Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để Ngân hàng Nhà nước làm đúng vai trò

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để Ngân hàng Nhà nước làm đúng vai trò

Hồng Phúc

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Việc tăng giảm lãi suất cơ bản, thay đổi về tỷ giá vẫn được coi là hoạt động mang tính nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng nhiều năm nay, vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi quyết định.

“Mặc dù Thủ tướng quyết thì NHNN khỏe, khỏi ngại trách nhiệm nhưng nó gây chậm trễ trong chính sách, không phù hợp tình hình thực tế. Hãy trao quyền cho Thống đốc (để điều hành thị trường tiền tệ) một cách chủ động”,

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nguyên Phó thống đốc NHNN Dương Thu Hương dường như đã phải chờ đợi rất lâu để đến Hội thảo “Hướng tới sửa đổi Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng” (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Danida (Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch) tổ chức hôm 24-4, tại Hà Nội) mới có dịp nói lên ý kiến này.

Lần sửa đổi đầu tiên của Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng bắt đầu vào thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 và bây giờ, lần sửa đổi thứ hai lại rơi vào thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên bà Dương Thu Hương gọi đây là hai “luật bão táp”.

Đó không chỉ là cách ví von cho hay của bà Hương mà việc sửa đổi hai bộ luật quan trọng này được người trong cuộc coi như một thách thức lớn. Hơn một lần, chúng bị hoãn tiến độ và đây là lần sửa đổi được coi như không thể trì hoãn thêm.

Độc lập đến đâu?

Cùng với bản dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, dự thảo Luật NHNN vừa được NHNN trình lên Chính phủ, trong khi chờ đợi Chính phủ trình lên Quốc hội thì vẫn còn không ít ý kiến đóng góp khác nhau.

Số đông các chuyên gia cho rằng nếu tất cả những đề xuất trong bản dự thảo luật sửa đổi được thực thi thì chúng ta cũng chưa có một ngân hàng trung ương “mạnh dạn”, chưa nói đến khả năng dự thảo cuối cùng có thể bị thắt chặt hơn khiến luật mới có thể không có nhiều bứt phá so với khuôn khổ cũ.

Nhìn tổng thể, theo bà Hương, cái khó của việc sửa đổi luật lần này là sửa đổi cách tư duy. “Mục tiêu cao nhất của NHNN là ổn định giá trị đồng tiền và giám sát an toàn hệ thống, qua đó góp phần phát triển kinh tế, nhưng chúng ta vẫn nhầm lẫn giữa các mục tiêu hy sinh lạm phát hay tăng trưởng kinh tế. Trong điều hành chúng ta vẫn đưa mục tiêu tăng trưởng GDP lên đầu. Tôi rất buồn vì người đứng đầu NHNN có lúc còn phát biểu như vậy”, bà thẳng thắn nhận xét.

Bà Dương Thu Hương cho rằng “Bản thân NHNN cũng không muốn độc lập hoàn toàn mà chỉ muốn một sự độc lập tương đối”. Và vấn đề lớn hơn, theo bà, “không phải việc điều hành của NHNN mà là quan điểm trong điều hành. Chính phủ, Quốc hội (nhân dịp này) hãy giúp NHNN làm đúng vai trò việc của mình”, bà Hương đề nghị.

Liên quan đến Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới được thành lập, một số chuyên gia băn khoăn ở chỗ liệu có cần thiết một cơ quan như vậy không, hay nó còn “pha loãng” thêm sự điều hành thị trường tài chính tiền tệ.

Theo Ban soạn thảo Luật NHNN, qua khảo sát ở 123 nước thì ở 67 nước, ngân hàng trung ương vừa thực hiện chính sách tiền tệ vừa giám sát hệ thống. “Qua cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, nhiều nước đã thành lập ủy ban giám sát không thuộc NHNN nhưng bây giờ nhiều nước cũng đã thu về như một động tác sửa sai”, theo lời một chuyên gia tại cuộc hội thảo.

Theo Tờ trình về dự thảo luật của NHNN trình Chính phủ, xu hướng cải cách hệ thống giám sát trên thế giới trong thời gian tới sẽ theo hướng trao thêm nhiều trách nhiệm cho ngân hàng trung ương trong việc giám sát an toàn của hệ thống tài chính.

Đối với Việt Nam, có thể nói tất cả các chuyên gia của các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ khác đều thống nhất NHNN cần là cơ quan giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và phải giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính, trong đó an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại giữ vai trò quyết định. Đây cũng là điều kiện để NHNN có thể thực hiện được chính sách tiền tệ, tỷ giá của mình.

Trong vấn đề vai trò độc lập của NHNN, còn một câu hỏi lớn chưa có lời đáp: Chúng ta cần một ngân hàng trung ương hiện đại nhưng thế nào là hiện đại? Đây cũng đang là “món nợ” mà NHNN chưa trả lời xong với Chính phủ.

Kỷ niệm buồn

Luật NHNN Việt Nam được ban hành năm 1997, có hiệu lực thi hành từ năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2003. Cùng với Luật Các tổ chức tín dụng, Luật NHNN Việt Nam là văn bản pháp lý chủ đạo, là nền tảng để hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực hoạt động ngân hàng nói chung và hệ thống NHNN nói riêng.

Song từ nhiều năm qua, nhiều quy định của Luật NHNN Việt Nam hiện hành không còn phù hợp và dẫn đến những bất cập trong thực tiễn triển khai. Ví dụ như việc Luật NHNN Việt Nam chưa trao đầy đủ thẩm quyền cho NHNN với tư cách là một ngân hàng trung ương đã phần nào hạn chế khả năng chủ động và tính linh hoạt của NHNN trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của một ngân hàng trung ương như các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức của cơ quan này.

Mục tiêu hoạt động của NHNN được quy định trong luật hiện hành quá rộng và đôi lúc còn mâu thuẫn, không phù hợp với tình hình kinh tế phát triển trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Các quy định pháp lý về điều hành các công cụ chính sách tiền tệ như chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất cơ bản còn quá chi tiết, nhưng chưa rõ ràng và mang nặng tính hành chính. Chất lượng thống kê kinh tế vĩ mô bị hạn chế do chưa có các quy định xử phạt đối với các trường hợp cung cấp thông tin sai lệch hoặc cố tình không cung cấp thông tin.

Nhưng theo hồi tưởng của nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm, trong lần sửa đổi thứ nhất hai luật trên vào năm 2003, “các chuyên gia nói rất nhiều, hội thảo rất nhiều nhưng cuối cùng chỉ sửa có hai vấn đề rất tủn mủn là chữa từ trái phiếu có giá “ngắn hạn” thành “dài hạn” và… thành phần ban chống rửa tiền”.

Ông Kiêm nói: “Rất nhiều các vấn đề lý thuyết và thực tiễn chúng ta đem ra sửa lần này đã được các chuyên gia xác định rất mạnh mẽ từ lần trước, song cuối cùng (các nội dung sửa đổi) bị co dần còn một tý”.

Bà Dương Thu Hương đồng tình và cho rằng thực tiễn đã chứng minh rằng nếu lần sửa đổi năm 2003 tốt thì “vô cùng thuận lợi” cho ngành ngân hàng bởi chúng ta khi đó có thiên thời địa lợi, ngành ngân hàng lúc đó đứng trên đỉnh cao tăng trưởng. Bà cho rằng “Nếu lần này không quyết tâm, không khéo thì sẽ lặp lại bài học 2003”.

Mô hình nào cho ngân hàng trung ương?

Trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều đáng chú ý nhất được nêu ra là việc lựa chọn mô hình ngân hàng trung ương. Điều này bao gồm: địa vị pháp lý, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và các điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay chủ động thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ đó và các quy định bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động của cơ quan này.

Về địa vị pháp lý của NHNN, dù rất nhiều ý kiến thời gian qua cho rằng cần trao cho NHNN một địa vị pháp lý độc lập hơn với Chính phủ để có thể thực hiện được tốt hơn mục tiêu hàng đầu của một ngân hàng trung ương trong nền kinh tế thị trường, song dự luật do NHNN vừa hoàn tất vẫn đồng ý với quy định trong luật cũ, rằng: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ và là Ngân hàng Trung ương của nước CHXHCN Việt Nam”.

Tuy nhiên, NHNN cũng đã đề xuất sửa đổi một số các quy định bất cập trong luật hiện hành. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung cho NHNN nhiệm vụ “chủ động sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ và các biện pháp khác để đạt mục tiêu lạm phát”. Nhiệm vụ “thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội” được giải thích là mục tiêu gián tiếp.

NHNN trong bản đề xuất gửi Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn bỏ quy định trong luật hiện hành về việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ. Thay cho quy định “cứng” về việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, bản dự thảo bổ sung quy định “Thống đốc được quyền thành lập các Ban, Hội đồng tư vấn để tham mưu cho Thống đốc”.

NHNN cũng đề nghị để Thống đốc và các Phó thống đốc được “xem xét và quyết định tập thể” những nội dung: Thông qua dự thảo báo cáo định hướng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, mục tiêu lạm phát dự kiến cho từng thời kỳ; việc áp dụng các giải pháp, công cụ điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; các giải pháp xử lý trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc khi có sự cố; thực hiện các biện pháp bắt buộc đối với tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật để đảm bảo thực thi chính sách tiền tệ quốc gia hoặc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, vay tiền hoặc bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng; việc sử dụng một số nguồn thu, các quỹ.

Dự thảo luật còn dự kiến trao cho Thống đốc quyền được quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc NHNN; bỏ quy định về việc phải mở chi nhánh tại tất cả các tỉnh, thành phố; thậm chí đề nghị việc cho phép NHNN được góp vốn để thành lập các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của NHNN như như công ty chuyển mạch thẻ, công ty vận chuyển, phân loại, xử lý tiền mặt.

Trường Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới