Đề nghị theo dõi tác động lạm phát lên người nghèo
Phi Tuấn
TBKTSG Online – Chính phủ Việt Nam cần phải theo dõi chặt chẽ các tác động của lạm phát và tình trạng bất ổn định kinh tế vĩ mô đối với người nghèo, trong đó có những người lao động trong những ngành nghề dễ bị tác động nhất.
Đây là ý kiến của ông John Hendra, Điều phối viên Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, trong buổi gặp gỡ với báo chí nhân dịp ông rời Việt Nam sau năm năm làm việc, để nhận nhiệm vụ mới.
Theo ông Hendra, do một số chính sách giảm nghèo và trợ cấp xã hội được cấp kinh phí từ chi ngân sách thường xuyên nên việc cắt giảm 10% ngân sách dành cho các chính sách này, vốn sẽ tác động trực tiếp đến người nghèo, cần phải cụ thể chứ không nên chung chung.
Ông cho biết người nghèo cả đô thị lẫn nông thôn đang là đối tượng chịu tác động trực tiếp của lạm phát, và đang gặp rất nhiều khó khăn trước tình hình giá cả thực phẩm cùng với chi phí điện và nhiên liệu tăng cao.
Dù đánh giá cao các tác động tích cực của Nghị quyết 11 của chính phủ, nhưng theo ông, quyết định cắt giảm dần trợ cấp cho ngành năng lượng tại nghị quyết này sẽ chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng người nghèo bị tác động, và về lâu dài, lạm phát có khả năng sẽ khiến cho nhiều hộ gia đình quay trở lại tình trạng nghèo.
Ông lấy ví dụ, các nghiên cứu về tác động của lạm phát cao trong năm 2008 – khi tỷ lệ lạm phát tăng cao đến 19,9% – cho thấy tỷ lệ nghèo đã tăng thêm 2,1%. Tỷ lệ nghèo giảm chậm trong các năm 2006 – 2008 (chỉ giảm được 1,5%) so với 3,5% trong các năm 2004 – 2006 và 19,5% trong các năm 2002 – 2004, một phần lớn là do lạm phát cao trong năm 2008.
“Nếu chúng ta tiếp tục chứng kiến lạm phát kéo dài và tốc độ tăng trưởng thấp hơn thì Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng phải đối mặt lần nữa với tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao như đã từng xảy ra tại cuộc khủng hoảng tài chính gần đây”, ông Hendra nói.
Ông Hendra quan ngại rằng dù các sáng kiến như trợ cấp cho người nghèo nhằm trang trải chi phí điện sinh hoạt là “rất đáng khen ngợi”, nhưng “có thể không đến được với những đối tượng cần được hỗ trợ nhất”, bởi lẽ người di cư nghèo không có đăng ký nhân khẩu thường trú, do đó không thuộc diện được hưởng những lợi ích này.