Đề án 30 mới chỉ giải quyết phần ngọn
Anh Tuấn
Minh họa: Khều. |
(TBKTSG) - Để giải quyết triệt để căn bệnh thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, không thể chỉ bằng lòng với việc ban hành các nghị quyết xác định các TTHC cần sửa đổi, hủy bỏ. Cái chính là giải quyết động lực của các cơ quan ban hành TTHC.
Kết thúc giai đoạn 1 của Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC, Chính phủ đang chuẩn bị phê duyệt hàng loạt nghị quyết về việc đơn giản hóa TTHC trong phạm vi chức năng quản lý của tất cả các cơ quan bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là một thành công bước đầu của Đề án 30 được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về nỗ lực cải cách hoạt động của bộ máy hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, những việc cần làm của “hậu Đề án 30” còn nhiều để tiếp tục cải cách hành chính mạnh hơn nữa và mang lại những tác động tích cực, bền vững.
Đơn giản hóa TTHC còn hình thức
Các TTHC được rà soát tuy thuộc phạm vi chức năng quản lý của từng bộ, cơ quan cụ thể nhưng cũng liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều bộ, ngành, cơ quan khác ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, việc đơn giản hóa TTHC không đơn giản là cắt bỏ bớt thủ tục mà việc cần làm hơn là sửa đổi chính sách sao cho đồng bộ ở nhiều văn bản khác nhau, ở nhiều cấp thì mới thực hiện được.
Việc xây dựng, ban hành chính sách phải tuân theo quy trình riêng, TTHC được quy định trong các văn bản luật, pháp lệnh và văn bản của Chính phủ nên nếu chỉ dùng biện pháp đơn giản hóa TTHC thì chắc chắn sẽ khập khiễng, thậm chí có thể làm hỏng kết cấu văn bản và mục tiêu chính sách của văn bản đó.
Về mục tiêu, việc đơn giản hóa TTHC, giảm bớt những thủ tục không cần thiết luôn được xã hội hoan nghênh. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, có một số thủ tục được giảm nhưng không đem lại hiệu quả mong muốn, mà chỉ mang tính hình thức. Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, việc giảm bớt TTHC cho người dân bằng “một cửa liên thông” nhưng chất lượng của thủ tục một cửa có khi lại không đúng như ý nghĩa của nó, bởi vì đó chỉ là nơi nhận hồ sơ, nhưng lại không thể hướng dẫn, trả lời ngay các thủ tục mà lại chuyển đến các bộ phận khác hướng dẫn làm mất nhiều thời gian chờ đợi của người dân.
Càng ngày cơ chế xin - cho càng biến hóa dưới nhiều hình thức tinh vi của TTHC như: cấp phép, chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, các điều kiện bắt buộc phải thực hiện… Nhờ đó, các cơ quan hành chính ngày càng có nhiều việc để quản lý, làm không xuể những việc do chính mình tạo ra. |
Trong một số trường hợp, để đạt chỉ tiêu giảm bớt TTHC, nhiều nơi đã gom nhiều thủ tục thành một với tên gọi khác, nhưng nội dung không thay đổi.
Đơn giản hóa TTHC bằng biện pháp hành chính?
Cục Kiểm soát TTHC mới được thành lập ngày 22-11 tại Văn phòng Chính phủ theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan này ra đời đánh dấu một bước chuyển quan trọng từ việc nghiên cứu rà soát, đánh giá đến hành động bằng việc thành lập một bộ phận hành chính theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương. Cục này có đầy đủ các chức năng của một cơ quan hành chính như: tham gia ý kiến, thẩm tra, thẩm định, xây dựng văn bản do Chính phủ ban hành, tổ chức hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, xây dựng cơ sở dữ liệu về TTHC. Tuy nhiên, việc thành lập Cục Kiểm soát TTHC tại Văn phòng Chính phủ và sắp tới sẽ thành lập rất nhiều bộ phận kiểm soát TTHC tại văn phòng các bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh lại cho thấy việc đơn giản hóa TTHC được thực hiện bằng các biện pháp quản lý hành chính của bộ máy hành chính nhà nước. Đây là một cách làm chắc chỉ có ở Việt Nam (!) Điều đó chứng tỏ tính kém hiệu quả của chính bộ máy nhà nước. TTHC do chính các cơ quan hành chính nhà nước lập ra nhưng lại cần có một cơ quan làm nhiệm vụ “gác cửa” không cho phép ban hành những TTHC không cần thiết. Do chưa tìm ra được động lực thực sự để cải cách nên những cải cách chỉ giải quyết “phần ngọn” như thế này đã được coi là thành công đáng kể.
Phần gốc của TTHC là thể chế
Để giải quyết triệt để căn bệnh TTHC phiền hà, không thể chỉ bằng lòng với việc ban hành các nghị quyết xác định các TTHC cần phải sửa đổi, hủy bỏ cái chính là giải quyết động lực của các cơ quan ban hành TTHC. Pháp luật hiện hành cho phép các cơ quan hành chính nhà nước ban hành các TTHC để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước. Trong những năm qua các cơ quan này đã vận dụng quy định này để ban hành hàng ngàn TTHC (đến nay đã có khoảng 5.700 TTHC).
Vì sao các cơ quan hành chính lại thoải mái cho ra nhiều TTHC như vậy? Đó là vì động lực rất mạnh mẽ của các bộ ngành, địa phương. Cơ quan nào, địa phương nào cũng muốn tạo ra những nguồn lợi lâu dài cho mình - mà người ta vẫn thường gọi là lợi ích cục bộ. Lý do là để quản lý chặt chẽ hơn. Còn Chính phủ cũng cho phép các bộ ngành, địa phương hoàn toàn chủ động trong việc ban hành chính sách trong ngành mình, trong đó có việc ban hành các TTHC. Quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ đã chứng minh rõ định hướng này.
Như vậy, qua thời gian các TTHC được hình thành trong quá trình xây dựng thể chế, đó chính là quá trình hợp pháp hóa các biện pháp quản lý hành chính, chủ yếu vẫn theo cơ chế xin - cho. Càng ngày cơ chế xin - cho càng biến hóa dưới nhiều hình thức tinh vi của TTHC như: cấp phép, chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, các điều kiện bắt buộc phải thực hiện… Nhờ đó, các cơ quan hành chính ngày càng có nhiều việc để quản lý, làm không xuể những việc do chính mình tạo ra, bộ máy hành chính ngày càng phình ra, làm cho cải cách hành chính không thể kiểm soát nổi so với định hướng chiến lược cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010.
Khó nhưng vẫn phải cải cách
Với việc tích lũy TTHC qua nhiều năm, việc cải cách TTHC càng gặp khó khăn gấp bội. TTHC càng nhiều thì người dân càng phải chịu nhiều phiền hà, càng tốn kém chi phí cho xã hội. Biết là khó nhưng nếu không có cách thức thay đổi động lực và cơ chế ban hành TTHC thì khó có thể vượt qua trở ngại. Đã đến lúc cần nghiên cứu cải cách bộ máy quản lý hành chính, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan đó để bảo đảm mục tiêu vận hành của các cơ quan hành chính là phục vụ cộng đồng, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Trước mắt, biện pháp có thể phát huy tác dụng là kỷ luật hành chính. Biện pháp này tuy không mới, nhưng từ lâu không được thực hiện nghiêm túc. Kỷ luật này phải được thực hiện từ cấp cao nhất trong quản lý hành chính, đó là mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ với các thành viên chính phủ và chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cần quy định rõ trách nhiệm của các nhà lãnh đạo ngành, địa phương trong việc ban hành chính sách, thủ tục. Chính phủ cần có những định hướng, tư tưởng chỉ đạo rõ ràng về xây dựng chính sách, kiên quyết hạn chế việc cho phép các cơ quan, địa phương soạn thảo và trình Chính phủ hoặc tự ban hành những văn bản mang tính cục bộ và làm phát sinh TTHC. Thực hiện kỷ luật hành chính cần được nêu gương từ cấp cao nhất, còn cứ tiếp tục dễ dãi, nể nang thì dù có nhiều biện pháp cũng không hiệu quả.
Cần tăng cường minh bạch hóa TTHC, không chỉ là công khai thông tin về thủ tục mà cần tăng cường sử dụng công nghệ để phát huy hiệu quả quản lý. Đồng thời cần triển khai kỹ thuật công nghệ thông tin trong các giao dịch của Chính phủ điện tử, của bộ máy quản lý hành chính điện tử, nhằm hạn chế sự tiếp xúc của đối tượng thực hiện thủ tục với bộ máy quản lý, giảm các tiêu cực, hối lộ của các công chức thực thi TTHC. Trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin khá phát triển như hiện nay, việc này hoàn toàn có thể làm được, chi phí chắc chắn ít tốn kém hơn là sử dụng con người. Đây là giải pháp quản lý hành chính hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhằm xây dựng bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu quả.