Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị tăng cường chính sách tài chính vĩ mô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề nghị tăng cường chính sách tài chính vĩ mô

(TBKTSG Online) – Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn để phát triển thị trường tài chính nhưng Chính phủ cần tăng cường những chính sách vĩ mô để tránh những khủng hoảng và rủi ro trong giai đoạn sắp tới.

Các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước đều nhận định như trên tại hội thảo do Bộ Tài chính và Euro Events (Hongkong) đồng tổ chức vào ngày 23-1, tại Hà Nội. Các chuyên gia còn cho rằng, sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đang có những cơ hội lớn nhưng cũng có những thách thức chưa thể lường trước. Vì thế, Chính phủ chỉ nên tập trung vào những cải cách mang tính cần thiết trước.  

Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), bà Lê Thị Băng Tâm nói rằng chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội, chương trình và vốn để đầu tư như thời điểm hiện tại.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Martin Rama nói rằng Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới với các nguyên tắc mới và các doanh nghiệp cần những điều kiện tốt hơn để phát triển. “Các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với rất nhiều thách thức khác nhau. Nhưng trước mắt Chính phủ chỉ nên tập trung vào những cải cách cần thiết để nền kinh tế có thể đạt những tăng trưởng về cả số lượng lẫn chất lượng”.

Ông Rama ví von rằng giống như việc đội mũ bảo hiểm, Việt Nam cần một chiếc mũ bảo hiểm cho nền kinh tế, không chỉ là ngắn hạn mà còn mang tính dài hạn. Vì thế, Chính phủ cần tăng cường những chính sách tài chính vĩ mô để tránh những khủng hoảng không đáng có, ông nói. 

Trong khi đó, ông Sin Foong Wong, Giám đốc quốc gia của IFC tại khu vực Đông Dương, nói rằng tất cả những chỉ số vĩ mô như vốn FDI, xuất khẩu, GDP, việc thị trường chứng khoán phát triển trước một đến hai năm… đặt vào bức tranh một năm sau khi Việt Nam vào WTO là rất tích cực. Theo ông Wong, một cuộc điều tra mới đây của IFC cho thấy, 90% những doanh nghiệp tại Việt Nam được hỏi họ nói sẽ mở rộng đầu tư và có những dự án mới trong một đến hai năm tới.

Nói chung, các doanh nghiệp đang có nhiều kỳ vọng tích cực và họ cũng đã có những cái nhìn dài hạn đối với việc tham gia “sân chơi” WTO, ông Wong nói, và bổ sung thêm rằng cuộc điều tra của IFC được tiến hành với các công ty trong nước, đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ. 

Theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng cần đặt ra là làm thế nào phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo tinh thần kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi hầu hết các doanh nghiệp vẫn thừa nhận còn những rào cản đi ngược lại với tinh thần WTO và việc của Chính phủ là cần gỡ bỏ những rào cản không cần thiết để doanh nghiệp an tâm. Những rào cản này đang tạo ra những thách thức cho sự phát triển của doanh nghiệp, như sự yếu kém về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, nguồn nhân lực yếu, các vấn đề về đất đai…

Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới sẽ có những cuộc đua mới giữa các doanh nghiệp niêm yết và cả nhà đầu tư. Do đó, Chính phủ, thông qua các biện pháp quản lý cần cân bằng được giữa cung và cầu cho thị trường này.

HỒNG PHÚC 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới