Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị hạ thuế dịch vụ nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề nghị hạ thuế dịch vụ nông nghiệp

Thu hoạch lúa – Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Việc Chính phủ đề xuất mức thuế suất xuất khẩu khoáng sản thô là 0% và tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) một số hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp từ 5% lên 10% đã không được các đại biểu Quốc hội đồng tình, trong phiên thảo luận tại hội trường về hai luật thuế (ngày 15-5).

Hạn chế xuất khẩu khoáng sản bằng đánh thuế

Để khuyến khích xuất khẩu, dự Luật thuế GTGT sửa đổi đề nghị mức thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu. Thay đổi này nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội vì việc khuyến khích xuất khẩu bằng cách hạ thuế xuống mức thấp nhất là cần thiết để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, giảm nhập siêu. Nhưng rất nhiều ý kiến tập trung đã không đồng tình với việc đưa cả mặt hàng khoáng sản chưa chế biến (còn gọi là khoáng sản thô) vào diện không đánh thuế xuất khẩu như các mặt hàng khác.

“Chủ trương của Nhà nước là hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô, điều này phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới để quản lý và không khuyến khích, tiến tới hạn chế. Tôi đề nghị chuyển nhóm đối tượng này sang diện chịu thuế với mức thuế suất hợp lý”, bà Bùi Thị Hoà (Đắc Nông) nói.

Còn ông Trần Đình Long (Đắc Lắc) cho rằng, không có lý do gì để khuyến khích xuất khẩu ở lĩnh vực này như các ngành nghề khác. Ông Long lo nếu thuế xuất khẩu cho khoáng sản thô là 0%, nghĩa là các doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản được hoàn thuế GTGT và đồng nghĩa với việc làm lợi cho mặt hàng cần phải hạn chế này.

Một đại biểu khác từ Phú Thọ, ông Vi Trọng Lễ đã thuyết phục Quốc hội đánh mạnh thuế xuất khẩu khoáng sản bằng một phân tích chi tiết: “Khi xây dựng Luật thuế GTGT năm 1997, tình hình khai thác chế biến xuất khẩu khoáng sản chưa ồ ạt như hiện nay. Điều đó chứng tỏ việc khai thác cũng như xuất khẩu nguồn tài nguyên này mang lại lợi nhuận cao. Đó là lý do phải đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế nhằm giảm tình hình khai thác và xuất khẩu tài nguyên ồ ạt, trái phép như hiện tại”.    

Hạ thuế dịch vụ, hàng hóa cho sản xuất nông nghiệp

Dự Luật sửa đổi thế nào cũng không nên làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập cho nông dân trong điều kiện đại bộ phận nông dân đang gặp khó khăn. Nhà nước nên dùng công cụ thuế như một biểu hiện của chính sách ưu đãi cho nhóm đối tượng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, khi thẩm tra dự Luật thuế GTGT sửa đổi, đa số ý kiến trong Ủy ban này không tán thành quan điểm áp dụng thuế suất 0% hoặc 5% đối với các sản phẩm nông nghiệp vì bốn lý do: các chủ thể kinh doanh là nông dân, mua bán các sản phẩm nông nghiệp chưa dựa trên chế độ sổ sách,chứng từ đầy đủ nên không đủ cơ sở pháp lý để hoàn thuế.

Việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với sản phẩm nông nghiệp lại làm tăng nghĩa vụ thuế đối với đối tượng sản xuất này trong khi đầu vào chi phí cho sản xuất chiếm đến 60%. Nếu cho phép các hộ nông dân được khấu trừ một tỷ lệ nhất định như đối với một số doanh nghiệp trước đây có thể tạo nên kẽ hở trong việc hoàn thuế, thất thu ngân sách. Hơn nữa, việc quy định sản phẩm nông nghiệp chịu mức thuế suất 0% là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước khác chỉ áp mức thuế này cho hàng xuất khẩu). Tóm lại, dự Luật sửa đổi thế nào cũng không nên làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập cho nông dân trong điều kiện đại bộ phận nông dân đang gặp khó khăn. Nhà nước nên dùng công cụ thuế như một biểu hiện của chính sách ưu đãi cho nhóm đối tượng này.

Trong các bài phát biểu trên hội trường, hầu hết các đại biểu đều tán thành với việc giảm thuế hoặc không thu thuế đối với một số hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp: “Dự thảo Luật ghi: máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp chịu thuế suất 10%, theo tôi là không hợp lý, nên để ở mức 5% nhằm khuyến khích sản xuất, tăng sức cạnh tranh và tăng thu nhập cho người nông dân”, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và nhiều ý kiến khác nữa cùng đề nghị.

Ông Tấn còn nói rằng, trong tình cảnh người nông dân còn bỡ ngỡ trước quá trình hội nhập kinh tế và những lợi ích đem đến cho họ chưa rõ ràng, trong khi những tác động vây quanh họ như giá cả vật tư tăng hoặc thị trường tiêu thụ bấp bênh, thì người nông dân luôn chịu bất lợi trong sản xuất như luôn bị thiên tai, dịch bệnh đe doạ và lại không chủ động quyết định được sản phẩm của mình làm ra, hoàn toàn lệ thuộc vào giá cả thị trường và các thành phần kinh tế khác. Hơn nữa đại bộ phận những người làm nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, đất đai canh tác phân tán thì việc duy trì mức thuế suất 5% sẽ làm cho đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn hơn. “Như vậy nhóm dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp mà chịu thuế 5% là bất hợp lý”, ông Tấn không đồng tình.

Một số đại biểu khác cũng đề nghị đưa nhóm hàng hóa nhập khẩu và thiết bị máy móc, phương tiện vận tải làm tài sản cố định của doanh nghiệp, vật tư trong nước chưa sản xuất được từ 0% thuế GTGT lên 10% là không phù hợp vì điều sửa đổi này gây khó khăn cho nguồn vốn của doanh nghiệp. Ông Bình lấy ví dụ khi doanh nghiệp đầu tư một dây chuyền 100 tỉ đồng, đến nay sẽ thành 110 tỉ đồng vì có 10% thuế. “Ở Việt Nam sau khi đã cam kết gia nhập WTO,  thời gian đến gần, nếu làm như vậy không thúc đẩy sản xuất và không nuôi được nguồn thu”, ông nói.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới