Để không lặp lại bài học Vinashin
(TBKTSG) – Cuối cùng, cái kết cục mà các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước từng cảnh báo khi nhìn vào cách tập đoàn Vinashin tiêu pha những khoản vay nợ hàng chục ngàn tỉ đồng vào các lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả, cũng đã đến. Cuối tháng 6-2010, Chính phủ đã phải chìa ra chiếc phao cứu sinh để giải cứu tập đoàn này, bằng cách chuyển giao 12 công ty con của Vinashin về tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines).
Rồi đây, thất bại của Vinashin sẽ còn tiếp tục được mổ xẻ. Vấn đề đặt ra với Việt Nam là phải rút kinh nghiệm gì từ bài học này để các doanh nghiệp nhà nước khác và nền kinh tế Việt Nam không đi vào con đường của Vinashin trong tương lai.
Đã có nhiều bài báo phân tích nguyên nhân đưa tập đoàn này tới bờ vực. Tựu trung, có ba nguyên nhân chính:Trước hết là đầu tư dàn trải. Từ năm 2005 cho đến trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào đầu 2008, danh mục các dự án đầu tư của Vinashin đã lên đến con số 257, với tổng kinh phí hơn 50.000 tỉ đồng. Số tiền trên là không nhỏ, nhưng do dàn trải, nên rất nhiều trong số đó không được cấp đủ số vốn cần thiết. Tới nay, hơn ba phần tư số dự án vẫn còn dở dang.
Tiếp theo là tình trạng sử dụng nguồn vốn vay kém hiệu quả. Không ít hoạt động đầu tư của Vinashin đã phát sinh những khoản lỗ lớn. Điển hình là thất bại trong hai thương vụ mua tàu Hoa Sen trị giá 1.300 tỉ đồng và 1.462 tỉ đồng mua cổ phần của Bảo Việt.
Thêm vào đó, xu hướng phát triển theo chiều rộng, bằng việc cho ra đời ồ ạt những công ty con, công ty cháu, trong khi năng lực quản lý không theo kịp, gây ra những lỗ hổng nguy hiểm liên quan đến vấn đề quản lý đầu tư, công nợ, dòng tiền… càng làm cho đoàn tàu Vinashin nhanh chóng đi đến bờ vực.
Bài học Vinashin có lẽ không chỉ dành cho Vinashin. Nó là lời cảnh báo đối với hoạt động của các tập đoàn nhà nước nói chung, cũng như đối với một số mặt của kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn, sáu tháng đầu năm nay, tuy kinh tế đã phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng 6,1%, nhưng số vốn đầu tư phải bỏ ra để có được kết quả trên cũng đã lên đến 43,5% GDP, cao hơn khá nhiều so với mức 39,1% trong giai đoạn 2001-2005.
Điều đáng quan tâm là mức tích lũy của Việt Nam chỉ khoảng 30% GDP. Như vậy, để có tiền đầu tư nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng, chúng ta đang phải vay, thông qua vốn ODA, hay phụ thuộc vào vốn FDI…
Đáng ngại hơn, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư lại đang giảm. Chẳng hạn như lĩnh vực công nghiệp. Khoảng cách giữa tốc độ tăng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng trong nửa đầu năm nay tiếp tục giãn xa hơn các năm trước, nghĩa là hiệu quả đang tụt dốc. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển theo chiều rộng của nền kinh tế, chẳng những chưa được cải thiện, mà còn đang trầm trọng hơn, với 77,5% giá trị tăng thêm của GDP là đến từ tăng vốn đầu tư và số lượng lao động.
Đến nay, nợ của Chính phủ đã là 41,9% GDP. Tuy vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng nếu hiệu quả sử dụng vốn, tình trạng đầu tư dàn trải không sớm được cải thiện và việc sử dụng vốn nhà nước còn tiếp tục bị buông lỏng quản lý, như với trường hợp Vinashin, thì trong tương lai có thể nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn