Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL: có mưa nhưng chưa thể gieo cấy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ĐBSCL: có mưa nhưng chưa thể gieo cấy

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Những cơn mưa đầu mùa vài ngày qua đã xuất hiện ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng lãnh đạo các địa phương khuyến cáo nông dân chưa vội xuống giống vì phải chờ đủ nguồn nước để rửa mặn.

ĐBSCL: có mưa nhưng chưa thể gieo cấy
Dù đã có mưa nhưng đến nay tại những khu vực không chủ động được nước tưới nông dân được khuyến cáo chưa xuống giống vụ lúa hè thu 2016. Trong ảnh là gốc rạ của một ruộng lúa tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bị khô cháy vì hạn, mặn. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Tiền Giang, cho biết ở khu vực phía Tây thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè – nơi chủ động được nguồn nước tưới – thì lúa xuân hè (lúa hè thu sớm 2016) đang trong giai đoạn trổ, chín. “Còn ở khu vực phía Đông như huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, thì chưa thể xuống giống”, ông cho biết.

Theo ông Hóa, thời gian qua, dù mưa có xuất hiện ở khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang, nhưng  với lượng mưa rất thấp nên chưa thể xuống giống được. “Chúng tôi đang chuẩn bị một hội nghị về nước và chủ trưởng của tỉnh là khi mùa mưa bắt đầu, nước sông Tiền ngọt trở lại, khi đó, lấy nước vô để rửa mặn hệ thống kênh nội đồng rồi mới xuống giống, bởi vì trước đó mặn đã xuât hiện ở các hệ thống kênh nội đồng, cho nên phải rửa mới có thể xuống giống được”, ông Hóa giải thích.

Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, cho biết địa phương có kế hoạch xuống giống 77.000 héc ta lúa vụ hè thu 2016, nhưng hiện còn 10.000 héc ta chưa thể xuống giống được do hạn và xâm nhập mặn. “Ở khu vực chủ động được nguồn nước ngọt để tưới, thì chúng tôi cho xuống giống bình thường”, ông Đồng cho biết

Tuy nhiên, theo ông Đồng, đối với 10.000 héc ta diện tích ở huyện Long Mỹ do bị xâm nhập mặn nên lịch thời vụ xuống giống lúa hè thu 2016 được dời đến tháng 6-2016. “Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, chúng tôi khuyến cáo nông dân nên tuân theo lịch thời vụ và dự kiến năm nay huyện Long Mỹ chỉ làm 2 vụ chính, bỏ lúa vụ ba để xuống giống vụ đông xuân 2016-2017 sớm hơn nhằm né hạn, mặn trong năm tới”, ông cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Bí thư huyện ủy huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nguyên Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, cho biết tại huyện Tân Thạnh hiện có nhiều khu vực nông dân đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu sớm 2016 và đang xuống giống tiếp vụ thu đông. “Ở khu vực này, do chúng tôi chủ động được nước tưới nên tranh thủ xuống giống, chứ những khu vực không có nước tưới vẫn khuyến cáo bà con không được xuống giống”, ông cho biết.

Trong khi đó, theo ghi nhận thực tế của TBKTSG Online, hiện có hàng ngàn héc ta diện tích sản xuất lúa của bà con nông dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An (dọc theo tuyến quốc lộ N2, nối Long An về TPHCM), dù đã và đang được nông dân làm đất, nhưng vẫn chưa xuống giống do điều kiện nước tưới rất khó khăn.

Tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, hàng chục ngàn héc ta diện tích sản xuất lúa dọc theo tuyến quốc lộ 1A sau khi được thu hoạch xong cũng đang trong tình trạng ruộng đồng khô cháy, không thể xuống giống tiếp được vì chưa có nước ngọt để tưới.

Theo khuyến cáo của Bộ NNPTNT, việc xuống giống vụ hè thu và vụ mùa 2016 phải bố trí thời vụ nhanh, gọn và hợp lý trên từng tiểu vùng nhằm né tránh hạn và xâm nhập mặn. Cụ thể, đối với các vùng sản xuất lúa phụ thuộc vào nước mưa ở khu vực ven biển, gồm khu vực phía Nam của tỉnh Long An; phía Đông của Tiền Giang; các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre; huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành của Trà Vinh; huyện Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm của Sóc Trăng; huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu; các huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng của Kiên Giang và tỉnh Cà Mau.., chỉ xuống giống khi có mưa thường xuyên và dự kiến vào nửa đầu tháng 6-2016.

Đối với các vùng phía Nam quốc lộ 1A cách biển từ 70 km trở lên, chịu tác động của hạn và xâm nhập mặn thấp như Vĩnh Long, Hậu Giang và phần còn lại của Tiền Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh sẽ xuống giống vào tháng 5-2016.

Riêng đối với vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu do chủ động được nước tưới nên tập trung xuống giống ngay, tức ngay khi lúa đông xuân 2015-2016 thu hoạch xong.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới