Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL: Tới hạn cam kết, mía vẫn đầy đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ĐBSCL: Tới hạn cam kết, mía vẫn đầy đồng

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – “Thương lái mua mía không cho đốn trước, khi ghe tới ruộng mới đốn, đốn ngày nào cân ngày đó…, vì vậy tiến độ thu hoạch rất chậm. Ruộng mía của tôi lấy tiền cọc gần một tháng nhưng tới nay mới có ghe tới cần nè”- ông Lê Văn Kiệp, ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết.

ĐBSCL: Tới hạn cam kết, mía vẫn đầy đồng
Thương lái mua mía chở bằng ghe về nhà máy – Ảnh: Trung Chánh

Bà con trồng mía tại huyện Phụng Hiệp cho biết, để thu hoạch 1 héc ta mía trong điều kiện ruộng mía có 10 nhân công làm việc thì phải tốn ít nhất 10 ngày mới xong. Chính vì vậy, cam kết tiêu thụ hết mía cho nông dân trong tháng 11 không thể thực hiện được.

Vỡ kế hoạch

Tại cuộc họp bàn khai kế hoạch tiêu thụ mía cho nông dân huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang vào cuối tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng đề nghị bằng mọi giá phải tiêu thụ hết mía cho nông dân trong tháng 11.

Tuy nhiên, theo khảo sát của người viết, hiện còn một lượng lớn mía của bà con nông dân đang đứng trước nguy cơ chết khô vì thương lái chê, chưa thể tiêu thụ được.

Ông Trần Ngọc Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết: “Hiện xã Hòa An còn khoảng 70 héc ta mía của nông dân chưa thể thu hoạch được, mà nguyên nhân do thương lái chê mía xấu, mua sẽ không có lời”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, hiện Phụng Hiệp còn khoảng 950 héc ta mía của nông dân chưa được tiêu thụ, tập trung ở các xã Tân Phước Hưng, Hòa An, Phương Bình, Phương Phú.

Tuy nhiên, theo ước tính của ông Kiệp, hiện Hậu Giang còn đến 20-30% trên tổng số trên 13.740 héc ta mía của nông dân chưa tiêu thụ được.

Ông Kiệp cho biết: “Vụ mía năm nay, bà con trồng mía hầu như không có lãi do mía giảm năng suất vì tiêu thụ chậm. Hiện số lượng mía chưa được tiêu thụ của bà con đang trong tình trạng lá khô, cây trổ cờ, thối gốc và đang chết dần”.

Hết mong giá sẽ tăng

Không chỉ tiêu thụ mía chậm trễ, hy vọng được bán mía với giá cao như vụ mía năm ngoái của bà con nông dân đã bị “dập tắt” khi thương lái ngày càng làm ngơ với cây mía. Từ đầu vụ tới nay, giá mía nguyên liệu của bà con luôn duy trì ở mức thấp.

Bà con trồng mía tại huyện Phụng Hiệp cho biết, hiện mía nguyên liệu loại Roc 11, 13 có giá chỉ 800-900 đồng/kg, so với mức giá hồi đầu vụ không tăng; loại mía Roc 16- giống mía có chữ lượng đường cao nhất so với các loại khác cũng chỉ có giá từ 1.000-1.020 đồng/kg.

“Hồi mới vào vụ mía, tôi cứ nghĩ khi nhà máy nâng công suất giá sẽ tăng lên, ai ngờ càng về cuối vụ giá chẳng những không tăng mà ngược lại, có xu hướng giảm xuống- ông Võ Văn Vũ, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hâu Giang nói.

Tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, so với thời điểm cách đây một tháng, giá mía nguyên liệu vẫn không tăng, thậm chí một số nơi lại có xu hướng giảm. Cụ thể, mía Roc 11,13 có giá chỉ 700-850 đồng/kg; mía Roc 16 có giá 900-950 đồng/kg.

Với giá bán như trên , sau hơn 10 tháng trồng và chăm sóc, vụ mía năm nay bà con trồng mía hầu như không có lãi, nếu có cũng rất thấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới