Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cho ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cho ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm 4-4 cho biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL, cần đầy mạnh phát triển đồng bộ về hạ tầng, không chỉ hạ tầng giao thông, mà còn cả về hạ tầng mềm.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cho ĐBSCL
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng không nơi nào phát triển hàng hải tốt bằng Sóc Trăng. Trong ảnh là tàu container vào Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các địa phương nhân dịp dự mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 5-4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, theo nghiên cứu của Bộ, về hàng hải thì không có một địa điểm nào tốt bằng Sóc Trăng”.

Theo ông Thể, Sóc Trăng hiện cách thành phố Cần Thơ chỉ 60 Km và hiện có 3 trục dọc kết nối là quốc lộ 1, đường Nam sông Hậu và tuyến Quản Lộ- Phụng Hiệp cùng với một số quốc lộ khác như 60, 61.

Ông Thể cho biết, đối với dự án cảng biển quốc gia Trần  Đề (Sóc Trăng), đã được Hà Lan nghiên cứu và Tập đoàn Sun Group cũng rất quan tâm đến dự án này. “Họ muốn hình thành 1 cảng lớn, tàu 100.000-120.000 tấn có thể vào được”, ông cho biết và nói rằng Sun Group sẽ đầu tư khoảng 40.000 tỉ đồng vào dự án này trong giai đoạn 1.

Nếu hiện thực hóa được việc này, thì hàng hóa của ĐBSCL sẽ không phải đưa lên TPHCM, mà có thể xuất/nhập khẩu trực tiếp từ cảng này.

Song song đó, cùng với việc dự kiến đầu tư được tuyến đường cao tốc nối từ Sóc Trăng- Cần Thơ- An Giang- Campuchia, thì 2 bên dự án này sẽ hình thành được các khu, cụm công nghiệp, góp phần gia tăng sản xuất cho khu vực này. “Nếu được như vậy, chúng ta không thua vùng Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước”, ông nhấn mạnh và dẫn chứng khu vực vừa nêu phát triển được là nhờ có hệ thống cảng biển và sân bay Tân Sơn Nhất.

Về sân bay, theo ông, hiện vùng đã có sân bay quốc tế Cần Thơ và việc có thêm được cầu cảng Trần Đề ở Sóc Trăng, thì toàn bộ khu vực này sẽ phát triển mạnh về sản xuất, góp phần thúc đầy xuất khẩu, phát triển kinh tế của vùng. “Hôm qua (4-4), Bộ Giao thông Vận tải đã thẩm định dự án này (cảng Trần Đề), chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ quy hoạch cảng này là cảng đặc biệt (loại IA) để nhà đầu tư sẽ đầu tư ngay”, ông cho biết.

Ngoài lĩnh vực hàng hải, để kinh tế vùng ĐBSCL phát triển, theo ông Thể, cũng cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, về đường bộ, theo ông Thể, đối với tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, sau khi Thủ tướng có kết luận, thì hiện Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang đang tập trung điều chỉnh dự án theo chỉ đạo và tất cả các công việc đang thuận lợi. “Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ dự án này 2.186 tỉ, trong đó, có 500 tỉ từ vốn nguồn trung hạn và hơn 1.500 tỉ đồng từ vốn vượt thu”, ông cho biết và nói rằng dự án này sẽ được thông tuyến vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, đối với cầu Mỹ Thuận 2, theo ông, Quốc hội có quyết định bố trí 5.100 tỉ đồng để xây dựng. “Hiện, Bộ đã phê duyệt dự án và theo kế hoạch đến tháng 12-2019 sẽ khởi công và hoàn thanh vào năm 2023”, ông cho biết.

Còn đoạn cao tốc từ Mỹ Thuận- Cần Thơ, ông Thể cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính căn cứ vào nguồn vượt thu năm 2018 bố trí 932 tỉ để Bộ Giao thông Vận tải mở thầu. “Chúng tôi đang chờ Bộ Tài Chính tham mưu Chính phủ bố trí 932 tỉ này”, ông nói và cho rằng dự kiến trong năm nay sẽ mở thầu để bắt tay triển khai ngay cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.

Song sóng đó, theo ông Thể, nhiều dự án như: tuyến quốc lộ 1 từ TPHCM- Cà Mau; trục xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười, tuyến N1 và các trục ngang trong vùng cũng sẽ được Bộ quan tâm đầu tư trong thời gian tới nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL, cần đầy mạnh phát triển đồng bộ về hạ tầng, không chỉ hạ tầng giao thông, mà còn cả về hạ tầng mềm. "Bên cạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trường thích ứng với biến đổi khí hậu, thì vùng cần phát triển đồng bộ hạ tầng, bao gồm đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, đường hàng không và cả đường sắt", Thủ tướng cho biết.  

Cụ thể, với tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận- Cần Thơ, phải được thông tuyến vào năm 2020-2021. "Đây là cam kết mạnh mẽ của Bộ Giao thông Vận tải và của Chính phủ", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật. "Cần có chương trình cụ thể hơn, chứ không phải cam chịu với thói quan cũ, giá trị thấp", ông nói.

Mời xem thêm:

Logistics cho ĐBSCL: Mấu chốt không chỉ ở Quan Chánh Bố

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới