Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dạy cách sống cho cả người lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dạy cách sống cho cả người lớn

Bạt ngàn những vườn nho dọc theo triền đồi nhìn ra hồ Leman. Ảnh: VTX.

(TBKTSG) – Bài “Giáo dục: cái nhìn từ  Thụy Sỹ” của GS. Võ Tòng Xuân trên TBKTSG số 25-2008 đọc rất hay và thú vị. Tôi quan tâm nhiều đến chi tiết “Chương trình chủ yếu dạy học sinh biết cách sống trong xã hội, trong thiên nhiên nơi mình cư trú…” và nhờ đó hiểu thêm về phản ứng vừa qua của đứa cháu trai 8 tuổi của mình.

Mừng chị và cháu từ Úc về thăm nhà, gia đình chúng tôi và gia đình chị dùng cơm tối ở một nhà hàng. Thực đơn có món bồ câu quay, cháu và các con tôi ăn rất ngon lành. Khi cháu hỏi mẹ đây là thịt con gì mà ngon quá và được giải thích là chim bồ câu thì cháu òa khóc nức nở và cố tình ọe cho hết thức ăn vừa ăn xong. Cậu em tôi càu nhàu nhỏ: Phú quý sinh lễ nghĩa, thiếu ăn như trẻ con nông thôn ở Việt Nam xem có ăn đủ thứ chim không!

Em tôi đâu hiểu là từ bé cháu mình đã được nhà trường và thầy cô ở Úc dạy phải yêu thương loài vật, phải bảo vệ động vật hoang dã và bồ câu là loài chim cần được chăm sóc và bảo vệ, nên cháu nghĩ ăn thịt nó là đã làm một điều xấu xa. 

Trong một chuyến đi du lịch Phú Quốc, ông chủ nhà hàng thân quen đã ưu ái đãi đoàn chúng tôi món đặc sản hiếm là thịt bò biển (dugong) do các ghe chài mua của tàu đánh cá và lén mang về bán. Nhiều anh trong đoàn ăn khen ngon, còn các chị cũng tò mò nếm thử cho biết, chỉ có một chị đồng nghiệp không những không ăn mà còn nói thẳng với ông chủ nhà hàng, đây là động vật quý hiếm có trong sách đỏ cần được bảo vệ, đánh bắt như vậy là phạm pháp.

Tôi chống chế hộ cho ông chủ quán, ông ta đâu có đánh bắt, nếu ông không mua thì chủ quán khác cũng mua, ông quý đoàn mình nên mới đãi món lạ. Theo chị thì mua và ăn là tiếp tay cho một việc làm sai trái. Tối về chị thủ thỉ, những năm chị học đại học ở Nga, việc bảo vệ động vật quý hiếm, hoang dã còn là biểu hiện của sự văn hóa, nếp sống văn minh và nhà trường Nga không chỉ dạy điều này cho học sinh mà còn giáo dục cho cả sinh viên. Bây giờ thì tôi hiểu vì được dạy nên chị không bao giờ ăn thịt thú rừng, thịt chó, thịt chim bồ câu…

Phía sau ngôi nhà của gia đình tôi là một trảng cỏ và ráng rộng mênh mông của một dự án chờ xây dựng, có nhiều loài chim về làm tổ: sáo sậu, cò, bìm bịp… Một ngày kia, ông xã tôi phát hiện có hai vợ chồng chim bìm bịp đang nuôi cặp chim con nên mách với ông bạn hàng xóm và hai ông rủ nhau chờ chim con lớn một tí thì bắt bẻ giò để chim mẹ tha thảo dược về bó, rồi giăng lưới bắt trọn ổ ngâm rượu thuốc.

Con gái tôi nghe được phản đối: ba không được làm thế, ác độc, chim bìm bịp đâu có làm gì mình mà sao ba lại hại nó. Ông xã tôi thản nhiên phán: ối dào, chim sinh ra là để phục vụ con người.

Tôi ngẫm nghĩ ở Việt Nam mình thì việc giáo dục tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã… không chỉ dành cho con trẻ mà còn dành cho cả người lớn như ông xã và ông hàng xóm của tôi nữa.

SƠN TRÀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới