ĐBSCL: nước mặn bất thường
Phi Tuấn
(TBKTSG Online) – ĐBSCL đang đối mặt với sự xâm nhập mặn bất thường, với độ mặn tăng cao và xâm nhập sâu, do ảnh hưởng của El Nino và biến đổi khí hậu.
Bà Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, cho biết những cơn gió Đông Nam, còn gọi là gió chướng, đang đẩy nước mặn trực tiếp vào các cửa sông, gây ra các đợt xâm nhập mặn ở vùng khu vực Tây Nam bộ.
Theo một báo cáo mới nhất, ở Trà Vinh, độ mặn so với cùng kỳ năm trước đã tăng lên gần gấp đôi, từ 0,35% lên đến 0,67%. Còn ở Bến Tre, độ mặn đã lên đến 0,4%, và ở Cà Mau có nơi đo được là 3%.
Bà Lan cho biết khi nước bị nhiễm độ mặn 0,4% thì không thể dùng cho sản xuất, nuôi trồng được, và độ mặn sẽ còn tăng vọt sau mỗi đỉnh triều, và cao điểm là cuối mùa khô, tức tháng 4 và kéo dài đến đầu tháng 5.
Hiện nay nước nhiễm mặn đã vào sâu, cách cửa sông 35 km, và trong tháng 3 và tháng 4 tới, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào các cửa sông khoảng 50 đên 60 km.
Nước mặn xâm nhập vào sâu cách cửa sông khoảng 60 km đã từng xảy ra trước đây, tuy nhiên, điều đáng nói lại là độ mặn tăng lên một cách bất thường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của cư dân. Hiện nay, đã có những nơi nước nhiễm mặn không dùng cho sinh hoạt được.
Theo bà Lan, nguyên nhân của tình trạng này là mùa khô đến sớm từ tháng 10, cùng với diễn biến bất thường về thời tiết do hiện tượng El Nino cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến cho hơn 4 tháng qua khu vực Nam bộ ít xuất hiện mưa trái mùa nên tổng lượng mưa thấp.
Cụ thể, lũ ở khu vực này không lớn, và thường rút rất nhanh, độ ẩm thấp do nắng nóng khiến cho hơi nước bốc nhanh. Vì thế mực nước tại các sông đều thấp, lại gặp gió chướng, là những điều kiện để nước biển xâm nhập sâu, và độ mặn tăng lên.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều ngày 25-2, bà Lan cho biết dù đã dự báo trước về ảnh hưởng của đợt El Nino, nhưng vẫn bất ngờ về hiện tượng thời tiết bất thường này.
Kết quả đo đạc cho thấy trong 10 ngày qua nhiệt độ ở khu vực Nam bộ nóng bất thường, cao hơn trung bình của cùng thời kỳ từ 0,5 đến 1,5 độ C, có nơi lên cao hơn 2 độ C.
Đây lại là thời điểm mà ĐBSCL đang xuống giống, vì thế sự xâm nhập mặn sâu và mạnh như thế gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Trước diễn biến bất thường đó, bà Lan cho biết đã gửi những cảnh báo đến người dân khu vực này phải cẩn thận trong việc lấy nước phục vụ tưới tiêu lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, vì nồng độ mặn thay đổi sẽ dẫn đến những hậu quả như cá bệnh, cây chết.
“Càng vào sâu độ mặn càng giảm, vì thế người dân có thể thấy độ mặn chưa lớn, nên lấy nước vào, tuy nhiên nước sẽ bốc hơi nên độ mặn sẽ lại tăng cao, khiến lúa, hoa màu, thủy sản, các loại cây trồng khác có thể nhiễm bệnh và chết”, bà Lan nói.