Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để phát triển bền vững thị trường bất động sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để phát triển bền vững thị trường bất động sản

Bộ Xây dựng khẳng định sẽ triển khai gói giải pháp để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh -Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG Online) – Tại buổi giao lưu trực tuyến vào cuối tuần xoay quanh vấn đề phát triển bền vững thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhìn nhận hiện tượng tăng nóng của thị trường như vừa qua là không lành mạnh và còn nhiều bất cập trong quản lý.

Tại kinh tế thị trường hay tại cách quản lý?

Theo ông Quân, nhu cầu về nhà ở rất lớn, trong khi nguồn cung không đáp ứng kịp dẫn đến việc hình thành hệ thống đầu cơ, mua bán qua trung gian. Việc mua bán bất động sản ít được công khai, minh bạch, không qua hệ thống các sàn giao dịch, người dân có nhu cầu không được tiếp cận thông tin chính thống về dự án.

Nhiều ý kiến trong buổi giao lưu trực tuyến bày tỏ lo ngại trước sự lúng túng trong chính sách của cơ quan quản lý. Bạn đọc Vũ Công Giang ở TPHCM chất vấn: “Tiền thuế bất động sản từ lâu bị bỏ quên, vì vậy giới đầu cơ bất động sản đã thắng lớn, do họ tận dụng cơ hội và đẩy thời giá lên cao… Có căn hộ chỉ 2 năm đã sang tên đổi chủ 5 lần, mà lần nào cũng tăng giá; cho đến lần thứ 5 giá đã tăng lên gấp 2,5 đến 3 lần giá bán lần đầu, hàng chục tỉ đồng vào túi nhà đầu cơ mà không phải đóng một đồng tiền thuế nào…, thất thu thuế hàng năm đến hàng nghìn tỉ đồng. Điều đó cản trở rất nhiều những người thực sự cần nhà ở”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận nhược điểm trên và cho biết Nhà nước đã tìm cách, đưa ra cơ chế, giải pháp từng bước xóa tình trạng đó. Tuy nhiên, ông Quân cũng cho rằng thị trường bất động sản chịu tác động bởi các quy luật của kinh tế thị trường. Cầu lớn hơn cung, dẫn đến giá tăng lên. Thứ hai cũng có nguyên nhân do “cầu ảo”,  giá tăng do nhà đầu cơ kích cầu ảo lên, đồng thời có cả tâm lý của người tiêu dùng”.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, lập luận này của bộ đã đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho thị trường. Bởi, khi giá đất bị đội lên cao có phần vì sự quản lý chưa minh bạch và thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng. Trong những giải pháp bình ổn thị trường bất động sản, giải pháp quan trọng là phải tăng cung.

Tuy nhiên, lộ trình đẩy mạnh nguồn cung lại rất chậm chạp, các dự án bị ách tắc tại nhiều khâu do thủ tục quá nhiêu khê. Một đại diện doanh nghiệp tham gia giao lưu trực tuyến nêu ra rằng: tại TPHCM, để dự án có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500, doanh nghiệp phải chạy từ 1 năm đến 2 năm, qua nhiều cửa và tốn kém.

Về vấn đề nguồn vốn để đầu tư phát triển thị trường bất động sản, một số bạn đọc tham gia giao lưu trực tuyến đặt vấn đề, rằng trong hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh hay dịch vụ… các chủ đầu tư hay các doanh nghiệp, kể cả những người có nhu cầu mua nhà để ở, đều cần có sự hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng. Nhưng những giải pháp vừa qua là thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, liệu đó có phải là giải pháp phù hợp hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhìn nhận thắt chặt chính sách tín dụng sẽ chắc chắn ảnh hưởng, và ông đồng tình với nhận xét rằng như vậy thì thị trường khó có thể tăng trưởng được. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Trước đây, tốc độ tăng trưởng cao quá, bây giờ phải hạn chế để tốc độ tăng vừa phải”.

Nhà cho người thu nhập thấp, bao giờ?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tại buổi giao lưu trực tuyến chiều 9-5 – Ảnh: VietnamNet

Một vấn đề được khá nhiều người quan tâm là chương trình nhà cho người có thu nhập thấp trong khi nhu cầu này rất lớn. Hơn nữa với giá cả như hiện nay thì dường như vượt quá tầm tay của những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự.

Bạn đọc tên Long ở TP HCM nhận xét: “Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp ở nước ta tiến triển quá chậm. Có bao giờ Bộ trưởng nghĩ rằng chúng ta đi sai hướng khi muốn xây nhà bán cho người dân, trong khi một số nước khác, ví dụ như nước Úc, cũng chỉ có thể hỗ trợ người nghèo bằng cách xây nhà cho thuê giá rẻ. Khi nhà nước dùng quỹ đất của mình làm chính sách xã hội, không cần tính tiền sử dụng thì người thuê chỉ phải trả tiền thuê bằng khấu hao chi phí xây dựng, thay vì phải trả cả tiền đất…”.

Bộ trưởng đồng tình với ý kiến trên và thừa nhận rằng chương trình nhà cho người thu nhập thấp tiến hành chậm. “16 năm qua, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo lập mới quỹ nhà ở xã hội để cho người có thu nhập thấp thuê và thuê mua. Sau khi Luật nhà ở ra đời, hiện quỹ nhà ở xã hội bắt đầu được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhà nước có thể hỗ trợ giá thuê bằng cách miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế… Tôi hy vọng rằng chính sách phát triển nhà ở xã hội sẽ sớm đi vào cuộc sống,” ông nói.

Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn, đồng thời bộ cũng đã chủ động nghiên cứu và lập đề án đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách để trình Chính phủ phê duyệt.

Thực tế, những khuyến khích nêu trên vẫn không làm cho doanh nghiệp thêm “mặn mà” với nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ cũng thử nhiều cách như tự xây nhà cho công nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp, kết hợp với các hộ dân quanh khu công nghiệp để xây nhà cho công nhân thuê, xin đất của chính quyền địa phương. Nhưng hiện vẫn chưa có một cơ chế nào có thể vận dụng chung về đất đai, mẫu nhà, tín dụng và thuế liên quan đến đầu tư phát triển nhà cho người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngay cả khi có những chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế đất nhưng với nhiều khoản chi phí lớn khác mà doanh nghiệp phải tự trang trải, chắc chắn giá thành của sản phẩm lại bị đội lên cao. Khi đó, người có thu nhập thấp, kể cả những người ở đô thị cũng không có khả năng mua.

Bộ Xây dựng khẳng định đã có những động thái cụ thể chứng tỏ quyết tâm chống đầu cơ bất động sản và kéo giá bất động sản về với giá trị thật. Cụ thể là một gói giải pháp liên bộ gồm: siết chặt tín dụng đối với các dự án không khả thi, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nền bị găm giữ, phát triển quỹ nhà ở xã hội, đánh thuế cao với giới đầu cơ.

“Nhà nước tác động vào thị trường bất động sản để làm thị trường bất động sản phát triển lên, chứ không phải tác động để cứu thị trường, làm người nghèo không thể với tới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Theo Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng), tại các đô thị lớn hiện nay như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Hải Phòng, có trên 30% số hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu được cải thiện chỗ ở. Trong khi đó, theo thống kê từ ngành xây dựng, trên 1 triệu công nhân đang làm việc tại 154 khu công nghiệp và khu chế xuất, khu kinh tế trên cả nước, chỉ có 7-10% được thu xếp chỗ ở trong các khu nhà tập trung. Còn lại trên 90% phải tự thu xếp chỗ ở tạm bợ, thuê trọ rải rác trong các khu dân cư lân cận các khu công nghiệp.

Còn theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2006-2010, Hà Nội cần xây dựng trên 110.000 căn hộ cho các đối tượng thu nhập thấp, TPHCM cần khoảng 100.000 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp và trên 50.000 chỗ ở tập thể cho công nhân lao động.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đang rất loay hoay trong việc tìm một giải pháp khả thi cho vấn đề này. Thêm nữa, quỹ đất để có thể hình thành và xây dựng các khu nhà xã hội rất thiếu.

HẠNH LIÊN – ĐÌNH DŨNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới