Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL thận trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ĐBSCL thận trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Ảnh minh họa. Đìa nuôi tôm ở Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng

Tôm thẻ chân trắng là con giống thủy sản mới vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép các tỉnh vùng ngập mặn, ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quy hoạch, nuôi thử nghiệm.  

Ưu và nhược của tôm chân trắng  

Vụ nuôi tôm năm nay, Trại giáo dục Bến Giá (Bộ Công an) đặt tại huyện Duyên Hải đã được tỉnh Trà Vinh chọn thả nuôi thử nghiệm 24 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 36 héc ta theo hình thức thâm canh. Mật độ thả giống từ 80 – 120 con/mét vuông. Sau 3 tháng nuôi, năng suất thu hoạch bình quân đạt gần 10 tấn/héc ta.  

Kết quả nuôi thử nghiệm cho thấy con tôm thẻ chân trắng có một số điểm vượt trội hơn con tôm sú như chóng lớn, năng suất đạt cao, thời gian nuôi ngắn có thể nuôi hai vụ trong một năm, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp (1,5 lần)…  

Đặc biệt, thời gian gần đây thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam như Nhật Bản, Ý, Úc, Nam Phi… hiện đang có xu hướng chuyển sang tiêu thụ tôm có kích cỡ nhỏ nên con tôm thẻ chân trắng đang có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các loài tôm khác…  

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, con tôm thẻ chân trắng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm cần được chú ý, cân nhắc trước khi quyết định thả nuôi: ngoài việc mắc các loại bệnh thường gặp ở tôm nuôi, loài tôm này còn mắc phải hội chứng Taura. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm, có khả năng lây truyền sang tôm sú và các loài tôm bản địa khác ở địa phương; đặc biệt là có thể gây ra đại dịch như đã từng xảy ra ở một số nước.  

Phát triển thận trọng  

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh Phạm Nam Dương, khẳng định tỉnh không có chủ trương mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng một cách “ồ ạt”.  

Qua khảo sát ở 4 huyện ven biển, Trà Vinh chỉ quy hoạch 1.830 héc ta vùng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh; trong đó, huyện Duyên Hải 730 héc ta, Cầu Ngang 400 héc ta, Trà Cú 400 héc ta và Châu Thành 300 héc ta. Các khu vực được quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng đều có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, có bờ bao khép kín; nếu xảy ra dịch bệnh, có thể khoanh vùng khống chế không để lây lan ra bên ngoài…  

Để nuôi loài thủy sản này đạt hiệu quả, mang tính bền vững, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, kỹ thuật, chất lượng con giống, UBND tỉnh Trà Vinh vừa cho phép Trung tâm Giống thủy sản sử dụng vốn sự nghiệp sản xuất thử nghiệm giống tôm thẻ chân trắng tại chỗ; liên kết với các cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín ở các tỉnh miền Trung mở đại lý bán tôm giống sạch bệnh.

Mặt khác, tỉnh chỉ đạo Trung tâm khuyến ngư mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho các hộ dân ở khu vực quy hoạch nuôi.  

Hậu quả khó lường  

Do môi trường nước ở vùng ngập mặn, ven biển các tỉnh khu vực ĐBSCL có hàm lượng phù sa chiếm khá cao, khiến oxy hòa tan trong nước đạt thấp, làm tôm thẻ chân trắng chậm phát triển…

Trước đây, Bộ Thủy sản (cũ) và UBND tỉnh Trà Vinh đã cấm nuôi con tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Trà Vinh. Tuy vậy, trong những năm qua ở vùng ngập mặn, ven biển Trà Vinh vẫn có một số hộ mua giống từ miền Trung về nuôi và đa phần đều bị thất bại.  

Điều đáng lo ngại là hiện có không ít hộ ở vùng ngập mặn, ven biển Trà Vinh đang có dự định vụ tôm 2009 sẽ tận dụng các ao hồ, dụng cụ… nuôi tôm sú sẵn có để nuôi tôm thẻ chân trắng. Nếu không ngăn chặn kịp thời, nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ vượt ngoài vòng kiểm soát của các nhà quản lý và chuyên môn, khả năng bị nhiễm bệnh chết hàng loạt như tôm sú hiện nay là rất lớn.

Tệ hại hơn nếu mắc phải hội chứng Taura, nguồn tôm bản địa hiện rất dồi dào – nhất là tôm bạc đất, sẽ đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng.  

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới