Thứ Sáu, 1/12/2023, 07:49
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Đầu tư vào ngành điện không phải dễ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư vào ngành điện không phải dễ

Việt Nam đang thiếu hụt nguồn điện nhưng các doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành này cũng không phải dễ – Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG) – Trong bốn phân khúc chi phối toàn bộ ngành điện, Nhà nước độc quyền quản lý ba phân khúc là truyền tải, phân phối và bán lẻ điện. Riêng khâu phát điện mới được mở cửa chút ít.

Đây cũng là phân khúc thị trường đòi hỏi sự đầu tư lớn và khả năng thu hồi vốn chậm. Tuy nhiên, dù đang thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay, việc tham gia vào phân khúc này cũng không dễ.

Các doanh nghiệp tăng đầu tư vào ngành điện

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đang trở thành nhà đầu tư  độc lập (IPP) lớn nhất ngoài tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư vào nguồn điện. Petro Vietnam đang tham gia xây dựng dự án điện Cà Mau 1 và 2 mà theo lời Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thì nhà máy điện Cà Mau 2 dự kiến sẽ “mồi lửa” ngày 15-5 tới. Hai dự án này đi vào hoạt động trong những năm tới sẽ nâng tổng công suất của toàn hệ thống thêm 1.500 MW. Ngoài ra Petro Vietnam còn đầu tư một số dự án IPP khác, như tổ hợp khí-điện-đạm tại Nhơn Trạch với tổng công suất 1.950 MW.

Theo ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Petro Vietnam, hiện Petro Vietnam chiếm hơn 15% công suất của toàn hệ thống điện. Ngoài Petro Vietnam, một số nhà đầu tư IPP khác như tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) hay các tập đoàn tư nhân lớn như Tân Tạo cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện.

Trong tình trạng thiếu hụt điện năng như hiện nay việc đầu tư của các doanh nghiệp ngoài ngành điện đã giúp cải thiện đáng kể nguồn cung điện và giảm bớt áp lực cho EVN. Song trên thực tế, số dự án đi vào hoạt động dưới hình thức IPP (17 dự án) và BOT (2 dự án) hiện vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu. Khi mà 47 dự án IPP, BOT trong lĩnh vực phát điện tính đến năm 2015 hầu như vẫn còn trên giấy hoặc đang triển khai thì nguồn cung điện chủ yếu vẫn dựa vào các nhà máy do EVN đầu tư, quản lý hoặc nắm cổ phần chi phối.

Theo tổng sơ đồ VI (kế hoạch cho giai đoạn 2006-2010) trong vòng vài năm tới, đơn vị độc quyền này vẫn đề xuất đầu tư 23 cụm nhà máy điện với công suất 33.000 MW (chiếm hơn 60% công suất của tổng sơ đồ VI). Và EVN đầu tư tới đâu thì “phần đất” của các nhà đầu tư IPP và BOT co lại tới đó.

Sự lúng túng và xung đột lợi ích

Giữa tháng 4-2008, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công văn đốc thúc giải quyết tình trạng thiếu điện bằng cách đẩy nhanh các dự án phát điện, đặc biệt là các dự án IPP và BOT.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương và EVN, nhiều dự án bị chậm tiến độ là do thiếu nhân lực, thiếu thiết bị thi công và do giá vật liệu tăng cao. Điều này đúng nhưng chỉ là bề nổi của vấn đề. Nguyên nhân sâu xa hơn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn, chính là sự xung đột về lợi ích đầu tư và hành lang pháp lý còn nhiều bất cập.

Câu chuyện của tập đoàn Tân Tạo (ITA Group) tuần trước khiến cho nhiều nhà đầu tư IPP phải suy tính rất kỹ. ITA vừa ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài và tư vấn trong nước đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương (công suất 4.400 MW), một trong năm dự án nhiệt điện lớn nhất ở phía Nam, trị giá 6,7 tỉ đô la Mỹ. Nhưng ngay khi các hợp đồng của Tân Tạo với đối tác được thông qua, Bộ Công thương đã phản hồi bằng văn bản cho rằng ITA mới chỉ là đơn vị lập dự án, chưa được chấp thuận là chủ đầu tư chính thức vì dự án này thuộc nhóm A, cần có thời gian nghiên cứu và xem xét ở cấp cao hơn. Cách ứng xử này đã làm nản lòng nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về đầu tư vào lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết: “Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phải tham gia đấu thầu mà thời gian từ khi đấu thầu đến lúc cấp phép phê duyệt dự án kéo dài vài năm cùng với vô vàn khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.

Ngoài ra, Bộ Công thương, vừa là chủ sở hữu EVN vừa cơ quan phê duyệt dự án, còn EVN thì độc quyền hết các khâu còn lại như truyền tài, phân phối, bán lẻ, vì vậy khó mà thu hút được ai”. Ngược lại, với các nhà đầu tư trong nước, Nhà nước lại cho phép chỉ định thầu và vấn đề đặt ra là trên thực tế nhiều nhà thầu được chỉ định không đủ năng lực, không thực hiện đúng tiến độ dự án.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép EVN chi định thầu các dự án Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo hợp đồng nếu nhà thầu báo giá quá cao, không hiệu quả thì thực hiện đấu thầu, tức là làm ngược lại.

Ông Đinh La Thăng cho biết Petro Vietnam cũng ngại nhất là quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN. Nếu không đàm phán xong  thì việc quá trình khởi công dự án chưa thể thực hiện được. “Thường thì mất hai năm mới đàm phán xong”, ông Thăng nói. Và trong thời gian đó, nhiều kế hoạch về tài chính buộc phải điều chỉnh nhiều lần do không còn phù hợp với thực tế và thị trường. Với các nhà đầu tư nước ngoài, quá trình chuẩn bị dự án và đàm phán còn dài hơn rất nhiều: ở Phú Mỹ 2.2  mất sáu năm, Phú Mỹ 3 có nhanh hơn đôi chút nhưng cũng mất tới ba năm (theo báo cáo của Ban Thư ký Liên hiệp quốc, công bố tháng 11-2007 về chính sách đầu tư tại Việt Nam).

Theo nhận định của các chuyên gia Liên hiệp quốc nêu trong báo cáo nói trên, Việt Nam chưa sẵn sàng cho thị trường phát điện cạnh tranh thực sự. Bằng chứng mà họ đưa ra là hàng loạt các quy định pháp lý chồng chéo.

Việc phê duyệt các dự án đầu tư vào ngành điện ở Việt Nam do Chính phủ và Bộ Công thương quản lý. Bộ này lại đảm nhận hai vai trò trái ngược nhau, vừa sở hữu EVN (nơi nắm hầu hết các lĩnh vực độc quyền trong ngành điện) đồng thời lại chịu trách nhiệm điều tiết điện lực. Cục Điều tiết điện lực trực thuộc Bộ này nhưng chức năng chính không phải là điều tiết mà là giúp việc cho Bộ trưởng trong việc thực thi các chính sách. Có thể nói như vậy là vì quá trình đàm phán hợp đồng giá mua bán điện – yếu tố sống còn của một dự  án điện – lại do EVN làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư.

EVN còn kiểm soát luôn cả Viện Năng lượng, nơi chấp bút các bản quy hoạch phát triển tổng thể điện lực. “Nếu không sớm công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý, điều độ điện, các nhà đầu tư IPP sẽ không còn hứng thú nữa”- ông Thăng nói.

Các nhà đầu tư khác đề nghị nên chia nhỏ EVN, cụ thể là tách bạch các bộ phận kinh doanh, điều độ ra thành các pháp nhân độc lập, không sở hữu chéo cổ phiếu hay quyền kiểm soát chi phối lẫn nhau. Quyền sở hữu EVN của Bộ Công thương nên chuyển sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để Bộ này có thể khách quan xem xét các dự án đầu tư vào lĩnh vực phát điện. Nếu không như vậy thì tình trạng thiếu điện khó giải quyết tận gốc.

NGỌC LAN 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới