Đề nghị lùi thời gian thông qua dự luật đặc khu
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội đã đề nghị lùi thời gian, không thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại kỳ họp này. Thêm nữa các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát phòng cháy chữa cháy, bảo vệ trẻ em… tại phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 diễn ra vào ngày 7-6.
![]() |
Bà Triệu Thị Thu Phương, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 7-6. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu tại phiên thảo luận về nội dung trên, ông Thái Trường Giang, đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau nói, trong dự kiến năm 2019 chúng ta giám sát đất đai giai đoạn 2014-2018. Nếu được thì nên lồng ghép làm một chương trình giám sát ở 3 khu mà chuẩn bị thông qua đặc khu kinh tế. Vấn đề đất đai ở đó sử dụng chuyển đổi mục đích, giao dịch như thế nào để có cơ sở đánh giá kỹ vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
“Nếu được đề nghị giám sát vấn đề đó và để chặt chẽ thì Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chúng ta cần phải cân nhắc cẩn trọng, lùi thời gian không thông qua trong kỳ họp này. Tiến hành kiểm tra đất ở các khu đó và thông qua trong kỳ họp tới thì sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội đã thảo luận”, ông Giang nói.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được Quốc hội thảo luận ở hội trường lần cuối vào ngày 23-5, dự kiến biểu quyết thông qua vào 15-6.
Đề nghị giám sát về phòng cháy, chữa cháy
Còn bà Triệu Thị Thu Phương, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn thì đề nghị Quốc hội giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018. Vì bà Phương cho rằng, cùng tốc độ phát triển kinh tế – xã hội những năm qua đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô. Việc đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, xuất hiện ngày càng nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Việc sử dụng các nguồn năng lượng như xăng dầu, khí đốt, điện tăng mạnh kèm theo quá trình đô thị hóa nhiều khu chung cư, nhà cao tầng được xây dựng. Thời tiết biển đổi khó lường, nắng nóng khô hạn. Tình hình cháy nổ có chiều hướng gia tăng thiệt hại nhiều về người và tài sản.
“Theo thống kê 2 năm gần đây nhất cho thấy sự gia tăng các vụ cháy như năm 2016 cả nước xảy ra trên 3.000 vụ. Trong đó có trên 1.000 vụ cháy tại các cơ sở, trên 1.000 vụ cháy các nhà dân và 2.829 ha rừng và thiệu hại về tài sản trên 1.200 tỉ đồng. Năm 2017, cả nước đã xảy ra 4.100 vụ cháy và đã làm 119 người chết và 270 người bị thương và thiệt hại về tài sản là trên 2.000 tỉ đồng”, bà Phương nói.
Muốn giám sát đặc biệt về bạo hành và xâm hại trẻ em
Cũng góp ý về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, bà Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định cho rằng Quốc hội cần phải giám sát đặc biệt về vấn đề liên quan tới bạo hành và xâm hại trẻ em.
Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tính đến ngày 1-11-2017 ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp và con số này ngày càng gia tăng. Số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 84%.
“Về các giải pháp được đưa ra, qua theo dõi, trả lời chất vấn của các bộ trưởng, tôi thấy chủ yếu đó là công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em, tập trung xử lý các vụ việc một cách kịp thời. Theo tôi, nếu các giải pháp mới dừng lại ở mức như vậy sẽ không thực sự hiệu quả”, bà Phương nhấn mạnh.
Theo bà Phương, động thái mà Quốc hội cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi của trẻ em phải kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Do đó, để khắc phục, giải quyết vấn đề triệt để, đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.