Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư vào Lào và Campuchia ngày càng khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư vào Lào và Campuchia ngày càng khó

Quang Chung

(TBKTSG Online) – Nhà đầu tư Việt Nam đang gặp khó khăn khi đầu tư vào Lào và Campuchia do gần đây hai nước này đã thay đổi chính sách quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản.

Tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư tiểu vùng Mêkông 2012 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) tại Buôn Ma Thuột hôm 9-11 về chủ đề "Hiện trạng và triển vọng hợp tác đầu tư trong khu vực tam giác Campuchia – Lào – Việt Nam" (CLV), ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số dự án của Việt Nam đầu tư vào Campuchia và Lào bị từ chối cấp phép dù trước đó đã có những bản ghi nhớ về cam kết đầu tư.

Hiện Việt Nam đầu tư vào khu vực CLV Lào và Campuchia chủ yếu ở lĩnh vực trồng cây công nghiệp và khai khoáng. Tuy nhiên, môi trường đầu tư tại Lào và Campuchia trong hai lĩnh vực trên đang có sự thay đổi.

Cụ thể, Campuchia không còn khuyến khích các nhà đầu tư khai thác gỗ, khoáng sản không qua chế biến mà đã xuất ra ngoài Campuchia; không ủng hộ việc giải tỏa đất đai tại những nơi mà người dân đã ở lâu đời. Trong khi đó, Lào đã dừng xem xét và cấp mới các dự án trong lĩnh vực tìm kiếm, khảo sát quặng kim loại và phi kim; cũng như dừng xem xét đối với các dự án trồng cao su và bạch đàn; cấm xuất khẩu quặng thô…

Thế nhưng điều khiến ông Đinh Văn Khiết, Phó chủ tịch tỉnh Đăk Lắk thấy buồn là, mới đây Campuchia đã cấp đất (dự kiến giao cho nhà đầu tư Việt Nam theo bản ghi nhớ) cho một nhà đầu tư nước ngoài khác. Nói về điều này (không có đại diện Chính phủ Camphuchia tại diễn đàn), một quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo phản ánh từ chính phủ Lào và Campuchia, một số dự án của nhà đầu tư Việt Nam chậm triển khai, gia hạn biên bản ghi nhớ nhiều lần…

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện các tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực CLV đã thu hút được 129 dự án từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ (có 5 dự án từ Lào và 2 dự án từ Camphuchia). Trong khi đó, Việt Nam đã đầu tư sang khu vực CLV của Lào và Campuchia 75 dự án với số vốn hơn 3 tỉ đô la Mỹ (vào Lào 50 dự án, Campuchia 25 dự án). 

Tại diễn đàn, Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia kiến nghị chính phủ ba nước cần nhanh chóng xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực CLV; đồng thời hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông kết nối giữa ba nước.

Cũng tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư tiểu vùng Mêkông 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Các quy hoạch này được các chuyên gia nhận định là nếu triển khai thành công sẽ giúp kinh tế ba vùng này phát triển nhanh chóng, nhưng để triển khai thành công quy hoạch là vấn đề không hề dễ dàng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới