Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để doanh nghiệp, nông dân thoát cảnh ‘cơm không lành, canh không ngọt’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên kết sản xuất là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển bền vững. Tuy nhiên, mối quan hệ làm ăn này thường xuất hiện tình cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, hoặc “bẻ kèo” khiến lợi ích chung bị ảnh hưởng. Vậy, câu hỏi được đặt ra, đó là cần làm gì để mối liên kết này bền vững?

Một doanh nghiệp hợp tác liên kết sản xuất lúa gạo ở tỉnh An Giang. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Chỉ biết cái lợi riêng mình!

Để có nguồn gạo đạt chất lượng, ngay đầu vụ, Công ty cổ phần lương thực A An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đã ký kết hợp tác bao tiêu lúa ST24 trong mô hình lúa- tôm với nông dân ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với giá 8.100 đồng/kg. Tuy nhiên, trong những ngày qua, mối liên kết này đã bị “phá vỡ” khi lúa của nông dân sản xuất ra không được doanh nghiệp bao tiêu như đã cam kết.

Nguyên nhân được xác định là do thời điểm lúa thu hoạch gặp mưa kéo dài, khiến độ ẩm cao nên đơn vị bao tiêu đã từ chối thu mua như đã cam kết.

Tuy nhiên, ông Lê Thành Phần, ngụ xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau- một nông dân tham gia liên kết cho rằng, đây là yếu tố khách quan, nông dân không mong muốn, nhưng việc chậm trễ thông báo của doanh nghiệp đã khiến nông dân bị thiệt hại nặng nề. “Nếu doanh nghiệp thông báo cho mình biết sớm (việc không thu mua lúa như đã cam kết – PV), thì mình còn xử lý được”, ông nói và dẫn chứng, một số nông dân biết trước đã bán lúa ra bên ngoài với giá hơn 7.000 đồng/kg, trong khi lúa của ông hư hỏng rất nhiều, bán giá 5.000 đồng/kg thương lái cũng không mua.

Mới đây, nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã chấp nhận chịu phạt lãi suất trong hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) khi quyết định bán mía giá cao ra bên ngoài, thay vì cung cấp cho Casuco như cam kết.

Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc Casuco cho biết, vụ mía đang thu hoạch, đơn vị này đã ký kết bao tiêu cho nông dân với diện tích 836 héc ta. “Chúng tôi ký hợp đồng đầu tư trực tiếp cho nông dân về mía giống, phân bón và công thu hoạch với chi phí bình quân từ 28-32 triệu đồng/héc ta. Tuy nhiên, tới thời điểm vào vụ, nông dân đốn bán mía nước (bán ép nước mía) ra bên ngoài giá cao hết”, ông cho biết.

Ngoài ra, theo ông Chung, một số nhà máy ở khu vực miền Đông Nam bộ không đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng đã cử người xuống vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp thu mua, gây rối loạn, làm phá vỡ hợp đồng đầu tư đã được Casuco liên kết với nông dân.

Trong khi đó, về phía nông dân, để có trách nhiệm thực hiện cam kết đã ký, thì Casuco đưa ra quy định: trường hợp nông dân “bẻ kèo”, không bán mía cho nhà máy, phải trả tiền đã đầu tư cho Casuco và bị phạt lãi suất bằng 150% so với mức lãi suất của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Ví dụ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay lãi suất 6,5%/năm, thì mức lãi suất phạt 150% sẽ rơi vào khoảng gần 10%/năm. Mức tăng này quy ra tiền là không đáng kể nên nông dân chấp nhận bồi thường và không đem mía về nhà máy”, ông dẫn chứng và nói rằng, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Casuco.

Thực tế, khi Casuco thông báo tiếp nhận mía từ ngày 10-11, nhưng đến ngày 29-11 mới có đủ lượng mía để nhà máy hoạt động. Thế nhưng, chỉ hoạt động được 3-4 ngày với mức sản lượng ép khoảng 7.300 tấn, thì nhà máy tiếp tục ngưng do hết mía. Sau đó, Casuco tiếp tục huy động mía đợt hai, nhưng tới thời điểm hiện nay, tại cầu cảng nhà máy chỉ có 3.000 tấn, đủ ép chỉ một ngày (công suất nhà máy là 3.000 tấn/ngày- PV)

Với sản lượng mía được nông dân đưa về nhà máy khoảng 400-500 tấn/ngày là không đảm bảo công suất để nhà máy đường Phụng Hiệp vận hành liên tục, cho nên, phải gom 5-6 ngày mới đủ mía chạy một lần.

Kế hoạch được Casuco đưa ra cho vụ ép năm nay là 80.000 tấn, nhưng do tình hình thiếu hụt mía nguyên liệu nên đơn vị này điều chỉnh giảm xuống còn 30.000 tấn. Tuy nhiên, với thực tế như hiện nay, tức tính luôn khoảng 3.000 tấn trên sông, thì coi như hiện nay chỉ mới ép được 10.000 tấn, không đạt so với kế hoạch.

Làm gì để hết “bẻ kèo”?

Câu hỏi được đặt ra, đó là làm sao để mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được bền vững?

Trao đổi với KTSG Online, PGS. TS Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, muốn liên kết làm ăn bền vững lâu dài, giữa doanh nghiệp và nông dân phải trong tư thế chia sẻ lợi ích và rủi ro, tức khi thắng lợi thì cùng chia sẻ lợi ích, còn khi rủi ro thì hai bên cùng chịu.

Muốn vậy, không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với hợp tác xã- đại diện cho nông dân- chứ không thể ký riêng lẻ từng hộ, bởi ký với hàng trăm hộ nông dân sẽ rất khó quản lý. “Kể cả khi ký với hợp tác xã, thì câu chuyện rủi ro cũng phải được bàn rất kỹ vì chỉ có như vậy thì khi giá lên, giá xuống hai bên sẽ dễ giải quyết hơn”, ông Chín giải thích và nói rằng, mỗi loại nông sản sẽ có một kiểu thu hoạch, chế biến khác nhau, cho nên, cũng phải tính toán đến yếu tố này.

Chẳng hạn, đối với cây lúa, vị chuyên gia này gợi ý hai phương án liên kết hợp tác: thứ nhất, hợp tác xã sản xuất lúa sẽ ký giá “chết” (giá cố định) với doanh nghiệp (chẳn hạn là 7.500 đồng/kg), thì đến khi thu hoạch doanh nghiệp bắt buộc phải thu mua với giá đó, dù giá thị trường có biến động ra sao.

Thứ hai, là doanh nghiệp ký với hợp tác xã theo phương thức linh hoạt, tức doanh nghiệp đầu tư hạt giống, phân thuốc, thì một tuần trước khi thu hoạch hai bên xem xét giá thị trường là bao nhiêu để ấn định giá mua lúa cho nông dân. “Nếu trường hợp doanh nghiệp và nông dân không thống nhất được giá mua bán, thì nông dân có quyền bán ra bên ngoài và trả tiền phân, thuốc, giống cho doanh nghiệp đã đầu tư”, ông Chín cho biết.

Tuy nhiên, ông một lần nữa nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là sự bàn bạc kỹ lưỡng, sự thấu hiểu và chia sẻ giữa hai bên, thì mối liên kết này mới bền vững. “Khi hai bên chia sẻ và hiểu nhau, thì mới nên đi đến thống nhất để hợp tác có thể lâu dài được”.

Liên quan chuyện liên kết, tại lễ công bố khởi động dự án sàn giao dịch lúa gạo và phụ phẩm ngành lúa gạo ở Đồng Tháp mới đây, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với người Việt, khi họp hội thì rất quý mến nhau, nhưng chỉ cần một xung đột hay một lợi ích nhỏ mà không được xử lý “tới nơi, tới chốn”, thì mối quan hệ trong vòng tròn liên kết sẽ bị phá vỡ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúc kết, không có thành công nào mà không gặp trục trặc, cho nên, cần phải vượt qua được những cảm xúc, phải biết nghĩ cho người khác, cùng nhau chia sẻ rủi ro và lợi ích. “Nếu chúng ta có niềm tin, dự tính và chia sẻ, thì vòng tròn liên kết sẽ được giữ lại, còn nếu chúng ta hoang mang, sợ mất phần, muốn lấy cái lợi về mình, thì chắc chắn sẽ bị phá vỡ”, ông khẳng định.

Liên kết trong nông nghiệp cũng vậy, mọi chủ thể trong vòng tròn liên kết nếu biết nghĩ cho nhau, cùng nhau học hỏi, chia sẻ, thì chắc chắn mối liên kết đó sẽ bền vững và ngày càng phát triển hơn. “Người Nhật Bản có câu “hãy nghĩ cho người khác, chứ đừng nghĩ cho mình”, bởi mình nghĩ cho người khác, thì người khác nghĩ cho mình và ai cũng như vậy sẽ giúp cả một xã hội lúc nào cũng bền chặt, thành công và vượt qua mọi khó khăn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tuy gặp thất bại, nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Chung của Casuco cho biết, đơn vị này tiếp tục thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu theo phương thức liên kết với nông dân trong 3 niên vụ, bao gồm vụ 2023-2024, 2024-2025 và 2025-2026. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư chi phí phân bón, mía giống, công chăm sóc khoảng 32 triệu đồng/héc ta và ký giá sàn đầu tư là 1.000 đồng/kg mía tại ruộng”, ông cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới