Thứ Sáu, 29/09/2023, 21:45
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Để liên kết vùng, tiểu vùng thành công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để liên kết vùng, tiểu vùng thành công

Trung Chánh

Để liên kết vùng, tiểu vùng thành công
Ruộng lúa của nông dân tỉnh Long An, một địa phương nằm trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tại buổi ra mắt nhóm chuyên gia nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra hôm 25-10-2017, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh khẳng định liên kết vùng bằng cơ chế chính thức của Nhà nước đã thất bại. Trong khi đó, liên kết vùng, tiểu vùng được xem là một phần động lực giúp vùng phát triển. Làm sao để liên kết vùng, tiểu vùng thành công?

Những vấn đề ở trên được một số chuyên gia tiếp tục nêu ra trong phiên thảo luận chung tại Diễn đàn Mêkông Connect 2017 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ” diễn ra hôm 26-10-2017, tại tỉnh Bến Tre.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, ở ĐBSCL đang hình thành một số liên kết ở quy mô cấp tiểu vùng trên nguyên tắc tự nguyện của các địa phương, như tiểu vùng Đồng Tháp Mười với ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp hay vùng Tứ Giác Long Xuyên.

Hình thức liên kết tự nguyên khác hẳn với hình thức liên kết bằng cơ chế chính thức của Nhà nước, mà theo khẳng định của chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh là nó đã "thất bại".

Điểm đặc trưng, theo ông Vũ, cách tiếp cận đầu tiên là thuyết phục các địa phương tham gia vào tiểu vùng đó thấy được nhu cầu thiết thực của việc liên kết. “Tức mỗi địa phương khi ngồi lại bàn bạc, thảo luận liên kết phải hiểu rất rõ tại sao họ ở đây; nhu cầu của họ là gì? Tại sao họ lại tự nguyện giảm bớt quyền hạn (theo quy định của Hiến pháp), thậm chí phải đóng góp để thực hiện việc liên kết của tiểu vùng?”, ông Vũ nêu vấn đề.

Sau khi sự cần thiết của việc liên kết được các địa phương xác định rõ ràng, thì chuyện cần bàn tiếp theo là xác định tầm nhìn cho những năm sắp tới. “Ví dụ, tiểu vùng Đồng Tháp Mười có tầm nhìn 20-30 năm tới như thế nào? Tiểu vùng Duyên Hải phía Đông hình dung về xã hội, kinh tế, môi trường của tiểu vùng này như thế nào trong từng địa phương”, ông Vũ dẫn chứng.

Theo ông Vũ, từ tầm nhìn đó mới bắt đầu đi vào hướng đi chiến lược. “Chẳng hạn, bây giờ chúng ta muốn cái nhà chúng ta có không khí trong lành; kinh tế phát triển mạnh dựa vào nông nghiệp công nghệ…, từ đó, chúng ta có cách thức lựa chọn để hiện thực hóa”, ông cho biết.

Tiếp sau là xác định lĩnh vực liên kết và đi đến hành động cụ thể, “tức chúng ta sẽ không nói đi vào liên kết bưởi, liên kết xoài hay thủy sản, mà bàn tầm nhìn định hướng chiến lược, lĩnh vực liên kết rồi mới đi vào cụ thể”, ông giải thích và nói rằng điều này có thể mất thời gian, khoảng 4-5 tháng, nhưng nó cần thiết để thuyết phục lẫn nhau và cả đối tác về câu chuyện phát triển trong tương lai của vùng, tiểu vùng.

“Liên kết vùng trong cách đặt vấn đề liên kết không chỉ là phát triển kinh tế, mà liên kết vùng để phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững”, ông cho biết thêm.

Cuối cùng, theo ông Vũ, sẽ sử dụng lợi thế của liên kết vùng, tiểu vùng để tăng khả năng đàm phán. Ông nói tiểu vùng Đồng Tháp Mười vừa ký một bản ghi nhớ thỏa thuận du lịch với TPHCM. "Nếu chỉ có mỗi tỉnh Đồng Tháp đàm phán, thì ưu thế thương lượng với TPHCM vẫn có, nhưng sẽ không bằng so với cả tiểu vùng Đồng Tháp Mười thương lượng với TPHCM. Đó là yếu tố rất quan trọng trong liên kết”, ông nhấn mạnh.

“Những điều tôi nói như vậy về liên kết tiểu vùng có ý nghĩa gì với ĐBSCL?", ông Vũ nêu câu hỏi và nói rằng liên kết vùng và tiểu vùng có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng chuỗi nông nghiệp.

Theo ông, trước đây, khi doanh nghiệp trao đổi là với từng địa phương về phát triển chuỗi nông nghiệp, thì vấn đề tích tụ ruộng đất để làm vùng nguyên liệu lớn luôn là cái khó ở ĐBSCL. “Nhưng, khi chúng ta liên kết bốn tỉnh chẳng hạn, tức hình thành cả một vùng và ở vùng đó không phải mọi địa phương đều có vùng nguyên liệu, mà có thể một tỉnh làm vùng nguyên liệu, tỉnh làm nhà máy, tỉnh làm chợ đầu mối, tỉnh làm logistics, đào tạo…, thành chuỗi liên kết cho cả vùng”, ông cho biết.

Liên kết vùng còn có ý nghĩa trong hình thành và phát triển các chuỗi khác dựa trên nông nghiệp. “Chẳng hạn, nếu tiếp cận chuỗi rau quả, chuỗi cá sạch, thì phải dựa trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm soát từng khâu trên vùng nguyên liệu đó. Nếu có được vùng nguyên liệu đủ lớn trên cách tiếp cận liên kết tiểu vùng, thì đó là một cách nhìn hoàn toàn mới trong phát triển ĐBSCL trong tương lai”, ông Vũ nhấn mạnh.

Một số đại biểu tham dự Diễn đàn Mêkông Connect 2017 cho biết, muốn liên kết vùng hay tiểu vùng thành công, vấn đề trước tiên cần giải quyết là tạo sự đồng thuận về quan điểm, chủ trương và cả hành động của các địa phương khi cùng tham gia liên kết. Đây là điều khác hẳn so với liên kết bằng cơ chế chính thức của Nhà nước. Bởi, nếu địa phương không muốn liên kết, nhưng vì cơ chế quy định nên vẫn tuân thủ hay nói cách khác tuy bằng mặt nhưng chưa bằng lòng, thì rất khó thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới