Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để chiến lược giáo dục thực sự chiến lược

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để chiến lược giáo dục thực sự chiến lược

LTS: Bản Dự thảo chiến lược giáo dục Việt Nam hiện đang được nhiều người quan tâm và đóng góp ý kiến. Bạn đọc Bùi Minh Khuê vừa gửi đến TBKTSG Online bài viết nêu một số suy nghĩ của mình sau khi đã có nghiên cứu về bản dự thảo. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này.

Giáo dục Việt Nam đang ở đâu? 

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các phàn nàn về bất cập của giáo dục Việt Nam, đại loại như không có trường đại học đẳng cấp quốc tế, không có giải Nobel, số lượng phát minh quá ít, sinh viên ra trường không nói được tiếng Anh… Cách xác định vị trí đó hoàn toàn không sai, nhưng liệu nó giúp được gì cho chúng ta trong việc xác định chiến lược phát triển? Một chiến lược đúng cần bắt đầu từ việc xác định chính xác chúng ta đang ở đâu.

Hãy điểm qua một vài con số thống kê trong bản dự thảo chiến lược giáo dục để xem các nhà hoạch định chiến lược xác định vị trí của giáo dục Việt Nam như thế nào. Chúng ta có thể dễ dàng thấy những con số thống kê về quy mô trong phần đánh giá thành tích và yếu kém của bản chiến lược, chẳng hạn “năm học 2007-2008, cả nước có gần 23 triệu học sinh, sinh viên, tăng 2,86% so với năm học 2000-2001”, “tỷ lệ lao động qua đào tạo theo các trình độ khác nhau tăng từ 20% vào năm 2000 lên 31,5% vào năm 2007”, “phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã được thành lập tại 55 trong số 63 Sở Giáo dục và Đào tạo”, “ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng liên tục từ 15,5% năm 2001 lên 20% năm 2007”, “cơ chế “một cửa” được triển khai thí điểm tại cơ quan bộ và 63/63 văn phòng của các sở giáo dục”, “ở các trường cao đẳng, đại học, số giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ còn quá ít”…

Với những thống kê này người đọc có cảm nhận nhà hoạch định chiến lược đã sử dụng các thước đo quy mô là thước đo chính để đánh giá hiện trạng của giáo dục Việt Nam. Chúng ta sẽ còn thấy ảnh hưởng của việc chọn thước đo này đến các chiến lược phát triển của giáo dục Việt Nam trong phần sau.  

Giáo dục Việt Nam sẽ đi đến đâu?

Rất khó có thể tìm thấy thông điệp chủ đạo của bản chiến lược để mọi người có thể hình dung về viễn cảnh giáo dục Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể cóp nhặt các số liệu để hình dung sơ bộ bức tranh của giáo dục Việt Nam vào năm 2020 như sau “đến năm 2020 có 99% trẻ 5 tuổi được học một năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1”, “đến năm 2020 có 99% trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học và trung học cơ sở”, “tỷ lệ sinh viên so với dân số trong độ tuổi từ 18 đến 24 là 40% vào năm 2020”, “tỷ lệ hoàn thành cấp học được duy trì ở mức 90% trở lên đối với cả ba cấp học”, “đến 2020 có trên 95% số học sinh tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được các yêu cầu của công việc”, “đến năm 2020 có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học hàng đầu trong khối ASEAN”, “đến năm 2020 có ít nhất 5 trường đại học Việt Nam được xếp hạng trong số 50 đại học hàng đầu của khu vực ASEAN và 2 trường đại học Việt Nam được xếp hạng trong số 200 đại học hàng đầu thế giới”…

Mặc dù trong phần mục tiêu chiến lược, nhà hoạch định có chia ra 3 mục tiêu chính là quy mô, chất lượng và hiệu quả, nguồn lực, nhưng thực tế có rất ít thước đo để đánh giá hiệu quả và chất lượng hoặc nếu có cũng chưa rõ ràng về định nghĩa, cách thức đánh giá. Chẳng hạn như “đến năm 2020 có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học hàng đầu trong khối ASEAN”. Bản dự thảo chiến lược làm cho người xem có cảm nhận giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo hướng quy mô, lặp lại những giải pháp cũ… và có một viễn cảnh mơ hồ.  

Bản dự thảo có thực sự đề ra chiến lược? 

Nội dung bản dự thảo chiến lược không những tầm nhìn phát triển chưa rõ ràng mà cũng không vạch ra được sứ mệnh, giá trị của ngành giáo dục hay các mục tiêu chiến lược và chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu đó.

Đầu tiên là bàn về sứ mệnh, có vẻ như đâu đó vẫn còn sự lúng túng về sứ mệnh của ngành giáo dục nói chung và Bộ Giáo dục – Đào tạo nói riêng. Điều này có thể nhìn thấy ngay trong các giải pháp chiến lược của bản đề án “thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục”, “thực hiện phân cấp quản lý mạnh đối với các địa phương và các cơ sở giáo dục”, “nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các cấp về nội dung đào tạo, tài chính, nhân sự”, “đến năm 2020 có ít nhất 150 chương trình tiên tiến quốc tế được sử dụng tại 30% số trường đại học Việt Nam”. Trong văn bản này không nêu được bộ sẽ quản lý nhà nước về giáo dục như thế nào, phân cấp cho các trường như thế nào. Để cho các trường tự chủ về chương trình thì việc đặt ra mục tiêu sử dụng các chương trình của quốc tế có cần thiết và khả thi với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam. Liệu chúng ta có thể đưa giáo dục Việt Nam tiến lên khi chúng ta vẫn lưu giữ các giá trị cũ như bệnh thành tích, gian dối trong thi cử, thiếu minh bạch…mà vì nó bộ trưởng đã phải phát động phong trào “Hai không”.

Trong bản dự thảo chiến lược không có bất cứ một thông tin nào về việc hình thành nên các giá trị cốt lõi trong giai đoạn tới. Việc thiếu vắng các giá trị cốt lõi đó làm mọi người nghi ngờ về những lợi ích mà sự thay đổi mang lại hoặc nghiêm trọng hơn chống lại sự thay đổi đó.

Phát triển quy mô, tăng cường nguồn lực cho giáo dục có phải là mục tiêu chiến lược như bản dự thảo nêu? Việc huy động mọi nguồn lực của xã hội có thể nhanh chóng làm tăng quy mô của giáo dục Việt Nam, liệu quy mô đó có tạo ra những con người (sản phẩm của giáo dục) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng được định hướng phát triển chung của đất nước. Nguồn lực chỉ là yếu tố đầu vào, quy mô chỉ là một phần của đầu ra, chúng ta chưa có hoặc hiểu chưa chính xác về mục tiêu chiến lược.

Một khi tầm nhìn, mục tiêu chiến lược chưa được xác định, khó có thể đánh giá các giải pháp chiến lược hoặc mục tiêu mà bản dự thảo đưa ra chính xác đến mức độ nào.  

Những đề nghị

Một bản chiến lược hay vẫn chưa đủ để có được sự thay đổi nếu như các hành động khẩn thiết không được thực hiện ngay. Sẽ không tốt nếu mất quá nhiều thời gian để tranh cãi đâu là bản kế hoạch chiến lược hoàn hảo. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chiến lược giáo dục có thể cần xem xét một số khía cạnh sau để làm cho bản chiến lược có tính thuyết phục và khả thi hơn.

Thứ nhất, các nhà hoạch định chiến lược giáo dục cần kết hợp với các nhà hoạch định chiến lược kinh tế xác định chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta sẽ phát triển nền kinh tế theo hướng nào.  

Thứ hai, từ định hướng phát triển của nền kinh tế các nhà hoạch định chiến lược giáo dục cần định nghĩa và xác định được cách thức đo lường các mục tiêu chiến lược của giáo dục trong việc đào tạo ra những con người đáp ứng được đòi hỏi phát triển của nền kinh tế. Định nghĩa và cách thức đo lường các tiêu chí năng động, sáng tạo, trung thực, toàn diện…cần được làm rõ. Chẳng hạn giáo dục Mỹ đã có thời sử dụng chỉ số IQ của học sinh để đánh giá kết quả của nền giáo dục cũng như tuyển dụng nhân sự tại các doanh nghiệp. Định nghĩa và xác định cách thức đo lường các mục tiêu chiến lược cần được thực hiện trước khi ban hành chiến lược.

Thứ ba, từ mục tiêu chiến lược đó các nhà hoạch định cần xác định được các giá trị căn bản mà ngành giáo dục cần xây dựng được trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược. Các giá trị căn bản như sự trung thực, nhiệt huyết công việc, nhân ái…phải trở thành văn hóa của ngành giáo dục chứ không chỉ dừng lại ở mức phong trào, khẩu hiệu.

Thứ tư, từ việc phân tích các yếu tố tác động đến mục tiêu chiến lược các nhà hoạch định cần xác định ra chiến lược phát triển nguồn lực bao gồm cả các giá trị căn bản đã xác định (đầu vào của giáo dục), chiến lược phát triển chương trình, nội dung (quá trình giáo dục) và chiến lược phát triển về quy mô, cơ cấu, chất lượng (đầu ra của giáo dục) dựa trên mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố. Về bản chất, xây dựng chiến lược nghĩa là chúng ta phải xác định được lĩnh vực mũi nhọn cần được tập trung nguồn lực trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

Thứ năm, từ việc xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục (mục tiêu chiến lược) và chiến lược phát triển từng yếu tố, các nhà hoạch định cần đặt ra được các chỉ tiêu ngắn hạn và dài hạn cho việc phát triển từng yếu tố đầu vào, quá trình và đầu ra.

Thứ sáu, song song với việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các chỉ tiêu, các nhà hoạch định cần xây dựng được kế hoạch đánh giá mục tiêu chiến lược (hiệu quả của giáo dục) và các chỉ tiêu phát triển nguồn lực (đầu vào), phát triển chương trình, nội dung (quá trình) và quy mô, chất lượng (đầu ra). Kết quả đo lường các chỉ tiêu sẽ được sử dụng để đánh giá tính phù hợp của các chiến lược và xác định các điều chỉnh cần thiết tại từng giai đoạn.

BÙI MINH KHUÊ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới