Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thùy Dung
![]() |
Du khách tới Đà Nẵng – Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) – Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác, do đó ngành này cần phải có một cơ chế đặc thù để phát triển. Giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại thông qua đóng góp chi phí từ phía doanh nghiệp đang được tính tới.
Đóng góp lan tỏa đạt 14% GDP
Tại hội thảo về du lịch trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế 2017, ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho hay, ngành du lịch đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng, đang chứng minh là một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2016, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 10,2%, khách du lịch nội địa đạt 11,8%, lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách quốc tế/năm; đóng góp trực tiếp 6,1% vào GDP và gián tiếp, lan tỏa đạt 14%.
Trong điều kiện đó, nhằm định hướng để ngành du lịch Việt Nam phát huy tốt đa tiềm năng, thế mạnh, phát triển mạnh và vượt bậc trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Nghị quyết đã định hướng, tạo mọi điều kiện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và hiện Chính phủ cũng đang xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, ngành du lịch còn rất nhiều dư địa để phát triển và nếu có những “chất xúc tác” thì có thể bùng nổ trong tương lai gần. Ngoài Nghị quyết 08, hiện nay, ngành du lịch nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhằm tạo ra bộ mặt mới cho cơ sở hạ tầng ngành du lịch.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, ngành du lịch không phải là không có vấn đề. Đó là: ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao; môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu…
Thu phí để xúc tiến du lịch?
Tại hội thảo, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, để thực hiện Nghị quyết 08, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra một loạt hành động cụ thể, trong đó các hội viên sẽ cam kết không phá giá dịch vụ du lịch, đấu tranh chống việc đưa du lịch Việt Nam thành địa điểm du lịch rẻ tiền; tham gia xây dựng chính sách phát triển du lịch; cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch bằng các chiến lược và sản phẩm phù hợp; đào tạo nguồn nhân lực du lịch….
Trong đó, ông Bình nhấn mạnh tới việc tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch. Theo ông Bình, việc xúc tiến điểm đến là trách nhiệm của nhà nước và chính quyền các địa phương. Các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm xúc tiến sản phẩm du lịch.
Mỗi doanh nghiệp cần dành nguồn kinh phí nhất định để thực hiện công tác xúc tiến và quảng bá sản phẩm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Nguồn kinh phí này phải được dùng để triển khai các hoạt động xúc tiến của doanh nghiệp và đóng góp vào quỹ xúc tiến chung của toàn ngành du lịch.
“Nhiều nước mỗi doanh nghiệp phải đóng góp cho việc xúc tiến du lịch của đất nước đó, nếu không đóng góp thì sẽ không được hưởng thụ”, ông Bình nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội cho hay, đúng là doanh nghiệp cần phải đóng góp vào quỹ xúc tiến du lịch, nhưng phải thể chế hóa nguồn đóng góp bằng việc kinh phí này phải được khấu trừ đầu vào cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, để quảng bá du lịch, cần phải có văn phòng đại diện du lịch của Việt Nam ở nước ngoài. “Các nước khác có 30-40 văn phòng du lịch ở nước ngoài trong khi mình không có vì sợ tăng biên chế”, ông Lân nói.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phạm Hà, Giám đốc Luxury Travel cho hay, thực tế doanh nghiệp tham gia lĩnh vực outbound trực tiếp hay gián tiếp vẫn đóng góp vào quá trình xúc tiến du lịch. Ví dụ mỗi lần tham gia hội chợ du lịch doanh nghiệp phải đóng góp một khoản tiền 2.500-3.000 đô la Mỹ. Hơn nữa, riêng đối với Luxury Travel, mỗi năm công ty dành khoảng 5 tỉ đồng cho xúc tiến du lịch tại Mỹ, xchâu Âu…, bằng 10% tổng số tiền Chính phủ giao cho Tổng cục Du lịch xúc tiến ở nước ngoài.
Nói về việc đóng góp vào quỹ xúc tiến du lịch, ông Hà nói, nếu quỹ này làm việc có hiệu quả thì không có lý gì doanh nghiệp không đóng nhưng việc xúc tiến phải mang lại lợi ích cho doanh nghiệp bằng việc lượng khách tới Việt Nam tăng thì doanh nghiệp mới có kinh phí đóng vào quỹ. “Nhưng nếu chúng ta vẫn xúc tiến du lịch theo cách hiện nay thì không hiệu quả”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, Việt Nam nên học hỏi việc xúc tiến du lịch của các nước xung quanh, họ có một ban xúc tiến du lịch chuyên sâu. Nếu chúng ta không làm được thì có thể thuê chuyên gia ở nước ngoài lập kế hoạch, hành động để có kết quả mong muốn. Nếu không có kế hoạch và hành động cụ thể ngay ở trong nước thì có mở 20-30 văn phòng du lịch ở nước ngoài vẫn không hiệu quả.
Mời đọc thêm: