Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị tạm giữ quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức để tránh ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai.

Cơ quan này cho biết việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, cẩn trọng, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.

“Các địa điểm quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cũng đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế, đồng thời nhận được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương”, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu.

Cũng theo báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác.

Đại diện Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giới thiệu mặt bằng thực hiện dự án. Ảnh: TTXVN

Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.

Về tác động xã hội, Uỷ ban Kinh tế cho biết công tác thông tin, tuyên truyền về dự án chưa đạt hiệu quả mong muốn, dẫn tới tình trạng người dân bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Ngoài ra, đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vẫn chưa được phê duyệt, dẫn đến đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Đồng thời khiến người dân chưa an tâm, ổn định sản xuất, gặp khó khăn trong thực hiện các quyền, hoạt động liên quan đến đất đai, từ đó dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai trong khu vực này.

Theo đó, nhân dân trong vùng dự án phải thu hồi đất phải trải qua thời gian dài chờ đợi, bị hạn chế quyền lợi, không được thực hiện các quyền về sử dụng đất trên mảnh đất của mình, gồm không được mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn, mở rộng sản xuất; có trường hợp là chủ sử dụng đất đã già yếu, qua đời nhưng không thể sang tên, tặng cho, thừa kế cho thế hệ sau; không được sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới nhà ở, công việc làm ăn, sản xuất bị ngưng trệ.

Ngoài ra, một số vướng mắc về thuế, chi phí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng chưa được xử lý.

Về định hướng trong thời gian tới, Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần có chủ trương của Đảng, từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất về việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kiến nghị của cơ quan này được đưa ra với cơ sở là việc Việt Nam đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bước đầu điều chỉnh lĩnh vực này và có nguồn nhân lực được đào tạo trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngoài ra, nước ta có quan hệ hợp tác với một số quốc gia, tổ chức quốc tế về năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, có cơ hội đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tiếp thu được những công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Theo Uỷ ban Kinh tế, việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân hay không thì Chính phủ cần sớm có phương án giải quyết thoả đáng, kịp thời để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống, quyền lợi cho người dân vùng dự án chịu ảnh hưởng.

Về nguồn vốn triển khai, Chính phủ có thể xem xét bố trí từ vốn trung ương còn lại chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoặc nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2021, sau đó trình Uỷ ban Thường vụ xem xét.

Trước đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 22-11-2016.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới