Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ CNTT cho nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ CNTT cho nông nghiệp

Vân Ly

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ CNTT cho nông nghiệp
Khu nhà kính thiệu giải pháp ứng dụng CNTT trong trồng rau sạch của Fujitsu được FPT đưa vào giới thiệu tại Việt Nam. Ảnh: Vân Ly

(TBKTSG Online) – Nhằm tìm kiếm những nguồn doanh thu mới khi việc phát triển thuê bao di động bị bão hòa, nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin (ICT) đã chuyển sang đẩy mạnh cung cấp giải pháp, dịch vụ cho ngành nông nghiệp và nông dân.

Các gói cước cho nông nghiệp

Công ty VNPT VinaPhone vừa ra mắt dịch vụ Nông thôn xanh hướng đến việc cung cấp dịch vụ thông tin di động cho nông dân. Trước đó, vào tháng 12, nhà mạng MobiFone cũng đã cung cấp dịch vụ tương tự mang tên Nhà nông xanh.
Còn Viettel là nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ di động cho người nông dân khi ra mắt dịch vụ tương tự từ gần hai năm nay.

Dịch vụ trên của các nhà mạng giúp người nông dân nắm bắt diễn biến thời tiết, thông số môi trường để phòng tránh dịch bệnh, nắm được giá cả thị trường các mặt hàng nông sản tại nhiều vùng miền trong nước và trên thế giới. Thông tin này được cập nhật theo ngày, theo giờ… để người nông dân có thể chủ động các kế hoạch, dự định sản xuất và kinh doanh.

Khi đăng ký sử dụng dịch vụ của các nhà mạng, người nông dân sẽ nhận được bản tin ngắn gọn, dễ hiểu qua một tin nhắn đơn giản trên điện thoại. Nội dung tin nhắn sẽ do các nhà khoa học, khuyến nông, cộng tác viên biên tập vào từng thời điểm thích hợp cho từng đối tượng, vùng, miền sinh thái. Tin nhắn sẽ khuyến cáo nông dân canh tác khoa học, thông minh với thời tiết, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, các loại vật tư, giống, giá cả, kết nối thị trường – đầu ra cho sản phẩm, chủ động phòng chống thiên tai, sâu bệnh…

Các bản tin dịch vụ của nhà mạng thường được chia theo từng gói – theo đối tượng phục vụ cây, con, vùng sinh thái như lúa, cà phê, tiêu, điều, cao su, tôm, cá… Mỗi gói sản phẩm có giá dịch vụ là 5.000 – 7.000 đồng/tuần, gói cảnh báo vùng sinh thái có giá 10.000 đồng/tháng.

Để đăng ký tham gia chương trình, người nông dân có thể soạn tin nhắn theo các cú pháp quy định và gửi đến đầu số tổng đài của từng nhà mạng.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Đa phương tiện và Giá trị gia tăng của MobiFone, dịch vụ Nhà nông xanh cung cấp các thông tin cập nhật, chính xác về giá các loại nông sản (cà phê, lúa…); các thông tin tư vấn về diễn biến thị trường nông sản trong nước và thế giới. Ngoài ra, dịch vụ cũng cung cấp thông tin thời tiết nông vụ; thông tin cảnh báo dịch bệnh, cách phòng tránh, điều trị dịch bệnh trong nông nghiệp; và các loại thông tin quan trọng khác liên quan đến nông nghiệp.

MobiFone triển khai ba gói dịch vụ khác nhau bao gồm: gói Lúa (cước phí 7000 đồng/7 ngày), gói Cà phê (cước phí 7000 đồng/7 ngày) và gói Cảnh báo nông nghiệp (cước phí 5000 đồng/7 ngày).

Để đáp ứng dự báo thông tin chính xác nhất, MobiFone đã lắp đặt tám trạm IMETOS cảm biến tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm, không khí, cảm biến bức xạ mặt trời, cảm biến độ ướt lá… để phục vụ dịch vụ (về lâu dài, tùy theo mức độ phát triển dịch vụ có thể đầu tư tới hàng trăm trạm); liên kết với Cục Dự báo Khí tượng Thủy văn, đồng thời đang trang bị thêm thiết bị của Áo để phục vụ công tác dự báo…

Được biết, trong thời gian tới VNPT VinaPhone sẽ tiếp tục nghiên cứu và ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới theo định hướng ứng dụng CNTT – viễn thông vào nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi trồng của nông dân.

Đến những doanh nghiệp CNTT

Không chỉ cung cấp gói cước viễn thông di động cho nông nghiệp, Viettel còn hỗ trợ triển khai ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Theo ông Bùi Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp cộng đồng Viettel, bên cạnh việc triển khai các đầu số, tổng đài cung cấp các gói thông tin về giá cả, cảnh báo dịch bệnh, thời tiết bất lợi, bản tin phân tích thị trường của các sản phẩm tiêu, điều, cà phê,…nhiều năm qua, Viettel đã hợp tác triển khai cổng thông tin điện tử www.nhanong.com.vn với chức năng hỗ trợ thông tin cho nông dân, nông nghiệp.

"Tính tổng doanh thu từ ứng dụng CNTT trong nông nghiệp thì Viettel thu khoảng 7 tỉ đồng/tháng", ông Huy cho biết.

Đại diện Viettel cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của việc phát triển ứng dụng CNTT trong nông nghiệp là thiếu đội ngũ nhân lực CNTT có thể hiểu biết chuyên ngành sâu về nông nghiệp.

Với thế mạnh sở hữu 56 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao ở nông thôn, Viettel sẵn sàng hợp tác bằng cách miễn phí hoặc giảm cước phí viễn thông cho các giải pháp, ứng dụng CNTT phục vụ cộng đồng, đặc biệt là các giải pháp, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gần đây FPT đã hợp tác với Fujitsu (Nhật Bản) để có thể đưa những giải pháp CNTT trong nông nghiệp của tập đoàn này vào Việt Nam. Những giải pháp này đã được áp dụng ở Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới giúp nâng cao năng suất cho cây trồng trong nông nghiệp như xà lách, cà chua…

Hiện FPT đã triển khai mô hình nhà mẫu để giới thiệu, thuyết phục khách hàng tại Việt Nam sử dụng giải pháp này. Nhằm đẩy mạnh xu hướng ứng dụng CNTT vào nông nghiệp, FPT còn phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và nội dung số khởi xướng tổ chức hội thảo ứng dụng CNTT trong nông nghiệp tại Mộc Châu vào thời gian tới.

Dù chưa có các giải pháp, ứng dụng CNTT cụ thể cho nông nghiệp, song bước đầu, Hanel cũng đã có sự quan tâm tới lĩnh vực này.

Trong buổi thuyết trình mới đây với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về mô hình và giải pháp hiện đại hóa đất nước, ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng giám đốc Hanel cho biết, "ở Việt Nam, dù nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành kinh tế có thế mạnh nhưng hầu hết các hoạt động sản xuất, phân phối nông nghiệp vẫn mang đậm tính thủ công. Lĩnh vực nông nghiệp thông minh vẫn còn là mảnh đất trống", ông Bình nói. Ông Bình đề xuất Chính phủ và Quốc hội sớm tạo cơ chế đầu tư ban đầu vào nghiên cứu nông nghiệp thông minh thông qua các khu CNTT tập trung và quỹ khoa học công nghệ; mở chuỗi trung tâm trên toàn quốc tại các trường, các khu CNTT về việc tự làm các thiết bị tập trung vào ứng dụng CNTT trong nông nghiệp.

Mời xem thêm:

>>> Đại biểu QH đề xuất ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới