Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL sẽ bị tác động nghiêm trọng từ thủy điện sông Mê Kông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ĐBSCL sẽ bị tác động nghiêm trọng từ thủy điện sông Mê Kông

Thùy Dung

ĐBSCL sẽ bị tác động nghiêm trọng từ thủy điện sông Mê Kông
Các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận tại buổi Tọa đàm – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Việc các nước vùng thượng lưu sông Mê Kông thời gian gần đây đang đồng loạt lên kế hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện, nếu thành hiện thực, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế người dân nghèo, đặc biệt là nông dân vùng ĐBSCL.

Cột mốc khởi động 2007

Thông tin tại buổi Tọa đàm "Viễn cảnh Mê Kông: Thay đổi và kỳ vọng” diễn ra ngày 29-10 tại Hà Nội cho thấy, sông Mê Kông dù được đánh giá là con sông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có mức độ đa dạng sinh học cao, nhưng lưu vực sông này vẫn được xem là khu vực có nền kinh tế kém phát triển và tỉ lệ đói nghèo cao. Toạ đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Trung tâm Henry L. Stimson tổ chức.

Hiện nay, tất cả các nước trong khu vực Mê Kông đều tìm cách đẩy mạnh phát triển kinh tế, kể cả việc tìm cách khai thác ngày càng nhiều các lợi thế về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực Mê Kông, và coi đó là biện pháp cần thiết để vượt qua nghèo đói. Một trong những tiềm năng to lớn của sông Mê Kông là thủy điện.

Theo đánh giá của Ủy hội sông Mê Kông, tiềm năng thủy điện toàn lưu vực sông Mê Kông có thể khai thác vào khoảng 53.900 MW, trong đó phần thượng lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc – sông Lang Thương là 23.000 MW. Phần hạ lưu thuộc bốn quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là 30.900 MW.

Trong đó, đối với thượng lưu Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc có độ chênh lòng sông rất lớn (trên 4.000m) tạo cho phần lưu vực này có  một nguồn thủy năng rất phong phú. Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện với tổng công suất lắp máy lên đến 22.860 MW.

Theo kế hoạch đã được Chính phủ Trung Quốc thông qua, đến 2020, trên sông Lang Thương sẽ có 8 nhà máy thủy điện được đưa vào vận hành với tổng công suất 15.000 MW và hồ chứa có dung tích khoảng trên 40 tỉ m3 nước để đáp ứng nhu cầu điện năng trong tỉnh, các tỉnh Đông Nam Trung Quốc, và xuất khẩu điện sang Thái Lan.

Theo ông Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, một trong những lý do khiến Trung Quốc không tham gia hợp tác Mê Kông chính là muốn phát triển nguồn tài nguyên này một cách tự do, tránh sự can thiệp của các nước hạ lưu.

Đối với phần hạ lưu chảy qua Lào, Thái Lan và sau đó là Campuchia, Việt Nam. Nhiều nghiên cứu được thực hiện trước đó cho thấy, tiềm năng phát triển thủy điện lớn nhất nằm ở phần chính sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ Lào, Thái Lan, Campuchia.

Với nhiều lý do, đến nay trên dòng chính sông Mê Kông phần hạ lưu chưa có công trình thủy điện nào được xây dựng. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sự gia tăng dân số nhanh trong khu vực, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, nguồn thủy điện sông Mê Kông đang được các nước trong Ủy hội sông Mê Kông đặc biệt quan tâm và tích cực lập kế hoạch khai thác.

Ông Đào Trọng Tứ cho hay, năm 2007 là năm đánh dấu mốc quan trọng khi các nước Lào, Thái Lan và Campuchia đồng loạt tiến hành nghiên cứu xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Trong một khoảng thời gian ngắn, từ tháng 3 đến tháng 10-2007, Lào đã ký biên bản ghi nhớ với các nước để nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng hàng loạt các công trình thủy điện như: Thủy điện Đôn Sahong; Xayaboury; Pak Lay, Pakbeang, và Laugang Prabang. Thái Lan cũng đang tiến hành nghiên cứu xây dựng thủy điện Ban Koum. Campuchia đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc nghiên cứu thủy điện Sambor. Các hoạt động sôi động này đều được thực hiện thông qua hợp tác song phương ngoài khuôn khổ hợp tác với Mê Kông….

Rủi ro lớn cho sinh kế dân nghèo

Ông Jake Brunner, thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cho hay những người làm đập thủy điện thường khó có thể chứng minh rằng đập sẽ không gây ra những tổn thất nghiêm trọng. Những tổn thất này thường được coi nhẹ hoặc lờ đi.

Trong khi đó, rất nhiều tác động tiêu cực của thủy điện như giảm phù sa, sụt lún đồng bằng và mất đất nông nghiệp không phải là dễ dàng nhận thấy, ít nhất là trong ngắn hạn. Các yếu tố khác như suy giảm sản lượng đánh bắt cá, nguồn sinh kế của người nghèo vốn không thông qua thị trường nên cũng rất khó đo lường.

Theo các nhà khoa học, tổng lượng dòng chảy các sông suối vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 830-850 tỉ m3/năm, trong đó sông Mê Kông đóng góp là 475 tỉ m3 (53-57% tổng lượng dòng chảy toàn lãnh thổ). Như vậy có thể thấy sông Mê Kông có vị trí quan trọng không chỉ đối với ĐBSCL mà đối với phát triển nhiều vùng khác như Tây Nguyên và những vùng lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực Mê Công.

Đối với ĐBSCL, một trong những vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, vựa lúa lớn nhất Việt Nam, sông Mê Kông có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nói về vị trí trong lưu vực sông, ĐBSCL nằm ở cuối nguồn nước, được hưởng những lợi thế và sự mầu mỡ do phù sa sông Mê Công bồi đắp từ hàng ngàn đời nay và nhận lại toàn bộ lượng dòng chảy của sông sau khi qua các nước thượng lưu.

Tuy nhiên, do nằm cuối nguồn, nước sông Mê Kông đến ĐBSCL đã, đang và sẽ chịu tác động của mọi biến động thiên nhiên và hoạt động của con người ở các quốc gia thượng lưu. Một trong những tác động với tương lai của hệ sinh thái sông Mê Công là tác động do việc phát triển thủy điện ồ ạt từ các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là các bậc thang thủy điện trên dòng chính.

Ông Jake Brunner lấy một ví dụ cụ thể về tác động của các nhà máy thủy điện sẽ đe dọa ngành xuất khẩu cá da trơn có giá trị hàng tỉ đô la, do cá da trơn phụ thuộc nguồn thức ăn là cá trắng di cư.

Mặc dù đã có cơ chế hợp tác Mê Kông với Hiệp định Mê Kông 1995 có những điều khoản khá rõ liên quan đến những điều kiện phát triển dòng chính, nhưng các hoạt động nghiên cứu thủy điện đều được thực hiện bằng con đường song phương thay vì đa phương, và chỉ khi có áp lực mạnh mẽ từ các quốc gia hạ lưu và cộng đồng quốc tế, các quốc gia thượng lưu mới đưa ra thông báo mang tính cung cấp thông tin cho Ủy hội Mê Kông.

Do đó, ông Đào Trọng Tứ đề xuất, cần tích cực đấu tranh tăng cường cơ chế hợp tác Mê Kông để thực hiện hiệp định Mê Kông 1995 nhằm bảo vệ quyền lợi của Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn. Đồng thời với đó là lồng ghép hợp tác Mê Kông vào các hợp tác khu vực, các diễn đàn, chương trình hợp tác song phương…

Về phía Việt Nam, cần tiến hành nghiên cứu để dự báo trước những tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường ĐBSCL và Việt Nam, đồng thời nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội để phù hợp với những thay đổi có thể xảy ra do tác động của hoạt động phát triển ở thượng lưu, tác động của biến đổi khí hậu.

Đọc thêm:

Thủy điện Xayaburi cần đặt trong tổng thể quản lý và phát triển bền vững

Nhiều người Thái muốn chính phủ ngưng mua điện dự án Xayaburi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới