Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để người nông dân bớt thua thiệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để người nông dân bớt thua thiệt

Nông dân – người trực tiếp sản xuất lúa gạo phải được hưởng ích lợi tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước – Ảnh: Lê Toàn.

LTS: Sau khi đọc bài viết “Trăm đường thua thiệt“, bạn đọc Lê Bách Khả đã gửi ý kiến chia sẻ về tình cảnh người nông dân, những người góp phần không nhỏ tạo ra của cải cho xã hội nhưng có thu nhập thấp nhất; đồng thời nêu suy nghĩ của mình về phát triển nông nghiệp trong định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này:  

Ngay từ khi học cấp một, chúng ta đã được nghe nhiều về “đất nước ta rừng vàng, biển bạc”. Chi tiết hơn, hầu như ai cũng có thể thấy ưu thế của nước ta:

– Bờ biển đẹp, dài trong vùng biển ấm: tiềm năng du lịch, tiềm năng thủy hải sản dồi dào, khả năng khai thác cảng trung chuyển tốt;

– Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, ít thiên tai: vựa lúa của khu vực và là nơi có tiềm năng lớn về thủy sản, cây ăn trái;

– Vùng miền Đông và Tây Nguyên màu mỡ có tiềm năng lâm nghiệp, cây công nghiệp và cà phê.

Rõ ràng ưu thế chính của chúng ta nằm ở nông-lâm-ngư nghiệp và du lịch.  

Làm sao khai thác được thiên nhiên giàu có ở nước ta để làm “dân giàu, nước mạnh”? Tôi mong đóng góp vài ý kiến về phương diện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

Mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và “chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ” dường như đã bị chúng ta hiểu sai. Khi nói đến công nghiệp hóa, dường như chúng ta chỉ nghĩ đến việc lấp ruộng đồng, làm nhà máy sản xuất ô tô, sản xuất cơ khí, hóa chất… là những thứ ta đi sau thế giới, ưu thế cạnh tranh chưa rõ ràng trong khi ta bỏ đi lợi thế so sánh của ta trong sản xuất nông nghiệp và du lịch. Ta cứ nhìn vào mô hình “kỳ tích sông Hàn”, “kỳ tích Thái Lan” mà quên phát huy “kỳ tích sản xuất gạo ở đồng bằng sông Cửu Long” của chính chúng ta.  

Nói về công nghiệp hóa, tôi còn nhớ bài học trong môn kinh tế chính trị: “không phải xem ta sản xuất được gì mà phải xem ta sản xuất nó như thế nào”. Sản phẩm của chúng ta không nhất thiết phải là chiếc ô tô, ti vi… mới gọi là công nghiệp hóa. Sản phẩm của chúng ta có thể chính là lúa gạo, thủy sản, cà phê… là những sản vật mà nước ta có ưu thế, được sản xuất công nghiệp hóa bằng cách cơ giới hóa, tự động hóa, giảm sức lao động của nông dân, sản xuất có quy trình khoa học, sử dụng tài nguyên hợp lý, tạo sản phẩm có chất lượng ổn định, có giá trị thương phẩm cao.

Du lịch tự nó là một ngành dịch vụ, cũng có thể được “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” bằng cách tổ chức bài bản, thống nhất hơn, tránh tình trạng manh mún, “xé nát” thiên nhiên, cuối cùng đánh mất sự thu hút đối với khách du lịch.  

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta nên phát huy từ một nền nông nghiệp vững mạnh. Tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong nền kinh tế không phải bằng cách cắt xén lợi nhuận của nông nghiệp làm giá trị gia tăng cho mình. Công nghiệp và dịch vụ phải tạo giá trị tăng thêm của chính mình trên nền giá trị nông nghiệp.

Một ví dụ rất đời thường: thủy sản, rau quả đưa về thành phố qua nhiều tầng, nấc, mỗi khâu “xén một khúc” chi phí, tỷ lệ hao hụt cao, phần còn lại ít nhiều bị hư hỏng, giá trị thương phẩm kém, người kinh doanh sẽ quay lại ép giá nhà sản xuất để bù vào hao hụt. Thay vì thế, ngành công nghiệp cần có phương pháp thu hoạch hợp lý, bảo quản thích đáng tại chỗ để giảm hư hỏng; ngành dịch vụ vận tải cần cải tiến để đưa nhanh chóng sản phẩm về nơi chế biến hoặc nơi tiêu thụ trong tình trạng tươi mới để từng sản phẩm làm ra đều được bảo quản tốt, ít hao phí tài nguyên thiên nhiên và đến tay người dùng với giá trị cao.

Có thể so sánh dễ dàng hai hình ảnh: rau cải của ta giá tại vườn thấp, nông dân muốn có thu nhập phải cố trồng cho nhiều, nhưng khâu chế biến, vận chuyển và bảo quản chưa tốt, một lượng lớn bị thải loại ngay tại các chợ thành rác, phần đến tay người tiêu dùng giá trị cũng không cao trong khi táo Úc hoặc cam Mỹ, từng trái được bao bì cẩn thận, đến tay người dùng với giá trị cao. Tại sao công nghiệp của ta không được ứng dụng để tạo giá trị theo cách này? Tại sao dịch vụ vận tải bên ta không nghiên cứu dùng thủy phi cơ vận tải vốn hoạt động thuận lợi trên biển và trên sông rạch chằng chịt ở đồng bằng sông Cửu Long để thu gom và vận chuyển hàng nông-hải sản một cách nhanh chóng?

Ngành dịch vụ nghiên cứu khoa học có thể tạo ra giá trị to lớn từ các giống năng suất cao, hương vị đặc biệt, kháng sâu bệnh tốt, dùng ít phân bón và hoá chất bảo vệ thực vật. Các dịch vụ thông tin thị trường, ngân hàng… hoàn toàn có thể đóng góp giá trị cộng thêm của mình bằng các dự báo thị trường, các dịch vụ tài chính… giúp người dân có thể bán hàng đúng thời điểm giá tốt và giao dịch thuận lợi.  

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới dần dần cạn kiệt, dầu thô ngày càng khan hiếm, các ngành công nghiệp tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng sẽ đứng trước khó khăn lớn. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp này sẽ khó giữ được nhịp độ phát triển về lâu về dài. Để tiếp tục phát triển, họ phải đầu tư ra nước khác, chính là một hình thức đến khai thác tài nguyên, khai thác lao động, khai thác sự lỏng lẻo về quản lý môi trường của nước tiếp nhận đầu tư.

Trong khi đó, sản phẩm nông lâm ngư nghiệp được sản sinh liên tục từ thiên nhiên nếu ta khai thác hợp lý. Như vậy, nên chăng, ta tập trung đầu tư chiều sâu cho ngành nông-lâm-ngư nghiệp và thu hút, khuyến khích các công nghiệp, dịch vụ nâng giá trị cho các sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp? Ta cần giảm thiểu các công nghiệp ô nhiễm, công nghiệp khai thác thô tài nguyên thiên nhiên.

Trong bối cảnh diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp dần, đất sản xuất nông nghiệp dần trở thành nguồn tài nguyên càng ngày càng quí giá. Chúng ta đang sở hữu nguồn tài nguyên này, không nên chạy theo thành tích ngộ nhận trước mắt, lấp bỏ ruộng đồng để thành lập các nhà máy ô nhiễm để rồi chính chúng sẽ tàn phá nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.  

Mặt khác, lương thực là mặt hàng có hệ số co giãn cầu thấp trong khi các hàng tiêu dùng và xa xí phẩm có hệ số co giãn cao. Loài người có thể bớt đi ô tô, nhịn dùng hàng xa xỉ khi giá tăng nhưng không thể nào nhịn ăn. Ngành sản xuất lương thực tuy khi thăng khi trầm nhưng luôn là thiết yếu với nhân loại.  

Để thay lời kết, xin nêu một câu hỏi rất chân chất từ các ông “Hai lúa” trong bàn nhậu nhưng đáng để cho ta suy ngẫm: “Báo cứ đăng thế giới thiếu hụt lương thực mà sao người làm ra lương thực vẫn nghèo? Tại sao nông dân ta không bán được sản phẩm nông nghiệp trên thương trường thế giới với giá tốt và mua phăng ô tô từ nước khác về dùng rẻ hơn ô tô sản xuất trong nước?”  

Phải chăng ta đang vận dụng không đúng ưu thế cạnh tranh của mình?

LÊ BÁCH KHẢ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới