Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị WHO cẩn trọng trước khi công bố đại dịch cúm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đề nghị WHO cẩn trọng trước khi công bố đại dịch cúm

Huỳnh Hoa

Phần lớn trong 170 ca nhiễm cúm A/H1N1 ở Nhật là học sinh. Ảnh AP

(TBKTSG Online) – Nhiều nước đang thúc giục Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thay đổi tiêu chí xác định và tuyên bố đại dịch theo hướng phải quan tâm tới mức độ gây tử vong thay vì chỉ tập trung vào mức độ lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.

Theo bảng cấp độ cảnh báo dịch của WHO, một nạn dịch được coi là đại dịch và được báo động ở cấp 6, cấp cao nhất, khi có sự lây lan của virus trong cộng đồng (lây từ con người sang con người) ở hai khu vực khác nhau trên thế giới. Đối chiếu với tiêu chí này, dịch cúm A/H1N1 hiện đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng ở hai khu vực Bắc Mỹ và Nhật Bản, cho nên giới chuyên môn cho rằng, WHO sẽ nâng mức báo động từ cấp 5 hiện nay lên cấp 6 trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, lo sợ việc công bố đại dịch sẽ gây hoảng loạn trong dân chúng và tàn phá nền kinh tế, các nước Anh, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác hôm qua yêu cầu Tổ chức Y tế thế giới phải hết sức cẩn trọng trước khi quyết định nâng mức báo động. Theo hãng tin AP, cơ sở lập luận của các nước này là việc công bố đại dịch sẽ gây ra những hậu quả hết sức rủi ro và tốn kém, chẳng hạn như phải chuyển từ việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh cúm thông thường sang vắc-xin phòng đại dịch mà hiện nay chưa sản xuất được, mặc dù cho đến nay virus H1N1 tỏ ra “khá hiền lành”.

Việc công bố đại dịch có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, kích hoạt những chính sách hạn chế thương mại và hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, tăng cường kiểm dịch và thanh lọc ở các sân bay. Công chúng có thể hoảng loạn khiến cho các hoạt động xã hội bị đình trệ, hệ thống y tế nhiều quốc gia sẽ bị quá tải vì người dân đổ xô đi tìm phương cách tự bảo vệ mình. Những biện pháp quá đáng như tiêu hủy đàn heo, như từng xảy ra ở Ai Cập, sẽ được thực thi cho dù không có cơ sở khoa học nào.

Mexico, nước chịu nhiều tử vong nhất và cơ bản đã dừng mọi hoạt động kinh tế trong mấy ngày để đối phó với dịch cúm A/H1N1, cũng kêu gọi WHO xem xét lại các tiêu chí xác định đại dịch. Bộ trưởng Y tế Mexico Jose Angel Cordova nói với báo chí: “Dân chúng không cần biết cấp 4, 5, 6 có nghĩa là gì; họ chỉ nghĩ rằng nâng cấp độ cảnh báo có nghĩa là tình hình đã tồi tệ hơn”.

Việc công bố đại dịch có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, kích hoạt những chính sách hạn chế thương mại và hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, tăng cường kiểm dịch và thanh lọc ở các sân bay. Công chúng có thể hoảng loạn khiến cho các hoạt động xã hội bị đình trệ, hệ thống y tế nhiều quốc gia sẽ bị quá tải vì người dân đổ xô đi tìm phương cách tự bảo vệ mình.

Tổng giám đốc của WHO, bà Margaret Chan, cảnh báo rằng virus H1N1 có thể là mối đe dọa chết người cho nhân loại cho dù mức độ tử vong hiện nay tương đối thấp: 76 người chết trong tổng số 8.829 ca bệnh được xác nhận tại 40 quốc gia, kể cả Hy Lạp là nước phát hiện ca nhiễm cúm đầu tiên vào hôm qua thứ Hai 18-5. “Virus này có thể cho chúng ta một thời gian ân hạn nhưng chúng ta không biết giai đoạn này kéo dài bao lâu. Không ai có thể khẳng định, lúc này có phải là thời gian tĩnh lặng trước cơn bão hay không”, bà Chan nói.

Hôm nay Nhật Bản xác nhận số người nhiễm cúm tăng vọt từ 4 trường hợp vào thứ Sáu tuần trước lên 170 trường hợp hiện nay. Hai nước Anh và Tây Ban Nha có số người nhiễm cúm cao nhất châu Âu, 103 và 101 trường hợp.

Bà Margaret Chan của WHO thì lo ngại virus H1N1 có thể kết hợp với virus cúm gia cầm H5N1 mà hiện chưa có dấu hiệu lây lan từ người sang người. Tuy WHO chưa đưa ra dấu hiệu bắt đầu sản xuất vắc-xin phòng cúm ở cấp độ đại dịch nhưng theo bà Chan các nước nên sử dụng kho thuốc dự trữ một cách khôn ngoan. Hai loại thuốc chống cúm phổ biến, Tamiflu và Relenza, vẫn có công dụng chống lại virus H1N1.

Hôm nay thứ Ba 19-5 Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-mon cùng với bà Margaret Chan sẽ có cuộc họp riêng với lãnh đạo các công ty dược phẩm quốc tế để thảo luận biện pháp sản xuất và cung cấp vắc-xin  cho từng nước trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới