Để không mất đi lợi thế cạnh tranh
![]() |
Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, ông Jonathan Pincus – Ảnh: Mộng Bình |
(TBKTSG Online) – Một số chuyên gia quan ngại Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực vì lạm phát tăng cao, giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Cũng như vậy, một số nhà đầu tư nói rằng họ có thể tính đến việc dời văn phòng, nhà máy sang các nước khác.
Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đã chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online những yếu tố giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
TBKTSG Online: Ông có thể chỉ ra đâu là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, trong hoàn cảnh phải đối mặt với lạm phát tăng cao, giá cả leo thang và những vấn đề khó khăn khác nữa?
Ông Jonathan Pincus: Tôi nghĩ đang có sự cân bằng giữa chi phí tăng cao và những lợi thế mà Việt Nam đang có. Tôi đã nói với nhiều nhà đầu tư rằng một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là con người. Điều này hoàn toàn đúng với những gì mà chúng ta nghe được từ các nhà đầu tư, rằng người Việt Nam làm việc rất chăm chỉ, sẵn sàng học hỏi, khả năng thích ứng với môi trường làm việc mới rất nhanh, luôn nỗ lực để phát triển năng lực bản thân và có ý chí cầu tiến.
Chính nguồn nhân lực này mới tạo ra sự khác biệt cho Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với các thị trường khác trong khu vực. Đây không phải là bí mật gì cả mà là điều mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể nhận ra, và do vậy Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Á đối với các nhà đầu tư.
Nhưng một số công ty nói rằng họ có thể sẽ ra đi nếu chi phí cứ tiếp tục tăng?
Tôi cho rằng hầu hết các nhà đầu tư không đưa ra quyết định rời một nơi nào đó chỉ sau một hay hai tháng khó khăn bởi vì họ cần phải kiên nhẫn trong một thời gian dài hơn thế nếu họ muốn thành công trên thương trường ngày nay. Hơn nữa, họ đã mất thời gian và công sức để đầu tư vào thị trường này, bởi vậy họ không thể dễ dàng quyết định ra đi.
Theo tôi, có thể một vài công ty nhỏ bàn kế hoạch dời đến môi trường làm ăn khác nhưng các công ty lớn sẽ không ra đi. Một điểm khá thú vị là những công ty đã quyết định đầu tư vào Việt Nam thì sẽ không ra đi chỉ bởi vì những gì đang diễn ra tại đất nước này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lạm phát tăng cao tại Việt Nam trong thời gian vừa qua là do nền kinh tế không đủ sức hấp thụ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào quá nhiều. Theo ông, trong tình hình hiện tại thì Việt Nam cần lựa chọn các nhà đầu tư như thế nào?
Việt Nam cần phải nhắm đến việc thu hút các dự án đầu tư không phải trong lĩnh vực sản xuất quần áo, giày dép hay lắp ráp hàng điện tử mà cần phải hướng đến tầm cao hơn. Nghĩa là, Việt Nam cần phải tập trung vào chất lượng dự án đầu tư hơn là chạy theo số lượng. Ngoài ra, cần phải thu hút các công ty đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao và có giá trị cộng thêm, hay các dự án giúp xây dựng mối liên kết tốt giữa các nhà sản xuất trong và ngoài nước để tạo ra sự thay đổi.
Để làm được điều này, Việt Nam cần dành nhiều thời gian, công sức và nỗ lực không phải để giải quyết các vấn đề ngắn hạn mà là các vấn đề dài hạn. Những vấn đề dài hạn mà Việt Nam cần phải giải quyết liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng để đảm bảo rằng giá cả các dịch vụ cảng, điện, nước, hậu cần… không quá cao. Tuy nhiên, đây chỉ mới là vấn đề thứ nhất mà tôi muốn đề cập.
Vấn đề thứ hai liên quan đến giáo dục và đào tạo. Việt Nam cần phải đào tạo những công nhân có tay nghề, phù hợp cho các ngành nghề đang trong giai đoạn phát triển và có như thế mới thu được các nhà đầu tư đến đất nước này. Đây quả là một thử thách rất lớn vì hệ thống và chất lượng giáo dục và đào tạo tại Việt Nam chưa được cải thiện. Lĩnh vực giáo dục phải được tập trung cải thiện chất lượng trong các năm sắp tới, và Việt Nam phải làm điều này trong một thời gian dài.
Nhưng có một thực tế là trong khi Chính phủ Việt Nam và các ngành chức năng còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết thì nguồn vốn đầu tư sẽ vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam?
Như tôi đã nói, Việt Nam phải luôn tập trung thu hút dự án có chất lượng tốt hơn là chạy theo số lượng. Tôi không nghi ngờ gì về khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam vì dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ vẫn cứ chảy vào đây. Có thể là ba tỉ, bốn tỉ hay năm tỉ đô la Mỹ… trong thời gian sắp tới, tôi không thể biết được.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải thu hút đúng các nhà đầu tư mà họ không chỉ mang tiền vào mà còn cả công nghệ, kỹ năng và tri thức giúp đào tạo nguồn nhân lực địa phương.
Xin cảm ơn ông!
MỘNG BÌNH thực hiện