỉ có các ngân hàng và những doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước tham gia nhưng nay ACB đã cho phép các nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản tại ngân hàng để mua bán vàng qua sàn.

Từ đầu năm cho đến gần đây, chứng khoán không còn là mảnh đất hấp dẫn những nhà đầu tư “lướt sóng” khi VN-Index chỉ có một đường đi xuống, trong khi giá vàng biến động mạnh và liên tục, vì thế sàn giao dịch vàng nổi lên như một thị trường đầu tư hấp dẫn.

Đến sàn giao dịch vàng tại hội sở của ACB trên đường Nguyễn Thị Minh Khai vào một buổi sáng đầu tuần này, căn phòng chưa đến 50m2 với khoảng năm nhân viên nhập lệnh đã đầy ắp nhà đầu tư. Không đủ ghế ngồi, gần hai mươi người phải đứng ngay tại quầy đặt lệnh và quanh phòng, mắt dán vào hai màn hình LCD nhỏ treo trên tường, quan sát giá vàng đang nhảy liên tục.

Nhìn cảnh này, dễ liên tưởng đến sàn giao dịch chứng khoán những ngày đầu năm 2007, thời điểm chỉ số VN-Index mỗi ngày tăng 5%. Nhà đầu tư mắt nhìn màn hình, tai nghe thông tin qua điện thoại di động, tay thì cầm xấp giấy đặt lệnh và trong tư thế sẵn sàng ghi lệnh.

Một nửa màn hình treo tại sàn hiển thị khối lượng và giá đặt mua, đặt bán, cũng như giá khớp lệnh của các nhà đầu tư, nửa còn lại hiển thị giá vàng đang giao dịch trên thị trường thế giới, thường là thị trường Hong Kong vì Hong Kong có giờ giao dịch trùng với giờ Việt Nam. Tuy nhiên, những người mua bán ở đây chủ yếu quan sát và dự đoán xu hướng vàng được giao dịch tại sàn New York (khoảng từ 8 giờ 30 tối hôm trước đến 4 giờ 00 sáng hôm sau theo giờ Việt Nam) để đặt lệnh.

Chị Huỳnh Thị Minh Văn, một nhà đầu tư từng có mặt trên thị trường bất động sản và chứng khoán, cho biết trước khi quyết định đầu tư vàng, chị đã nghiên cứu rất kỹ thị trường thế giới và đêm nào cũng thức để theo dõi thị trường thế giới. Nếu có biến động giá mạnh thì tối đó chị không thể ngủ được vì sợ sáng hôm sau không đặt lệnh kịp.

Những ngày đầu năm 2008, mỗi ngày sàn vàng giao dịch chỉ khoảng 80.000 lượng, sau đó tăng lên 100.000 lượng/ngày thời điểm trước Tết âm lịch. Đến sau Tết, có phiên giao dịch đạt đến 400.000 lượng/ngày, chứng tỏ lượng vốn đầu tư đổ vào kênh này ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, khẳng định lượng người tìm đến với sàn vàng ngày càng nhiều. Cuối tháng 3 vừa qua, ACB đã chính thức mở sàn vàng đầu tiên tại Hà Nội với sự tham gia của sáu đơn vị mới bên cạnh 10 nhà đầu tư tổ chức hiện nay trên sàn.

Một điểm hấp dẫn của kênh đầu tư này đối với nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chỉ cần có 7% giá trị vàng muốn giao dịch là đã có thể tham gia mua bán tại đây. Khi giá vàng biến động khiến lượng tiền trong tài khoản của nhà đầu tư giảm còn một nửa thì ACB sẽ buộc nhà đầu tư đóng thêm tiền, nếu không sẽ tự động bán vàng của nhà đầu tư ra.

10 người đầu tư, 9 người thua lỗ

Anh Hoàng, một nhà đầu tư tham gia thị trường từ những ngày đầu, nói rằng cứ đi hỏi hết những người đang có mặt tại sàn vàng thì số người đầu tư có lời chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu tính những người có lời trong một hai ngày đầu tham gia thị trường thì có nhưng xét theo kết quả đầu tư trong một thời gian dài thì chẳng mấy người có lời.

Nếu vậy tại sao nhà đầu tư vẫn tiếp tục lao vào? Anh Hoàng lý giải: “Thời điểm này, cả chứng khoán và bất động sản đều không thể đầu tư kiếm lời được, chỉ còn vàng là kênh đầu tư nhìn bên ngoài có vẻ dễ thu lời nên khá nhiều người từ các kênh khác đã nhảy sang đây”. Thêm vào đó, những người đã kinh doanh lỗ muốn gỡ lại, thế là lại kiếm tiền để bỏ vào đầu tư và lại tiếp tục lỗ cho đến lúc không thể rút ra được.

Nhưng anh Hoàng cũng cho biết rất nhiều người không chịu nổi thua lỗ sau một thời gian ngắn đã bỏ đi. Ngay cả anh cũng đã rút bớt vốn từ hơn một tỉ đồng xuống còn vài trăm triệu tại kênh đầu tư này.

Anh Trần Công Danh, một nhà đầu tư đã mở tài khoản từ cuối năm 2007 với số vốn 180 triệu đồng, cho biết có thời gian lời nhưng sau hai đợt biến động giá mạnh, anh đã mất đứt 150 triệu đồng tiền vốn. Hiện giờ anh đang đứng lại quan sát thị trường chứ chưa có ý định đầu tư tiếp.

Anh Danh kể, có một nhà đầu tư chỉ sau hai đợt biến động đã thua lỗ 2 tỉ đồng, đòi tự tử và không còn muốn đến sàn vàng nữa. “Mười người đến đây thì chín người bị thua lỗ”, anh Danh nói.

Theo các nhà đầu tư tại sàn, những nhà đầu tư vàng trên thế giới chỉ chịu một rủi ro là biến động giá vàng, còn nhà đầu tư Việt Nam phải chịu ba rủi ro là biến động giá thế giới, thời gian giao dịch (giao dịch tại Việt Nam ngược giờ với New York khiến nhà đầu tư không chủ động được), và rủi ro từ hệ thống mạng ACB.

Những ngày giá thế giới giảm mạnh, nhà đầu tư đang vay vàng của ACB đổ xô bán ra cắt lỗ, để giá vàng rớt thêm thì mua vào trả lại cho ACB. Tuy nhiên, mọi lệnh bán ra của nhà đầu tư đều không thể nhập vào hệ thống do trục trặc kỹ thuật theo giải thích của ACB, nhưng lệnh mua vào thì được. “Điều này là bất ổn”, anh Danh nhận xét.

Một rủi ro nữa của nhà đầu tư vàng tại đây là giá trong nước có nhiều lúc hoàn toàn ngược với giá thế giới khiến nhiều người dù đầu tư đúng theo xu hướng vàng thế giới vẫn bị lỗ.

Anh Hoàng, nhà đầu tư đã nhắc ở trên, kể lại có ngày anh vay vàng của “nhà cái” là ACB để bán vàng ra vào buổi sáng, buổi chiều giá vàng thế giới xuống 6 đô la/ounce, tức là anh có lời nếu mua vào với giá thấp hơn để trả vàng lại cho ACB. Nhưng trớ trêu là giá vàng giao dịch trong nước lại tăng so với vàng thế giới và kết quả ngày đó anh lỗ 50.000 đồng/lượng vàng.

“Cuộc chơi này không công bằng và tôi đang đợi khi chứng khoán khởi sắc trở lại sẽ rút đi”, anh Hoàng nhận định. Nhiều nhà đầu tư cũng kiến nghị nên có một biên độ giới hạn chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và vàng thế giới, để tránh tình trạng những nhà đầu cơ lớn có thể làm giá, khiến cho có ngày giá vàng Việt Nam cao hơn giá thế giới 500.000 đồng.

Theo chị Văn, có những ngày giá vàng giao dịch trên sàn thấp hơn giá vàng vật chất niêm yết ngoài thị trường, nhà đầu tư muốn rút vàng trên sàn ra ngoài bán lại thì ACB lại giảm hạn mức rút vàng trong một ngày từ 50 lượng xuống còn 10 lượng.

Khi đưa những ý kiến trên tới ACB, Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại cho rằng sàn giao dịch vàng Sài Gòn chỉ là một hình thức hệ thống hoá lại giao dịch vàng tại Việt Nam. Trước nay các tiệm vàng giao dịch riêng lẻ với nhau thì nay ACB tổ chức sàn để các nhà đầu tư có thể tập trung và giao dịch với nhau thông qua hệ thống công nghệ của ACB.

Giá vàng tại sàn giao dịch thể hiện quan hệ cung cầu tại Việt Nam chứ không phải phản ánh giá vàng thế giới nên có những ngày giá Việt Nam tăng mạnh so với giá thế giới do cầu nhiều hơn cung. Vì vậy, không thể đặt ra biên độ biến động giá tại sàn, ông Toại giải thích.

Còn đối với việc hạ hạn mức rút vàng trong một ngày xuống, ông Toại cho rằng do nhu cầu rút vàng của nhà đầu tư quá nhiều, mà ACB lại không có sẵn vàng vật chất vì công ty chuyên dập vàng là SJC không thể đáp ứng nổi nhu cầu của ACB, buộc ngân hàng phải hạ hạn mức xuống.

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới