Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để mọi người sống lương thiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để mọi người sống lương thiện

Nguyễn Vũ

Để mọi người sống lương thiện
Hệ lụy lớn nhất của mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục là sự biến tướng của nhiều hình thức công tư lẫn lộn, trong đó cơ sở công lập bị biến dạng thành tư nhân một phần dưới danh nghĩa “xã hội hóa”. Ảnh: THANH TAO

(TBKTSG) – Chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là việc trước sau gì cũng phải triển khai bởi nếu không chúng ta sẽ tiếp tục sống với những nghịch lý đã ngó lơ trong nhiều năm qua.

Đầu tiên là quy mô không hề nhỏ của khu vực ít người chú ý này. Dù tên gọi có khác nhau nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại hơn 8.000 “cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội”, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Đó có phải là doanh nghiệp nhà nước không? Không phải. Đó có phải là những doanh nghiệp cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không? Cũng không phải. Chính vì sự mập mờ về thân phận này đã dẫn tới nhiều hệ lụy khác mà chúng ta sẽ bàn ở phần sau.

Nếu trước đây đã từng có nhiều ý kiến phân tích về hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi các bộ làm chủ quản nhiều doanh nghiệp nhà nước thì nay dù ở quy mô nhỏ hơn, mức độ thấp hơn nhưng các “cơ sở sản xuất kinh doanh” này cũng tạo ra những xung đột lợi ích khi cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể hay hiệp hội vừa đóng vai trò lo cho lợi ích chung của xã hội hay toàn thể hội viên lại vừa lo riêng cho đơn vị trực thuộc mình. Điều đáng nói hơn là trong trường hợp này nhiều lúc cơ quan chủ quản không đủ kiến thức chuyên môn để quản lý đơn vị trực thuộc.

Một điều có thể khẳng định là 8.000 “cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội” chắc chắn đang hưởng những lợi thế ít nhất là về đất đai, cơ sở vật chất công so với các loại hình doanh nghiệp thuần túy hoạt động trong cùng lĩnh vực. Trong khi đó tính chất phục vụ cho xã hội thì không rõ ràng như các đơn vị hành chính thuần túy.

Cơ chế quản lý những đơn vị sự nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh loại này là một rừng quy định, vừa phức tạp cho giới quản lý nhà nước, vừa trói tay trói chân bản thân các đơn vị này, làm họ phải tìm mọi cách “xoay xở” để tồn tại.

Nói về quy mô, còn phải nhắc đến gần 70.000 “đơn vị sự nghiệp” chủ yếu trong hai ngành giáo dục và y tế. Nhưng nếu loại trừ các cơ sở y tế (13.682) và cơ sở giáo dục (44.712) thì vẫn còn 11.341 đơn vị sự nghiệp có thể chuyển đổi mô hình hoạt động để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước. Đó là những đơn vị như thế nào? Trong văn hóa thể thao, đó có thể là nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện… Trong sự nghiệp kinh tế, đó có thể là chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng, ban quản lý bến xe…

Nghịch lý ở đây là trong khi chúng ta đang cố gắng sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước bằng đủ phương cách, từ cổ phần hóa đến bán khoán cho thuê thì loại hình đơn vị sự nghiệp có thu này vẫn đang tăng lên, từ 63.054 đơn vị năm 2007 lên đến 69.735 đơn vị năm 2012 (loại trừ mức tăng của ngành y tế và giáo dục thì con số đơn vị sự nghiệp khác vẫn tăng mạnh từ 8.770 lên 11.341 đơn vị).

Cơ chế quản lý những đơn vị sự nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh loại này là một rừng quy định, vừa phức tạp cho giới quản lý nhà nước, vừa trói tay trói chân bản thân các đơn vị này, làm họ phải tìm mọi cách “xoay xở” để tồn tại.

Ở góc độ này, nghịch lý là chúng ta không chịu nhìn nhận vấn đề một cách rốt ráo để cuối cùng cả hai bên đều không trung thực: đơn vị sự nghiệp thì tìm cách hợp thức hóa hoạt động cho đúng quy định của Nhà nước; cơ quan quản lý thì biết là bất hợp lý nhưng vẫn thực thi theo đúng quy định và “để ngỏ” cho đơn vị “lách” ở những nơi khác.

Lấy ví dụ, hiệu trưởng một trường đại học tư thục sẵn sàng thừa nhận lương mỗi tháng của mình có thể ở mức 80-100 triệu đồng. Nhưng hiệu trưởng một trường đại học công lập quy mô lớn gấp nhiều lần không bao giờ dám thừa nhận mức lương này. Trong thực tế thu nhập của ông cũng không thua kém gì, thậm chí có thể cao hơn nhưng được ghi nhận ở đủ loại khác nhau chứ không rõ ràng như hiệu trưởng trường tư thục.

Hệ lụy lớn nhất của mô hình này là sự biến tướng của nhiều hình thức công tư lẫn lộn, trong đó cơ sở công lập bị biến dạng thành tư nhân một phần dưới danh nghĩa “xã hội hóa”. Do mô hình này không được giám sát chặt chẽ nên dễ bị lợi dụng cho mục đích tư lợi hay làm lợi cho một số người mà thôi.

Một bệnh viện công, tách một phần cơ sở vật chất công ra, kêu gọi tư nhân bên ngoài góp vốn mua máy móc hiện đại đắt tiền (mà thực chất cũng là cán bộ, nhân viên của bệnh viện trong vai trò khác). Nếu nhìn ở góc cạnh tích cực thì bệnh viện không tốn tiền đầu tư mà vẫn có được máy móc tối tân phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Nhưng nhìn ở góc cạnh biến dạng, rõ ràng vì lợi ích riêng, bệnh nhân sẽ bị ép sử dụng các dịch vụ tốn tiền này một cách không cần thiết. Đi vào một bệnh viện công lập mà có sự phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có tiền và bệnh nhân không có tiền, cả hai bên đều không được cung cấp thông tin đầy đủ là điều không thể chấp nhận được.

Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp có thu thành công ty cổ phần là một quá trình sẽ mất thời gian, sẽ gây lo ngại thất thoát tài sản nhà nước và sẽ gây lo lắng rằng Nhà nước không còn “chăm lo” đến nhiều lĩnh vực từng chăm lo chu đáo.

Chẳng hạn, nếu chuyển một đoàn ca nhạc nhẹ của một sở địa phương thành công ty thì trước mắt sẽ có những nỗi lo quy luật thị trường sẽ làm mọi người chạy theo thị hiếu dễ dãi, không còn chú ý đến các loại hình nghệ thuật có giá trị cao. Nhưng cũng chính quy luật thị trường sẽ sàng lọc để những giá trị bền vững sẽ tồn tại, các thị hiếu tầm thường sẽ bị loại bỏ – và sự sàng lọc đó là vai trò của xã hội chứ Nhà nước không cần phải lo. Nhà nước cũng không cần biên soạn các thang bậc lương chi tiết đến độ có cả phụ cấp “thanh, sắc” cho người nghệ sĩ – hãy giao việc đó cho xã hội tự giải quyết.

Bệnh viện là nơi có sự bất đối xứng thông tin rất cao giữa bên cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và bệnh nhân cho nên vai trò của bệnh viện công thường rất được coi trọng nhằm phục vụ cho bệnh nhân nghèo… Nhưng do sự biến tướng “xã hội hóa” nói ở trên, do sự phổ biến của các hình thức bảo hiểm y tế nên buộc các bệnh viện công phải hoạt động như một doanh nghiệp thật sự là bước đi không thể tránh được.

Nếu các đơn vị sự nghiệp công, kể cả các bệnh viện được trao một cơ chế hạch toán tự chủ như tinh thần một nghị định đang được Chính phủ soạn thảo thì khi đó việc huy động các nguồn lực xã hội sẽ công khai minh bạch hơn, loại bỏ được những khiếm khuyết của cơ chế “xã hội hóa” hiện nay.

Lúc đó vai trò của Nhà nước là bảo đảm người nghèo, người cơ nhỡ có những ưu đãi trong bảo hiểm y tế như cấp bảo hiểm y tế không mất tiền. Lúc đó người dân sẽ có quyền chọn nơi để hưởng các chính sách bảo hiểm y tế đúng nghĩa của mình, bất kể đó là bệnh viện tư hay bệnh viện công. Lúc đó ngân sách nhà nước sẽ không còn phải lo tràn lan cho rất nhiều đơn vị sự nghiệp mà sẽ tập trung vào cá nhân người dân có địa chỉ cụ thể, có những tiêu chí cụ thể.

Điều đáng nói là quá trình chuyển các đơn vị sự nghiệp thành công ty có thể gặp phải sự phản đối từ công luận như từng xảy ra trong quá khứ. Do đó việc chuẩn bị dư luận cho quá trình này là một khâu rất quan trọng, trong đó phải có những giải thích hợp tình hợp lý, những nghiên cứu công phu, những số liệu thuyết phục. Làm được điều này là đã tiến một bước rất lớn trên lộ trình trao cho các đơn vị sự nghiệp công quyền tự chủ, cơ chế hạch toán như doanh nghiệp và cuối cùng là “doanh nghiệp hóa” các đơn vị này.

Mời đọc thêm

Nên mạnh tay tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công lập

Một cột mốc mới trong công khai thông tin

Chậm xã hội hóa dịch vụ công, khó duy trì quỹ lương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới