Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để nông sản bớt phụ thuộc vào Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để nông sản bớt phụ thuộc vào Trung Quốc

Lê Hữu Đức

Để nông sản bớt phụ thuộc vào Trung Quốc
Dưa hấu sản xuất quá nhiều, đến khi Trung Quốc gây khó thì phải đổ bỏ. Ảnh thu hoạch dưa hấu ở ĐBSCL. Ảnh Trung Chánh.

(TBKTSG) – Trong những ngày gần đây giá của trụ cột dùng để trồng thanh long đã giảm đi một nửa. Đây là điều hiếm thấy ở Việt Nam trước đây. Hỏi mấy bác nông dân thì được biết họ lo lắng thanh long sẽ gặp phải tình cảnh giống dưa hấu cách đây vài tháng. Những chiếc xe tải chở dưa xếp hàng dài nhiều ki lô mét tại cửa khẩu biên giới phía Bắc để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, chờ lâu đến mức dưa bị hư, phải đổ bỏ.

Bản chất đằng sau của những câu chuyện được mùa mất giá của nông dân là gì? Tại sao hàng nông sản Việt Nam lại quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Giải pháp ở đâu?

Đối với một số loại hàng hóa nông sản thiết yếu, khi sản xuất đến một mức sản lượng nào đó thì càng sản xuất nhiều càng được lợi ít, thậm chí bị rơi vào tình trạng thua lỗ do đặc trưng những sản phẩm này là tốc độ giảm giá nhanh hơn là lượng tiêu thụ tăng thêm. 

Thế còn tại sao nông sản Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc trong khi đây là nơi có giá bán thấp nhất?

Khi chúng ta gia nhập WTO thì các nước không thể ngăn cản nông sản của ta vào thị trường họ thông qua hàng rào thuế quan. Họ sử dụng các biện pháp tinh vi hơn, trong đó có “hàng rào kỹ thuật”. Các hàng rào kỹ thuật này một phần là để bảo vệ người tiêu dùng nước sở tại nhưng một phần quan trọng khác là để bảo hộ nông dân nước đó. Hiệp hội của những người nông dân ở những nơi này rất mạnh và có tiếng nói ảnh hưởng lớn đến các chính trị gia – những người muốn có được phiếu bầu của họ.

Vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay không phải là sản xuất thật nhiều mà phải sản xuất với sản lượng phù hợp nhưng chất lượng cao, làm thương hiệu tốt.

Việt Nam đang sản xuất nông sản theo kiểu “mạnh ai nấy làm”: không theo những quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn chặt chẽ, không rõ xuất xứ, nguồn gốc… thì chủ yếu chỉ có thể được chấp nhận bởi thị trường Trung Quốc có trình độ sản xuất và tiêu dùng tương đương, tất nhiên là với giá thấp.

Bản thân người nông dân cũng muốn sản xuất ra hàng hóa chất lượng hơn, để bán được sang những thị trường khó tính, với giá cao, kiếm lời nhiều. Tuy nhiên, nếu không có một sự gắn kết hay ràng buộc nào giữa họ thì lý thuyết về thông tin bất cân xứng và thực tế đã chỉ ra rằng trên thị trường sẽ chỉ xuất hiện toàn những nông sản có chất lượng thấp. Để giải quyết hiện tượng này thì cần sự can thiệp của Chính phủ ở góc độ thể chế.

Thực tế tại một cơ sở ở một địa phương sản xuất thanh long lớn nhất nước ta cho thấy sản phẩm này được đóng gói dưới tên một doanh nghiệp của Đài Loan. Thật đau lòng khi bán một ki lô gam thanh long, người nông dân Việt Nam chỉ nhận được chưa đến một đô la Mỹ trong khi giá bán sản phẩm này ở thị trường các nước khó tính có thể lên đến trên dưới 22 đô la Mỹ. Những khâu mang lại giá trị gia tăng lớn nhất trong chuỗi giá trị này đều thuộc các công ty nước ngoài.

Một ví dụ khác, dù Brazil là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới nhưng trên thực tế, rất nhiều trong số đó có nguồn gốc từ Việt Nam.

Để tăng giá trị gia tăng trong từng sản phẩm bán ra, thứ nhất, chúng ta buộc phải phát triển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, đó là khâu chế biến và đặc biệt là xây dựng thương hiệu. Vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay không phải là sản xuất thật nhiều mà phải sản xuất với sản lượng phù hợp nhưng chất lượng cao, làm thương hiệu tốt và bán với giá cao ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Thứ hai, phải điều chỉnh các chính sách để tạo điều kiện phát triển hiệp hội ngành nghề. Hiệp hội có thể điều tiết được mức sản lượng bán ra trên thị trường để tối đa hóa lợi nhuận cho người nông dân và kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu ra để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

Tại Trung Quốc, hình thức các hội quán hay sự gắn kết dưới dạng các dòng họ đã giúp các thành viên tăng quyền lợi và kiểm soát được thị trường. Ở Việt Nam, vai trò của các hiệp hội ngành nghề rất mờ nhạt, chỉ mang tính hình thức. Các thành viên tham gia vào hiệp hội không được lợi ích gì, cũng không bị trừng phạt gì khi vi phạm các nguyên tắc đã được đề ra. Đó là do thiếu vắng những quy định luật pháp phù hợp cho việc xây dựng và phát triển các hiệp hội nói chung.

Mở rộng ra, sự yếu kém của các hiệp hội cũng là một biểu hiện sự thiếu hụt của những tổ chức dân sự để giúp chính phủ điều tiết và giải quyết các khiếm khuyết của thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới