Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Mỹ

Sơn Nghĩa

Chế biến cá ba sa xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ. Để xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào Mỹ, doanh nghiệp sản xuất buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn HACCP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG) – Thông tin về những quy định đối với hàng thực phẩm xuất khẩu vào Mỹ cũng như những kế hoạch lâu dài để thâm nhập thị trường này đã được các diễn giả giải đáp cho doanh nghiệp tại hội thảo “Những vấn đề pháp lý kinh kinh doanh với Mỹ”. Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) và Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) tổ chức hồi đầu tuần này tại TPHCM.

Để hàng thực phẩm vào Mỹ

Theo quy định của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), doanh nghiệp sản xuất, chế biến, đóng gói, lưu giữ đồ uống, thực phẩm hoặc các thành phần của thực phẩm muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ bắt buộc phải đăng ký với FDA.

Với quy định trên, ông Mark Oakley, luật sư của Công ty Duane Morris, cho biết doanh nghiệp Việt Nam có thể tự đăng ký hoặc nhờ đối tác mua hàng của mình tại Mỹ đăng ký với FDA. Doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ đăng ký của các công ty quốc tế, chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch qua Internet cũng như xuất nhập khẩu.

Theo ông Oakley, FDA luôn cảnh báo và kiểm tra chặt chẽ những sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu vào Mỹ nhằm tránh tình trạng sản phẩm nhiễm bẩn. Để xuất khẩu các sản phẩm này vào Mỹ, doanh nghiệp sản xuất buộc phải tuân thủ những điều kiện an toàn trong tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point), hệ thống quản lý chất lượng mang tính phòng ngừa nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua việc phân tích mối nguy và thực hiện các biện pháp kiểm soát thực phẩm an toàn.

Mỗi nhà máy chế biến thủy sản phải xác định điểm rủi ro trong dây chuyền chế biến và đề ra giải pháp khắc phục. Những khâu quan trọng mà ông Oakley khuyên doanh nghiệp cần lưu ý là kiểm tra sản phẩm đầu vào trước khi đưa vào chế biến cũng như quá trình vận chuyển của sản phẩm. Việc thực hiện tiêu chuẩn HACCP, kiểm tra định kỳ những sản phẩm thủy sản xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Các cơ quan của Mỹ có thể lấy bất kỳ mẫu sản phẩm nào để kiểm tra độ an toàn. Doanh nghiệp nên lưu trữ các hồ sơ kiểm tra định kỳ khi thực hiện quá trình tái đánh giá tiêu chuẩn HACCP để cơ quan kiểm tra của Mỹ dễ dàng hơn trong việc đánh giá sản phẩm.

Các sản phẩm như thịt gia súc, gia cầm, trứng của Việt Nam chưa được Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép xuất vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ông Oakley cho biết Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu những sản phẩm đã qua chế biến (sản phẩm có dùng nguyên liệu là thịt gia súc, gia cầm, trứng với số lượng ít) vào thị trường này.

Để chủ động hơn trong việc tìm hiểu những thông tin và quy định của các cơ quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp có thể tìm kiếm những thông tin về các đạo luật liên quan tại địa chỉ www.fda.gov, hoặc thông qua Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu thực phẩm tại Mỹ www.nutraceuticalsworld.com.

An cư… ở Mỹ

Tại cuộc hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ ý định được đầu tư và kinh doanh lâu dài, sở hữu bất động sản ở Mỹ. Những thắc mắc của doanh nghiệp cũng đã được các luật sư của Công ty Duane Morris giải đáp.

Luật của Mỹ cho phép người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản tại quốc gia này. Theo ông Douglas Woloshin, quản lý đối tác của Công ty Duane Morris, doanh nghiệp Việt Nam muốn mua, kinh doanh hay sở hữu bất động sản tại Mỹ phải thông qua một công ty môi giới. Phí môi giới mà doanh nghiệp phải trả thường từ 5-10% giá trị của bất động sản. Sau khi thỏa thuận giữa hai bên mua bán, người mua sẽ làm văn bản đề nghị mua. Văn bản đề nghị mua có giá trị ràng buộc cho cả hai bên. Hai bên có thể đàm phán thêm những điều kiện chi tiết nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc giao dịch.

Bước tiếp theo là thực hiện hợp đồng mua bán. Trong hợp đồng mua bán, ngoài giá bán, quy định các quyền và nghĩa vụ của bên mua, hợp đồng này còn cho phép bên mua tìm hiểu, điều tra về tính minh bạch và hợp pháp của tài sản.

Ông Woloshin khuyên doanh nghiệp, cá nhân khi mua nhà ở Mỹ nên tiến hành điều tra và tìm hiểu kỹ để tránh những rắc rối với pháp luật khi sở hữu tài sản. Nếu bất động sản là xưởng sản xuất, doanh nghiệp nên lưu ý những quy định về bảo vệ môi trường.

Sau khi hoàn tất những công đoạn trên, bên mua có thể thu xếp nhờ ngân hàng Mỹ tài trợ vốn. Nguồn tài trợ phổ biến là các ngân hàng thương mại. Nếu có yêu cầu tài trợ vốn, doanh nghiệp phải có những báo cáo tài chính, giấy tờ chứng minh, xác nhận sở hữu tài sản. Tài sản này sẽ được cầm cố thế chấp cho hợp đồng vay. Khi ký vào văn bản cầm cố, bên mua phải chuyển cho ngân hàng quyền siết nợ, khi bên mua không trả nợ đúng hạn. “Doanh nghiệp Việt Nam có thể linh động hơn khi mở rộng kinh doanh ở Mỹ bằng cách thuê hoặc mua mặt bằng kinh doanh và trả tiền bằng tỷ lệ phần trăm doanh thu bán hàng tại địa điểm thuê”, ông Woloshin nói.

Đại diện một doanh nghiệp tại hội thảo đặt vấn đề: nếu doanh nghiệp có người thân ở Mỹ sẵn sàng cho mượn tiền để đầu tư bất động sản tại Mỹ, vậy luật pháp Mỹ có cho phép người nước ngoài đầu tư theo cách này không? Ông Woloshin cho biết luật pháp Mỹ cho phép đầu tư mua bất động sản theo cách này. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chứng minh được Chính phủ Việt Nam cho phép chuyển tiền sang Mỹ để đầu tư vào lĩnh vực địa ốc.

Nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm về mức thu thuế từ việc kinh doanh bất động sản của chính quyền liên bang. Luật sư của Công ty Duane cho biết mức thuế từ kinh doanh bất động sản ở Mỹ dao động từ 15-45% trong khoản lợi nhuận mà người bán thu được. Mức thuế này tùy thuộc vào mức lợi nhuận mà người bán thu được từ việc bán nhà. Người mua, khi hoàn tất xong các thủ tục mua bán nhà, sẽ được đứng tên tài sản bất động sản này, dù người mua là người nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới