Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để bớt mất tính cạnh tranh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để bớt mất tính cạnh tranh

Danh Đức

Quanh cảnh một buổi hội thảo góp ý về môi trường kinh doanh được tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Nếu cải cách thủ tục hành chính thành công, Việt Nam sẽ tăng 10% GDP trong năm năm – chuyên gia tư vấn cải cách thể chế Scott Jacobs đã khẳng định viễn tượng xán lạn đó trong hội nghị tập huấn triển khai cải cách thủ tục hành chính vào tuần trước.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh 2010 (nguyên văn là Ease of Doing Business, tức Làm ăn dễ dàng) của tổ chức này, theo đó Việt Nam được đánh giá làm ăn dễ dàng vào hàng thứ 93/183 nước.

Hai nhận xét trên bổ sung nhau thành một kết luận: nếu thủ tục làm ăn ở Việt Nam bớt khó khăn hơn nữa, sẽ bớt mất tính cạnh tranh, GDP sẽ tăng thêm mà không cần đến những khoản đầu tư có đơn vị tính bằng tỉ đô la hay vay nợ nước ngoài. Vấn đề là giữa nhận thức, ước mơ và hành động, là cả một con đường dài.

Trước hết, có thể bắt đầu bằng cách xem lại bảng xếp hạng của WB, và hiểu văn bản đó thật giản dị theo đúng tên gọi đơn giản của nó “Làm ăn dễ dàng” thay vì tên dịch bác học “Môi trường kinh doanh”. Làm ăn ở Việt Nam, gặp khó khăn nhất ở điều gì? Nhìn chi tiết bảng xếp hạng theo từng thủ tục sẽ thấy thiên hạ kêu rêu các thủ tục sau nhất.

Đây chính là những lĩnh vực cần quan tâm sửa đổi luật và lệ, lề thói nhiều nhất. Thật ra, những mảng tối này không xa lạ gì. Mỗi năm các cuộc đối thoại với các nhà đầu tư, với nhà kinh doanh đều được tổ chức, đại diện doanh nghiệp cũng nêu tên ra chừng ấy nhóm thủ tục và mô tả nhận dạng chúng, cuối cuộc gặp lại những hứa hẹn. Năm sau lại gặp nhau tiếp. Cuộc cải cách hành chính cũng cứ thế mà tiếp tục với những ghi nhận mới.

Cải cách hành chính ở Việt Nam cũng đã được tiến hành cả chục năm nay, chưa mấy kết quả. Nay mỗi bộ, tỉnh, thành đang công bố “bộ thủ tục” của mình như là một cố gắng mới để cải cách hành chính. Song, khi biên soạn các “bộ thủ tục” đó, liệu nhằm giảm thủ tục hay là ghép hai ba biểu mẫu làm một? Vấn đề ở đâu? Ở cơ chế (luật lệ, quy định…) hay còn cả ở con người?

Tại sao mỗi tỉnh, thành lại phải có một “bộ thủ tục” riêng? Luật pháp, trong đó có luật hành chính phải là một trên cả nước, chứ không thể xê dịch từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác.

Luật lệ vẫn không ngừng đổi thay, sửa đổi, có khi thông thoáng hơn, có khi bị kêu rêu là thụt lùi. Ngay cả khi luật lệ sửa đổi, thực tế cũng chưa chuyển biến, do người công chức thực hiện chưa thông. Tập huấn triển khai rồi lại tập huấn triển khai, mà vẫn chưa kết quả mấy.

Đó là chưa nói đến câu hỏi: tại sao mỗi tỉnh, thành lại phải có một “bộ thủ tục” riêng? Luật pháp, trong đó có luật hành chính phải là một trên cả nước, chứ không thể xê dịch từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác. Đây không phải là biểu hiện của chủ trương phân cấp mà là hiện tượng dân gian thường gọi “trên bảo dưới không nghe”.

Trở lại với bảng xếp hạng “Làm ăn dễ dàng”, có lẽ cũng nên tận dụng nghiên cứu mà thiên hạ đã bỏ công, bỏ của ra điều tra, thu thập, phân tích, lý giải… giùm ta, bằng cách dịch 79 trang giấy đó ra, in và phát cho công chức các nhóm thủ tục liên quan ngẫm nghĩ xem người ta trách có đúng không, đúng ở chỗ nào, cần sửa đổi ở chỗ nào. Nhờ đó, quá trình phê và tự phê có thêm các đánh giá từ bên ngoài sẽ có thể nhiều mặt hơn, phong phú hơn, trọn vẹn hơn.

Thành ra, không chỉ sửa đổi cơ chế mà còn cả con người. Nếu một công ty tư nhân tuyển và sử dụng nhân viên như thế nào, trên những tiêu chí nào, để làm ăn không lỗ lã, trái lại sinh lãi, để tên tuổi công ty không bị hoen ố trái lại vinh hiển, thì một cơ quan nhà nước cũng cần chuyển mình như thế.

Cuối cùng xin nêu một thí dụ rất cụ thể về mất tính cạnh tranh. Năm nay ngành du lịch kêu rêu khủng hoảng làm giảm mạnh số du khách quốc tế. Thế nhưng, không biết ngành du lịch có biết rằng trước tháng 6-2009, hãng hàng không Air France đã khuyến mãi tặng gấp đôi số điểm thưởng cho các hành khách thường xuyên của mình, chỉ cần nghỉ một đêm tại một khách sạn ở ngay sát sân bay Tân Sơn Nhất…

Chẳng hạn như nếu đang có 50.000 điểm thưởng, tức phải mất ba chuyến Sài Gòn – Paris, thì chỉ cần vào khách sạn ăn ngủ một đêm chưa đầy 200 đô la đã có thêm 50.000 điểm, lấy được một cặp vé khứ hồi Sài Gòn – Paris! Tại sao khuyến mãi nhiều đến thế? Khách sạn đó, mấy tháng liên tiếp bị “đóng cửa” bởi mấy cái lô cốt trên đường từ sân bay qua khách sạn và cảnh nhìn ra công viên xinh đẹp nay biến thành cảnh quan sát một lô cốt án ngữ ngay trước cửa!

Gần đây, không ít hãng hàng không quốc tế phải khuyến cáo “quý hành khách hãy chuẩn bị thêm nhiều thời gian để ra sân bay do kẹt xe vô chừng”. Các hãng tự cứu lấy thân bằng cách nói thật sự tình với khách của họ và mạnh tay khuyến mãi. Khách du lịch giảm không chỉ do khủng hoảng kinh tế toàn cầu là thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới