Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị trưng cầu ý kiến nhân dân về dự án đường sắt cao tốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề nghị trưng cầu ý kiến nhân dân về dự án đường sắt cao tốc

Ngọc Lan

Các đại biểu Quốc hội còn tiếp tục đưa ra những ý kiến khác nhau để góp ý cho dự án ĐSCT Hà Nội-TPHCM .Ảnh:N.L

(TBKTSG Online) Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự lo ngại do thiếu thông tin về nhiều mặt để đi đến việc có biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội-TPHCM hay không. Có ý kiến đề nghị trưng cầu ý kiến nhân dân về dự án này vì tính chất dự án trải dài từ Bắc đến Nam, ảnh hưởng đến rất nhiều địa phương.

Người đề xuất việc trưng cầu ý kiến nhân dân là đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội). Tại phiên thảo luận tổ đầu tiên trong kỳ họp Quốc hội hôm nay 21-5 về dự án, ông Hà cho rằng cần những đánh giá tổng thể về nhu cầu vận tải nói chung hiện tại và tương lai, năng lực đáp ứng của các ngành vận tải hiện có và đang được Nhà nước tiếp tục đầu tư mạnh như hệ thống quốc lộ, đường thủy, đường hàng không… mới biết được nhu cầu vận tải bằng đường sắt sẽ được “san sẻ” ra sao trong tương lai.

Ông cũng cho rằng, dù Ủy ban Khoa học-công nghệ và môi trường Quốc hội và những ủy ban có liên quan đã có những thẩm tra chi tiết nhưng Quốc hội vẫn cần nhận được những thẩm tra sâu hơn nữa để đánh giá được rộng hơn sức tác động tổng thể của dự án. “Tôi nghĩ rất cần thiết trưng cầu ý kiến nhân dân ở mọi miền đất nước, nhất là người dân ở các vùng có dự án đi qua ”, ông nói.

“Từ nay đến năm 2020, riêng ngành giao thông vận tải, trong đó có ngành đường sắt, cần vốn đầu tư hơn 8 tỉ đô la/năm. Đó là một số tiền đầu tư rất lớn, một gánh nặng ngân sách khiến cho chúng tôi băn khoăn về các phương án vay trả, về hiệu quả của dự án”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền nói tiếp lời ông Hà.

Còn hai nữ đại biểu khác đã đưa ra những thông tin nhiều chiều liên quan đến dự án để các đại biểu có thêm thông tin. Bà Trần Thị Khánh (Hà Nội) cầm vào buổi thảo luận một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại nguồn của một tờ báo Nhật, nói rằng việc đang tham gia vào quá trình soạn thảo dự án ĐSCT là việc quan trọng đối với các Tập đoàn công nghiệp lớn ở Nhật Bản. Việc này (nếu thành hiện thực) và “tiêu tốn” tới gần 60% GDP của Việt Nam, là một cơ hội để các doanh nghiệp Nhật xuất khẩu công nghệ hiện đại ra nước ngoài . Hơn nữa, dự án ĐSCT nếu có sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật sẽ là tiền đề rất tốt để xây nền móng cho việc tham gia trúng thầu các dự án hạ hầng, cảng biển và nhà máy điện hạt nhân mà Việt Nam đang tích cực đầu tư. “Tất nhiên chúng ta hợp tác quốc tế trên cơ sở hai bên cùng có lợi nhưng việc cân nhắc lợi ích tổng thể của các bên liên quan là rất cần thiết, không nên để riêng bên nào có lợi”, bà Khánh nêu quan điểm.

Còn đại biểu Phạm Thị Loan phân tích một dự án ĐSCT tương tự đã được xây dựng ở Đài Loan với sự hợp tác của các chuyên gia tư vấn Nhật Bản. Bà nói rằng, Đài Loan khi muốn đầu tư dự án ĐSCT mang tên Sinkasen ban đầu định dùng vốn vay ODA của Nhật Bản. Phương án thiết kế mà phía Nhật đưa ra cho thấy tổng vốn đầu tư cho tuyến đường dài 345 km là khoảng 27 tỉ đô la Mỹ. Số vốn đó khiến lãnh đạo Đài Loan cân nhắc. Sau đó, theo lời kể của bà thì Đài Loan đã quyết định chuyển sang đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), giá trị dự án xuống còn 16 tỉ đô la. Nhờ mô hình hợp tác này, các hệ thống hạ tầng “ăn theo” ĐSCT đã được khai thác tối đa khiến cho thời gian thu hồi vốn dự án đã rút ngắn được 1/3 so với dự tính. Bà cho rằng mô hình PPP là thích hợp nhất nếu xây dựng dự án ĐSCT, chứ không phải dùng vốn ODA hay các nguồn ngân sách khác làm tăng gánh nặng nợ nần của quốc gia.

“Nhưng quan trọng nhất muốn làm theo cách PPP thì Chính phủ phải có các khung pháp lý về PPP thì nhà đầu tư mới tin tưởng vào tính pháp lý của dự án và hiệu quả đầu tư.Nếu không có các điều kiện pháp lý về hợp tác PPP, kinh doanh đổi đất lấy hạ tầng và các điều kiện ưu đãi khác, việc huy động vốn nước ngoài cho dự án cũng không dễ dàng gì”, bà Loan nhận định.

Quốc hội sẽ còn tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới