Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị tiếp tục xuất khẩu gạo  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề nghị tiếp tục xuất khẩu gạo  

Vận chuyển gạo vào kho chứa – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Nỗi lo về cơn sốt gạo vừa được bình ổn thì các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đề xuất Chính phủ cho tham gia đấu thầu xuất khẩu gạo sang Philippines vào đầu tháng 5 tới đây.  

Kho đầy gạo, thị trường ổn định trở lại

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết các công ty thành viên của hiệp hội tại ĐBSCL đã huy động tất cả các phương tiện vận tải để chở gạo lên TPHCM từ ngày 27-4 và đến sáng ngày 29-4, tất cả các kho chứa gạo của thành phố đều đã đầy ắp.  

“Đến 23 giờ ngày 28-4, tình hình gạo tại TPHCM đã ổn định hoàn toàn”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết khi mở đầu buổi họp tổng kết tình hình biến động của thị trường gạo từ ngày 25 đến 27-4 vừa qua.  

Ông cũng khẳng định không hề có chuyện thiếu gạo. Một ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 200 tấn gạo, trong khi số gạo hiện tại trong kho của Xí nghiệp lương thực Sài Gòn-Satake là 9.000 tấn. Như vậy, chỉ riêng mỗi kho này cũng đã đủ gạo cho thành phố sử dụng trong một tháng rưỡi.  

Các tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang,… đều đã bình ổn thị trường gạo bằng nhiều biện pháp, các kho chứa gạo được mở ra bán cho người dân kể cả ngày lễ 30-4 và 1-5 với giá quy định của VFA và Vinafood 2.

Tình trạng giá gạo tăng cao và bất ổn trong mấy ngày qua, theo ông Phạm Văn Được, Tổng giám đốc Công ty Thương nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp Đồng Tháp (Docimexco), xuất phát từ nhu cầu về gạo của thế giới tăng, dẫn đến giá gạo thế giới tăng cao chóng mặt. Còn ở trong nước, giá vật tư phục vụ nông nghiệp như phân bón tăng gần gấp đôi so với cuối năm ngoái. 

Ông Được cũng nhấn mạnh, về góc độ vĩ mô là do buông lỏng thị trường lương thực nội địa, chưa quản lý chặt chuỗi tiêu thụ gạo trong nước, phân chỉ tiêu cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vượt quá năng lực thực sự dẫn đến tình trạng họ tranh nhau mua gạo của nông dân bằng mọi giá và hệ thống kho dự trữ, phân phối gạo nội địa quá kém.  

Ông Trương Thanh Phong cũng bổ sung thêm đó là hậu quả của việc lấy đất nông nghiệp làm sân gôn, khu công nghiệp, đô thị hóa, khiến quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp mạnh.  

Đề nghị cho đấu thầu xuất khẩu gạo  

Nông dân trúng mùa lúa là điều kiện để các doanh nghiệp đề nghị cho xuất khẩu trở lại – Ảnh: TL

Vinafood 2 đang đề nghị Chính phủ cho phép tham gia dự thầu cung cấp gạo cho Philippines vào tháng 5-2008 vì doanh nghiệp này cho rằng hoàn toàn đủ khả năng về gạo và giá gạo thế giới đang ở mức cao so với các năm trước nên sẽ thu được nhiều lợi nhuận. Dự kiến, xuất khẩu gạo năm nay đạt từ 3,5 đến 4 triệu tấn nhưng các doanh nghiệp hội viên của VFA lại cho rằng, lượng gạo năm nay thừa sức vượt chỉ tiêu này do nông dân trúng mùa sản xuất lúa đông-xuân.  

Đồng thời họ cũng đảm bảo ổn định thị trường gạo nội địa khi mà VFA cho biết lượng gạo còn tồn kho 1,2 triệu tấn và ĐBSCL, vựa lúa của cả nước sắp bước vào thu hoạch lúa hè-thu.  

Ông Nguyễn Đăng Chi, Vụ phó Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hứa sẽ xem xét kiến nghị của Vinafood 2 và các thành viên và không để cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chịu thiệt.  

Để tránh lặp lại hiện tượng bất ổn giá gạo như những ngày qua, ông Trương Thanh Phong cũng đã đề xuất Chính phủ nên đưa gạo vào danh mục niêm yết giá, bỏ mức thuế 5% VAT (thuế giá trị gia tăng) khi buôn bán gạo ở thị trường nội địa, đây là nguyên nhân làm cho các cửa hàng gạo quốc doanh bị thu hẹp, góp phần làm tình trạng bất ổn trong mấy ngày qua.  

Tâm trạng lo lắng không còn hiện hữu trên gương mặt của các giám đốc doanh nghiệp kinh doanh gạo, thay vào đó, nhiều doanh nghiệp nghĩ đến xuất khẩu gạo với giá cao.  

ĐỔ NGỌC KHOA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới