Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị doanh nghiệp “kêu cứu” trực tiếp lên Thủ tướng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề nghị doanh nghiệp “kêu cứu” trực tiếp lên Thủ tướng

Tư Hoàng

Đề nghị doanh nghiệp
Doanh nghiệp kêu ca nhiều về các thủ tục kinh doanh. Ảnh: VPCP.

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp nên gửi văn bản kiến nghị trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ nếu bị các văn bản cấp bộ gây phiền hà trong làm ăn kinh doanh, theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà.

Phát biểu kết thúc hội nghị triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ do Văn phòng Chính phủ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 18-5 tại Hà Nội, ông Hà nói: “Thông tư cứ cấm cái này, cái kia. Nếu cần cấm, thì đã có trong luật rồi, thông tư không thể cấm được”.

Ông khuyên các doanh nghiệp dự hội nghị: “Thủ tướng có quyền đình chỉ hoặc bãi bỏ văn bản của bộ trưởng, chủ tịch tỉnh ban hành sai luật… Doanh nghiệp nên kiến nghị thẳng lên Thủ tướng. Thủ tướng vào cuộc nhanh hơn, và sau khi nghiên cứu thấy sai thì ông sẽ đề nghị bỏ luôn. Chúng ta phải thử một vài trường hợp”.

Cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến của các doanh nghiệp về những khúc mắc trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết phí công đoàn 2% đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Ông đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không quy định trích nộp lên công đoàn cấp trên 35% từ khoản 2% kinh phí công đoàn hoặc chỉ quy định một tỷ lệ dưới 10%, số còn lại để lại cho công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống cho người lao động.

Ông Cẩm cũng khiếu nại về việc các doanh nghiệp kinh doanh bông phải mất tới ít nhất 10 ngày để thông quan bông nhập khẩu, từ việc phải gửi giấy phép kiểm dịch thực vật, làm thủ tục mở tờ khai,…

Trong khi đó, các doanh nghiệp làm hàng gia công may mặc thường phải nhập khẩu lông vũ/lông cáo/lông gấu đã qua xử lý để làm hàng jacket xuất khẩu. Những mặt hàng này đã có kiểm dịch động vật và C/O từ phía nước xuất khẩu khi xuất hàng.

Khi hàng về Việt Nam, họ phải xin kiểm dịch động vật từ cục thú y, đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu nhập và xin giám định sinh thái tên gọi, tên khoa học, gửi mẫu lên Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để xác định chủng loại. Thời gian hoàn thiện thủ tục lấy được hàng mất khoảng 10-15 ngày.

“Những vướng mắc này chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan liên quan, song  tình trạng này vẫn đang tồn tại”, ông Cẩm nói.

Ông Nguyễn Sơn, đại diện Hiệp hội bông sợi, cho biết, năm 2015 các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông về sản xuất, trong số đó khoảng 35% bị lấy mẫu kiểm tra.

Ông nói, các danh nghiệp chi hàng chục tỉ đồng cho việc kiểm tra, và hàng ngàn người ra cảng xin làm thủ tục kiểm dịch, chờ lấy mẫu. Công đoạn này mất khoảng một tuần.

“Đây là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Vì sao chúng ta không ap dụng chế độ công nhận lẫn nhau. Mỹ đã công nhận rồi thì ta không kiểm tra nữa”, ông Sơn nói. “Các doanh nghiệp chúng tôi sợ hãi, và kinh hoàng với những thủ tục như vậy”.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận xét, các cơ quan nhà nước đã mắc bệnh nghiện kiểm tra. Ông nói: “Kiểm tra phải có gì hấp dẫn thế họ mới đi kiểm tra, mới nghiện. Nghiện rồi thì khó sửa lắm. Phải có bàn tay bác sĩ của anh Lê Mạnh Hà ở đây. Phải bắt buộc họ cai nghiện”.

CIEM trích dẫn xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2016 cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang còn kém so với các quốc gia trong khu vực.

Chẳng hạn, tỷ lệ thuế và bảo hiểm xã hội/lợi nhuận là 39,4%, là mức cao trong khu vực. Trong số đó, bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp chiếm 24,8%; thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển nhượng là 14,5%; thuế khác là 0,1%.

Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản tăng thêm một thủ tục (từ 4 lên 5 thủ tục); tốn nhiều thời gian (57,5 ngày), nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN, và còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu của Nghị quyết 19 (14 ngày).

Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng chưa được rút ngắn (vẫn là 400 ngày), còn khá xa mục tiêu của Nghị quyết (200 ngày); thứ hạng chỉ số này trên Philippines, nhưng dưới ba nước Singapore, Malaysia và Thái Lan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới