Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để khắc phục tình trạng “tôm tạp chất” kéo dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để khắc phục tình trạng “tôm tạp chất” kéo dài

TS. Trần Tiến Khai [1]

Chế biến tôm tại Công ty Minh Phú – Ảnh: Hồng Văn.

Nhân đọc các bài viết phản ánh về tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, được đăng trên báo chí vừa qua, tôi xin có một số ý kiến phân tích về vấn đề này.

Trên thực tế, hiện tượng các thương lái, mà chủ yếu là các vựa tôm – cơ sở sơ chế, bơm chích tạp chất như thạch (rau câu), nước đường nhằm tăng trọng lượng tôm bán cho các nhà máy chế biến đã phổ biến từ hơn 10 năm nay ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng này giảm thấp vào những năm nguồn nguyên liệu dồi dào, nhà máy có nhiều nguồn cung cấp tôm nguyên liệu, và ngược lại, tăng cao vào những thời điểm thiếu hụt tôm nguyên liệu, nhà máy lệ thuộc nhiều vào hệ thống thương lái, vựa tôm, cơ sở sơ chế tại địa phương.

Từ quan sát thực tế nhiều năm và từ một kết quả nghiên cứu của tôi cùng với các đồng sự về ngành tôm nuôi thực hiện tại tỉnh Bạc Liêu vào năm 2005 – 2006 [2], có thể thấy nguyên nhân căn bản của vấn đề bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu là sự lệ thuộc của các doanh nghiệp, nhà máy chế biến tôm xuất khẩu vào các nhà cung cấp tôm nguyên liệu, mà chủ yếu là các đại lý thu mua tôm tư nhân (vựa tôm).

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, khi được hỏi vì sao doanh nghiệp, nhà máy chế biến tôm không thu mua tôm nguyên liệu trực tiếp từ người nuôi tôm, lý do mà họ thường đưa ra là: (1) doanh nghiệp không có đủ năng lực để tổ chức mạng lưới thu mua tôm trực tiếp từ người nuôi tôm; (2) doanh nghiệp không có đủ năng lực để xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu riêng của mình, chi phí quá cao; và (3) trách nhiệm xây dựng vùng nguyên liệu là của chính quyền địa phương.

Trong quá trình phỏng vấn, nghiên cứu, chúng tôi cũng được biết, doanh nghiệp nhận thức rất rõ là nếu chỉ thu mua nguyên liệu từ các đại lý thu mua và cung ứng tôm nguyên liệu, nguy cơ không kiểm soát được chất lượng sản phẩm ngoài cổng nhà máy là hiển nhiên. Mặc dù nhà máy có thể phát hiện tôm nguyên liệu bị bơm chích tạp chất, nhưng họ không thể phát hiện tôm nguyên liệu có hàm lượng kháng sinh, và các hóa chất bị cấm hoặc hạn chế sử dụng vượt mức cho phép (vì một số nhà máy không có phòng thí nghiệm phân tích, hoặc nếu có, thì chi phí phân tích quá cao, và cũng không thể phân tích cho mọi lô hàng tôm nguyên liệu).

Ngoài ra, cơ chế định giá thu mua hiện nay chưa phân biệt sản phẩm tôm theo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, nếu nông dân nuôi tôm theo các hình thức nuôi hữu cơ, sinh học, không dùng hóa chất hoặc áp dụng đúng các quy định về sử dụng hóa chất và thuốc thú y thủy sản, họ vẫn không được định giá sản phẩm cao hơn trên thị trường. Chính vì vậy, việc thiếu một cơ chế định giá mang tính chất khuyến khích cho tôm nguyên liệu thỏa mãn các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là một hạn chế quan trọng để kích thích người nuôi tôm áp dụng các quy trình nuôi tôm sạch, an toàn.

Ngược lại, khi phỏng vấn các hộ nông dân nuôi tôm, hầu hết họ đều mong muốn được bán tôm nguyên liệu trực tiếp cho các nhà máy, với hy vọng tăng thêm thu nhập nhờ bớt được các khâu trung gian.

Qua nghiên cứu trên, chúng tôi đã thực hiện thử nghiệm một mô hình nuôi tôm dựa trên cộng đồng. Dựa trên nguyên tắc tự nguyện, các hộ nuôi tôm liền canh (có ao, đầm tôm liền kề nhau) cùng liên kết quản lý nguồn nước, cam kết không sử dụng các hóa chất, thuốc thú y thủy sản bị cấm và các loại thức ăn có chứa các chất bị cấm này, và thông báo lẫn nhau về tình hình bệnh tôm, xả thải nước từ ao đầm nuôi tôm để tránh lây nhiễm dịch bệnh cho nhau.

Nhóm nuôi tôm dựa trên cộng đồng này (gồm 14 hộ thành viên) được nhóm nghiên cứu hỗ trợ dịch vụ khuyến ngư miễn phí. Định kỳ hàng tuần, một cán bộ khuyến ngư của tỉnh chịu trách nhiệm sẽ đến ao đầm sản xuất của từng thành viên để quan sát, trao đổi và tư vấn cho người nuôi. Người nuôi tôm cũng có trách nhiệm ghi chép (theo mẫu sổ ghi do nhóm nghiên cứu biên soạn) tất cả các vật tư, nguyên liệu, thức ăn và thuốc thú y thủy sản đã sử dụng trong quá trình nuôi để tập làm quen với việc quản lý chất lượng và cung cấp hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vụ nuôi tôm theo phương thức như vậy đã thành công. Các hộ nuôi đạt năng suất cao, tôm nuôi không sử dụng các kháng sinh, hóa chất bị cấm. Tuy nhiên, nhóm nông dân nuôi tôm dựa trên cộng đồng vẫn không thể tìm ra được bất kỳ nhà máy nào trong khu vực cử cán bộ đến theo dõi, và thu mua tôm nguyên liệu tại ao nuôi!

Căn nguyên của các vấn đề trên chính là phương thức tổ chức sản xuất ngành tôm nuôi và quản lý chất lượng sản phẩm hiện nay không đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia dưới các hình thức liên kết dọc, ngang, và không thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất có khả năng kiểm soát quy trình nuôi.

Trong khi đó, mặc dù nhận thức rõ vấn đề, nhưng doanh nghiệp và chính quyền địa phương lại không có biện pháp giải quyết tận gốc. Hiện nay, một số ít doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đang có xu hướng tự tổ chức vùng sản xuất tôm nguyên liệu dưới dạng trang trại riêng của doanh nghiệp (thuê đất, thuê nhân công) hoặc hợp đồng trực tiếp với một số trang trại nuôi tôm có quy mô lớn và có kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào thử tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu dựa trên liên kết với nông dân nuôi tôm.

Chính quyền địa phương thì vẫn chưa quan tâm đến vấn đề nuôi tôm dựa trên cộng đồng, và vẫn chưa chú ý cải tiến công tác khuyến ngư theo phương thức cung cấp dịch vụ khuyến ngư theo tổ, nhóm hơp tác của người nuôi tôm dựa trên cộng đồng, và chưa vận động được doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng vùng nguyên liệu thỏa mãn yêu cầu kiểm soát chất lượng.

Từ năm 2006, chúng tôi đã có những khuyến nghị giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành tôm nuôi ở tỉnh Bạc Liêu với các cơ quan chức năng và một số cán bộ quản lý ngành thủy sản địa phương.

Về mặt tổ chức sản xuất, chúng tôi đã đề xuất: Tổ chức liên kết giữa các tác nhân trong ngành hàng bằng những biện pháp phù hợp và có chế tài. Ví dụ: buộc các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải có hệ thống văn bản quản lý về truy xuất nguồn gốc đến người cung cấp tôm nguyên liệu trực tiếp (đại lý hoặc nông dân – doanh nghiệp nuôi tôm với quy mô lớn). Buộc các đại lý thu mua phải có hệ thống văn bản quản lý về truy xuất nguồn gốc đến người sản xuất tôm. Buộc người sản xuất phải có sổ ghi chép sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản và nơi cung cấp các loại vật tư này.

Khởi động tổ chức thực hiện mô hình sản xuất tôm trên cơ sở quản lý cộng đồng và có trách nhiệm. Ba thành phần nòng cốt của mô hình là đại lý cung cấp vật tư thủy sản, nông dân sản xuất và chính quyền cơ sở.

Rất tiếc là cho đến nay, dường như không có đề xuất nào được xem xét áp dụng.

Qua bài viết này, tôi hy vọng cung cấp một góc nhìn về các vấn đề tồn tại của ngành tôm nuôi Việt Nam, cũng như các nguy cơ tiềm ẩn đánh mất thị trường xuất khẩu.

____________________________________________________              

[1] Giảng viên, Khoa Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế TPHCM

[2] Trần Tiến Khai, Hồ Cao Việt và Hồ Minh Hợp (2006). Báo cáo dự án VN/SPF/06(101040). Cải thiện chất lượng tôm xuất khẩu đến thị trường Châu Âu thông quan tăng cường năng lực của người sản xuất, thành phần tư nhân và chính quyền địa phương tỉnh Bạc Liêu. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam và Đại học Nông nghiệp Gembloux, Bỉ. Tài trợ dự án Phái đoàn Cộng đồng Châu Âu tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới