Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dầu WTI vượt 40 đô la/thùng, giá vàng cao nhất trong gần 3 tuần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dầu WTI vượt 40 đô la/thùng, giá vàng cao nhất trong gần 3 tuần

Phúc Minh

Dầu WTI vượt 40 đô la/thùng, giá vàng cao nhất trong gần 3 tuần
Giá dầu thô WTI sáng ngày 11-4 tại thị trường châu Á có lúc tăng vượt 40 đô la Mỹ/thùng – lần đầu tiên vượt mốc 40 đô la Mỹ/thùng trong tháng 4-2016. Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Trong phiên giao dịch sáng nay 11-4 tại thị trường châu Á, giá dầu thô WTI giao tháng 5-2016 có lúc tăng vượt 40 đô la Mỹ/thùng – lần đầu tiên vượt mốc 40 đô la Mỹ/thùng trong tháng 4-2016.

Lượng tồn trữ và số giàn khoan dầu của Mỹ sụt giảm, cộng với hy vọng các nhà sản xuất dầu lớn có thể “đóng băng” sản lượng dầu trong cuộc họp sắp tới (diễn ra ngày 17-4 tại Qatar) và dự báo nhu cầu dầu toàn cầu gia tăng, đã thúc đẩy giá dầu tăng lên.

Trong tuần kết thúc vào ngày 8-4, các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số giàn khoan dầu tuần thứ 3 liên tiếp xuống còn 354 giàn khoan – mức thấp nhất kể từ tháng 11-2009 – để giảm chi tiêu.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng tốc, giúp giảm áp lực dư cung kể từ giữa năm 2014. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng ước tính nhu cầu dầu sẽ tăng 1,3%/năm trong 5 năm tới. Trong khi đó, các nhà phân tích tại Bernstein dự báo từ năm 2016-2020, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,4%/năm – cao hơn tốc độ tăng trưởng 1,1%/năm trong thập kỷ qua – cho dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Bernstein dự kiến thị trường dầu sẽ tái cân bằng vào nửa cuối năm 2016.

Những thông tin trên đã giúp trấn an thị trường dầu đang điêu đứng với tình trạng cung vượt cầu. Bloomberg dẫn lời ông John Kilduff – đối tác của quỹ Again Capital – cho biết: “Giá dầu phá vỡ mốc 40 đô la Mỹ/thùng là khích lệ rất lớn đối với tâm lý thị trường. Thị trường đang căng thẳng chờ kết quả cuộc họp ngày 17-4”.

* Liên quan đến giá dầu thấp, nền kinh tế Angola (nền kinh tế lớn thứ 3 và là nước sản xuất dầu lớn thứ 2 ở châu Phi) không đủ đa dạng để có thể thích ứng với môi trường giá dầu thấp và phải quay sang cầu cứu “người cho vay cuối cùng”, tức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Dầu chiếm khoảng 75% nguồn thu ngân sách và 95% kim ngạch xuất khẩu của Angola.

Đồng kwanza của Angola đã giảm 16% kể từ đầu năm đến nay, khiến những khoản nợ bằng đô la Mỹ ngày càng đắt đỏ hơn. 1,5 tỉ đô la Mỹ trái phiếu kỳ hạn 10 năm mà Angola phát hành năm ngoái có lợi suất lên tới 9,5%. Bên cạnh đó, Angola cũng vay lượng tiền lớn từ Trung Quốc bằng các thỏa thuận đổi dầu lấy nợ và những khoản nợ này đang khiến ngân sách cạn kiệt. Cân bằng ngân sách thực sự là  thử thách với Angola, nước này đã cắt giảm tới 20% chi tiêu công nhưng tình hình cũng không khá hơn.

Lần gần nhất Angola xin cứu trợ từ IMF là năm 2009 để khắc phục những hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nước này đã nhận được 1,4 tỉ đô la Mỹ.

* Sáng ngày 11-4 tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay có lúc tăng lên 1.247,6 đô la Mỹ/ounce – mức cao nhất trong gần 3 tuần qua – do tâm lý thận trọng bao trùm các thị trường chứng khoán toàn cầu và đô la Mỹ yếu củng cố nhu cầu đầu tư vàng.

Sáng ngày 11-4, đô la Mỹ tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế yếu kém và những đồn đoán về chính sách tiền tệ của Mỹ khiến các nhà giao dịch có tâm lý e ngại các tài sản rủi ro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới