Để giải quyết tận gốc chuyện thiếu điện
(TBKTSG) – Việc cúp điện liên miên, cúp điện không báo trước của ngành điện đã gây bức xúc toàn xã hội. Không chỉ người dân, doanh nghiệp mà chính quyền các địa phương (UBND TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu…) đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng yêu cầu tăng phân bổ sản lượng điện, xác định trách nhiệm của ngành điện trong việc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… ở địa phương.
Trong bối cảnh đó, Nghị định 68/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực có hiệu lực từ ngày 1-8-2010 lại thiên về việc xử phạt nặng những vi phạm trong việc sử dụng điện, chưa ràng buộc trách nhiệm đầy đủ của ngành điện khi cắt điện vô tội vạ. Điều này làm tăng “lợi thế” cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi EVN chiếm với 70% sản lượng điện, 100% hệ thống truyền tải điện và 90% mạng lưới phân phối điện trong cả nước.
Với thế độc quyền bao trùm lên tất cả, EVN nhiều lần “lình xình” không chịu mua điện của các nhà máy khác không thuộc quyền quản lý của mình vì cho rằng giá cao, không tự xác định trách nhiệm của mình trong việc chậm trễ đưa các nhà máy điện vào hoạt động vì không có ai giám sát (như hai nhà máy nhiệt điện lớn ở Hải Phòng và Quảng Ninh chậm đưa vào sử dụng hàng chục tháng).
Cách đây hơn 10 năm ngành viễn thông cũng nắm độc quyền không khác gì ngành điện bây giờ. Khi ấy Chính phủ quyết định phá thế độc quyền của ngành viễn thông và đã tạo ra một thị trường cạnh tranh năng động, đa dạng, mang lại lợi ích ngày càng tăng cho người tiêu dùng. Không lý gì cứ để EVN giữ thế độc quyền trong sản xuất, truyền tải, bán buôn, bán lẻ đến tận hộ dân, doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp này lại không chịu trách nhiệm về sự yếu kém trong quản lý, cung ứng điện.
Cần tách các nhà máy sản xuất điện, bộ phận truyền tải điện quốc gia và mạng lưới bán lẻ điện thành những bộ phận độc lập. Đặc biệt cần xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập với bộ phận sản xuất, được đầu tư và phát triển từ nguồn thu phí, nhờ đó có khả năng duy tu, nâng cấp, hạn chế thất thoát, đồng thời giám sát và thúc đẩy việc sản xuất điện. Các công ty bán lẻ điện sẽ được tổ chức theo địa bàn phù hợp chứ không tập trung về một vài đầu mối, dễ dẫn đến độc quyền. Phương án này từng được nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất nhưng không hiểu sao cho đến giờ vẫn chưa được thực hiện dù Bộ Công Thương đã có đề án khá cụ thể.
Ông Mai Đình Trung, Phó giám đốc Quản lý dự án điện nông thôn và năng lượng tái tạo, khẳng định: “Mặc dù hiện là nước xuất khẩu năng lượng, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng”. Tình hình này đòi hỏi phải cấp thiết cải tổ ngành điện, phá thế độc quyền của EVN mới mong tạo ra một diện mạo năng động của ngành điện, đáp ứng nhu cầu bức xúc trước mắt cũng như yêu cầu phát triển năng lượng trong tương lai.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn