Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL nghiên cứu tác động của các đập thủy điện sông Mekong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ĐBSCL nghiên cứu tác động của các đập thủy điện sông Mekong

Nguyễn Hữu Thiện

ĐBSCL là nơi chịu rủi ro tác động nhiều nhất từ các dự án thủy điện dòng chính Mekong nhưng lại chưa được tiếp cận thông tin một cách có hệ thống.

(TBKTSG Online) – Hôm qua, ngày 22-4-2011, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước (FORWET) thuộc Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức họp khởi động dự án “Nâng cao nhận thức địa phương về tác động của 12 dự án thủy điện dòng chính Mekong”.

Dự kiến dự án này sẽ đựơc tiến hành trong 2 năm (2011-2012) với tổng kinh phí khoảng 60.000 đô la Mỹ do tổ chức McKnight Foundation của Hoa Kỳ tài trợ. Dự án cũng được sự hỗ trợ của IUCN Việt Nam thông qua Chương trình Đối thoại nước Mekong của tổ chức này.

Mục đích dự án là nâng cao nhận thức của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về các tác động của 12 dự án thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong thông qua việc cung cấp thông tin về các dự án này, cung cấp Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược 12 dự án thủy điện trên dòng chính do Ủy hội sông Mekong (MRC) thực hiện (gọi là Báo cáo SEA), và cùng với 13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL thảo luận, phân tích tìm ra những vấn đề đối với ĐBSCL mà báo cáo SEA chưa đề cập hoặc phân tích chưa đầy đủ.

Theo đại diện của FORWET, lý do tiến hành dự án này là vì ĐBSCL là nơi chịu rủi ro tác động nhiều nhất từ các dự án thủy điện dòng chính Mekong nhưng lại chưa được tiếp cận thông tin một cách có hệ thống. Mặc dù báo cáo SEA chính thức của MRC về các đập thủy điện này đã được đăng tải trên trang web của MRC từ cuối năm 2010 nhưng thông tin vẫn chưa đến được với nhiều người, nhất là ở ĐBSCL vì báo cáo này rất dày, khoảng 200 trang, bằng tiếng Anh, và viết bằng ngôn ngữ kỹ thuật. Hiện nay chỉ phần tóm tắt báo cáo là được dịch sang 4 thứ tiếng (Việt, Thái, Lào, Khmer).

“Với nỗ lực này, chúng tôi hy vọng 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ nắm rõ thông tin về 12 dự án thủy điện trên dòng chính Mekong, các tác động nào có thể có đối với ĐBSCL và các tỉnh, thành phố sẽ có đựơc cơ hội thảo luận, phân tích xem đối với ĐBSCL thì báo cáo SEA cần phải bổ sung những vấn đề gì và có những biện pháp khả thi nào để ĐBSCL thích ứng với những rủi ro biến đổi trong tương lai”…

Forwet

Dự án sẽ dịch toàn văn báo cáo SEA của MRC ra tiếng Việt và cung cấp cho 13 tỉnh, thành phố và tổ chức các cuộc hội thảo để các tỉnh, thành phố của ĐBSCL thảo luận, phân tích xem còn những vấn đề nào đối với ĐBSCL mà báo cáo này chưa đề cập hoặc chưa phân tích đầy đủ.

Dự án sẽ chọn 3 tỉnh ven sông Hậu là An Giang, Cần Thơ, và Sóc Trăng làm trọng điểm và thành lập nhóm nghiên cứu cấp tỉnh ở mỗi tỉnh bao gồm lãnh đạo của các Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, và Sở KH&CN. Mỗi nhóm nghiên cứu cấp tỉnh sẽ được một nhà khoa học của Đại học Cần Thơ làm cố vấn để phân tích báo cáo SEA và tiến hành nghiên cứu trong 1 năm để bổ sung thông tin cho báo cáo SEA về những tác động đối với ĐBSCL cũng như những biện pháp thích nghi nào có thể khả thi.

Sang năm 2012, các nhóm nghiên cứu của 3 tỉnh sẽ trình bày lại nghiên cứu của mình cho 13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL thảo luận tại một hội thảo do dự án tổ chức. Thời gian tổ chức hội thảo với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL lần thứ nhất dự kiến sẽ vào tháng 9, 2011.

“Việc để cho 13 tỉnh, thành phố thảo luận về báo cáo SEA là cần thiết vì mặc dù nghiên cứu Đánh giá môi trường chiến lược của MRC, thông qua một nhóm tư vấn độc lập, đã được tiến hành khá công phu và toàn diện nhưng nó được tiến hành ở cấp lưu vực rộng lớn và các vấn đề đặc thù của ĐBSCL vẫn còn chưa được đề cập hoặc phân tích đầy đủ. Với nỗ lực này, chúng tôi hy vọng 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ nắm rõ thông tin về 12 dự án thủy điện trên dòng chính Mekong, các tác động nào có thể có đối với ĐBSCL và các tỉnh, thành phố sẽ có đựơc cơ hội thảo luận, phân tích xem đối với ĐBSCL thì báo cáo SEA cần phải bổ sung những vấn đề gì và có những biện pháp khả thi nào để ĐBSCL thích ứng với những rủi ro biến đổi trong tương lai”, một đại diện của FORWET nói.

Một đại biểu đến từ Sóc Trăng bộc bạch bên ngoài hành lang cuộc họp: “Thật sự hôm nay là lần đầu tiên tôi được nghe về các dự án thủy điện này một cách khá đầy đủ”.

Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước cũng đã trình bày một số hoạt động dự kiến tại ĐBSCL liên quan đến nâng cao nhận thức về sông Mekong và đề xuất những hoạt động phối hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới