Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

TS. Nguyễn Minh Phong (*)

“Hàng Việt về nông thôn” thu hút tiểu thương và người tiêu dùng Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: Văn Trang.

(TBKTSG) – Ở đâu và thời nào cũng vậy, đối với những hàng hóa và dịch vụ thông thường, thì người tiêu dùng đầu tiên, nếu không nói là quan trọng nhất, phải là người tiêu dùng địa phương, trong nước. Vì thế khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chuyện đương nhiên.

Thế nhưng, người Việt Nam chỉ dùng hàng Việt Nam khi họ có thông tin đầy đủ về nguồn hàng, chất lượng và giá cả hàng hóa, cũng như khi họ được tiếp cận hệ thống dịch vụ phân phối hàng thuận tiện và tốt nhất có thể có trong so sánh với các hàng hóa ngoại nhập.

Trong bối cảnh mở cửa, người tiêu dùng có quyền rộng rãi hơn trong tiếp nhận thông tin và cơ hội lựa chọn các hàng hóa và nguồn cung cấp theo ý mình. Vì vậy, sẽ thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam mua hàng Việt Nam chỉ vì lòng yêu nước thuần túy khi với cùng giá cả tương đương nhau, mà chất lượng hàng nội quá kém, mẫu mã lại đơn điệu và các dịch vụ hậu mãi dường như không có.

Cũng thật khó cưỡng lại sức hấp dẫn của hàng ngoại nhập giá rẻ, dù chất lượng có thấp, nhưng “khuất mắt trông coi” và dù có dùng “cũng chưa chết ngay”, nhất là khi chúng lại có mẫu mã bắt mắt, với nhiều tiện ích gia tăng và tính năng độc đáo, lại được hỗ trợ bởi làn sóng quảng cáo từ nhiều tầng nấc và các pha “tuyệt chiêu” marketing chuyên nghiệp.

Hàng Việt Nam khó bán cho người Việt Nam khi dân ta không được cung cấp thông tin và được tổ chức để trở thành cộng đồng những người tiêu dùng thông minh, biết phân biệt các giá trị bên trong với các màu mè sặc sỡ bên ngoài. Không thể chối bỏ một thực tế là hiện có cả thế hệ người tiêu dùng mới, “sành điệu” nhưng “cả tin”, “cả thèm nhưng chóng chán”, với tâm lý sính ngoại và thói quen “khẳng định đẳng cấp” qua thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.

Hàng Việt Nam chỉ bán được cho người Việt Nam khi những người lao động và quản lý doanh nghiệp Việt Nam “đồng tâm hiệp lực” sản xuất ra hàng hóa một cách trân trọng, với chất lượng “như là làm cho mẹ mình dùng”, chứ không chạy theo lợi nhuận thuần túy và lợi ích ngắn hạn mà làm ăn tắc trách, dối lừa.

Khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ không dừng lại ở ý nghĩa chính trị thuần túy, mà trở thành thực tiễn kinh tế-xã hội sinh động, mang lại hiệu quả to lớn, toàn diện khi có sự hỗ trợ có tổ chức và thực chất của Nhà nước.

Sự hỗ trợ này không chỉ từ việc Nhà nước tạo mọi cơ hội nhằm làm tăng thu nhập của người tiêu dùng trong nước, mà còn từ việc làm tất cả để giảm bớt các chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa cho người Việt Nam.

Nhà nước cũng cần phát động và duy trì những cuộc vận động cấp quốc gia, trong khuôn khổ các cam kết hội nhập đã ký, nhằm tăng cường nhận thức, thói quen và thông tin về quy mô, chất lượng, giá cả và tính năng, cùng hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ rộng khắp, hiện đại và thuận lợi, cùng các điều kiện cung ứng và chăm sóc khách hàng khác từ phía các doanh nghiệp Việt Nam…

Nếu những điều trên được thực hiện tốt, thì nhất định sẽ đến một ngày người tiêu dùng Việt Nam coi hàng Việt Nam là sự lựa chọn đầu tiên của mình.

(*) Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới