Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị lập hàng rào kỹ thuật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề nghị lập hàng rào kỹ thuật

Minh Tâm (ghi)

Đề nghị lập hàng rào kỹ thuật
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: M.T

(TBKTSG Online) – Từ nay đến năm 2015, theo cam kết trong 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết song phương và theo khu vực, Việt Nam sẽ phải giảm dần thuế suất thuế nhập khẩu hàng ngàn mặt hàng về 0-5%, trong đó chủ yếu là 0%, mở cửa thị trường để hàng hóa nước ngoài tràn vào. Đây sẽ là một mối lo lớn của nền kinh tế khi hàng rào kỹ thuật chưa hoàn thiện, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hạn chế và các chính sách cải cách, thể chế chưa song hành.

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại buổi nói chuyện về chủ đề “Hiệp định thương mại ASEAN 2015, những điều cần biết và cần làm” do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức mới đây.

Theo bà Chi Lan, với các FTA giữa Việt Nam với các nước ASEAN, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN-Trung Quốc… mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa (trừ một số ít mặt hàng nhạy cảm) cao hơn nhiều cam kết trong WTO, mức thuế giảm nhiều hơn và độ mở thị trường lớn hơn khi 90% số dòng thuế về 0% vào năm 2015, số còn lại vào năm 2018. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng hóa từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc khi hiệp định ký với quốc gia này quy định giai đoạn 2011-2015 có tốc độ giảm thuế nhanh, sẽ tràn vào Việt Nam. Thực tế này đặt ra những thách thức gay gắt cho doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế nếu không có những sự chuẩn bị để nâng cao năng lực năng lực cạnh tranh. Bà Chi Lan nói rằng vẫn chưa hình dung ra cấu trúc nền kinh tế năm 2015 cũng như năm 2020 trong bối cảnh trên.

Thưa bà, bên cạnh những thách thức như bà vừa nói thì các FTA cũng đem lại những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi có thể đẩy mạnh xuất khẩu đi các nước có ký kết. Bà đánh giá thế nào về việc tận dụng các FTA hiện nay của doanh nghiệp?

Bà Phạm Chi Lan: Theo số liệu vừa được Bộ Công Thương công bố trong một hội thảo gần đây thì đã có khoảng 30% doanh nghiệp tận dụng được ưu thế thuế quan trong các FTA. Theo tôi, con số này có thể rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ở các nước ASEAN cũng vậy thôi, những người tận dụng giỏi nhất bao giờ cũng là các anh đầu tư nước ngoài, toàn là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo đánh giá của tôi, doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được các cơ hội do FTA mang lại. Bởi vì đà tăng xuất khẩu vẫn chủ yếu là các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và vẫn nhập khẩu lớn từ các nước ASEAN, Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc.

Vậy theo bà, để những lo ngại đó không thành sự thực thì cần làm gì?

– Thứ nhất, Nhà nước cần phải lập ra những hàng rào phi thuế quan. Chỉ có Nhà nước mới có quyền đưa ra những chuẩn để làm công cụ kiểm soát.

Nói đến hàng rào kỹ thuật, từ lâu các chuyên gia đã nhiều lần nói rằng phải làm sớm các hàng rào kỹ thuật. Thuế đã giảm, giấy phép cũng giảm thì cái còn lại là hàng rào kỹ thuật, mình không làm sẽ dại. Tuy nhiên, lúc bấy giờ các cơ quan chức năng như Bộ Khoa học và Công nghệ nói rằng nếu dựng hàng rào kỹ thuật cao thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không đáp ứng được. Còn nếu thấp thì hàng các nước sẽ tràn vào. Theo tôi, đâu thể nói như vậy được. Có thể tính toán cho hàng rào của từng ngày. Cứ mạnh dạn đưa ra chuẩn cao để các doanh nghiệp theo đó mà đáp ứng. Không thể cứ để tình trạng thỉnh thoảng lại dấy lên một vụ, hết nước tương nhiễm 3MCPD lại đến quần áo nhiễm chất độc hại…

Hiện tại, phải thừa nhận rằng chúng ta chưa có những hàng rào kỹ thuật tốt để ngăn chặn. Điều này theo tôi chỉ quy về chuyện thiếu trách nhiệm. Bản thân các bộ đi tham gia đàm phán về, tổ chức thực hiện như thế nào thì rất ít quan tâm.

Với chuyện hàng rào kỹ thuât, mỗi khi đụng chuyện, chất vấn là bộ này đẩy cho bộ kia, các cơ quan chức năng thì nói chờ, đang xây dựng… Bây giờ, vào thử các cổng thông tin về hàng rào kỹ thuật của các ngành sẽ thấy cực kỳ sơ sài. Nếu có thì rất chung chung, không áp dụng được. Trong khi các nước khác thì rất chi tiết, cụ thể, cho từng sản phẩm. Việc công bố cũng không được thực hiện đầy đủ nên doanh nghiệp càng khó tiếp cận.

Thứ hai, các nhà sản xuất cần tập trung nâng cao năng lực để tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng từ Trung Quốc.

Tôi nghĩ, doanh nghiệp cần lấy năm 2015 làm mốc để xác định mình muốn sống hay chết. Nếu đầu hàng thì đầu hàng luôn từ bây giờ, đỡ mất công hao tổn công sức. Còn nếu muốn thay đổi thì phải làm ngay.

Một vấn đề của nhiều doanh nghiệp chuyên về sản xuất hiện nay là vay ngắn hạn rồi đi đầu tư bất động sản, chứng khoán. Họ bị những kích thích của lợi nhuận ngắn hạn lôi kéo mà đi sai hướng. Đã đến lúc phải quay về với bến bờ của mình, bỏ đi những mơ mộng.

Xin cảm ơn bà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới