Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để quy định không xa rời thực tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để quy định không xa rời thực tế

Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)

Cuộc khảo sát do Bộ Giáo dục-Đào tạo tiến hành trong thời gian gần đây cho thấy 81% học sinh cấp trung học chơi trò chơi trực tuyến khá thường xuyên. Ảnh: Lê Toàn.

(TBVTSG) – Bản dự thảo quy chế về quản lý trò chơi trực tuyến (online game) đang được ngành chức năng thực hiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Việc ban hành quy chế này là cần thiết trước những bức xúc của toàn xã hội về sự “bùng nổ” của các trò chơi, trong đó có không ít trò chơi không lành mạnh cùng hậu quả của chúng.

Quy chế này được kỳ vọng sẽ góp phần lập lại trật tự trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến – một lĩnh vực khá đặc thù và rất khó quản lý. Đồng thời, việc ban hành quy chế cũng sẽ góp phần khuyến khích phát triển dịch vụ trò chơi trực tuyến với nội dung lành mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng của người dân, thúc đẩy ứng dụng Internet và nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng viễn thông băng thông rộng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, niềm hy vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi những quy định làm nền tảng có tính khả thi. Nghiên cứu toàn văn bản dự thảo quy chế, có thể nhận thấy rằng, những quy định là cần thiết nhưng tính khả thi chưa cao và chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.

Chưa sát thực tế

Bản dự thảo quy chế thể hiện tính thiếu khả thi trước hết ở sự phân biệt giữa “Trò chơi trực tuyến đơn giản” với “ Trò chơi trực tuyến bình thường”. Sự phân biệt này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quản lý.

Khoản 2 Điều 3 của bản dự thảo quy chế giải thích: “Trò chơi trực tuyến đơn giản: Là trò chơi trực tuyến có nội dung kịch bản đơn giản, có sự giới hạn số lượng người chơi tham gia đồng thời một trò chơi; sự tương tác giữa các người chơi chỉ ở mức độ đơn giản theo các quy tắc đơn giản. Những trò chơi trực tuyến không phải là trò chơi trực tuyến đơn giản là trò chơi trực tuyến bình thường”.

Với cách giải thích đó sẽ có những cuộc tranh luận không hồi kết về thế nào là trò chơi trực tuyến đơn giản và trò chơi trực tuyến bình thường. Bởi lẽ, để xác định được một trò chơi trực tuyến đơn giản phải xác định được thế nào là “nội dung kịch bản đơn giản”; “sự tương tác giữa các người chơi chỉ ở mức độ đơn giản” và “theo các quy tắc đơn giản”.

Tiếp theo, Khoản 1 Điều 14 quy định: a) Đối với trò chơi trực tuyến đơn giản mà không hạn chế đối tượng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến được cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ hằng ngày; b) Đối với các trò chơi trực tuyến còn lại, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến chỉ được cung cấp dịch vụ cho người chơi từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm”. Rõ ràng, nếu không phân biệt được chính xác giữa “Trò chơi trực tuyến đơn giản” và “Trò chơi trực tuyến bình thường” thì quy định này cũng trở thành không khả thi.

Quy định về quản lý thời gian chơi của người chơi cũng không mang tính thực tế, cũng như vậy là quy định về thông tin của người chơi. Khoản 1 quy định: “Khi đăng nhập vào trò chơi, người chơi phải cung cấp những thông tin về cá nhân sau đây: a) Tên người chơi; b) Tuổi người chơi; c) Địa chỉ thường trú; d) Số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu; Đối với trẻ em dưới 14 tuổi chưa có chứng minh thư hoặc hộ chiếu, người bảo lãnh phải cung cấp thông tin cá nhân của mình cho đại lý Internet”.

Câu hỏi đặt ra là, nếu người chơi không khai báo những thông tin nêu trên thì chủ cơ sở kinh doanh có từ chối phục vụ hay không? Nếu câu trả lời là “không” thì như vậy là vi phạm quy chế. Vậy cơ quan quản lý nhà nước có thể có được một lực lượng đủ để đi kiểm tra, phát hiện những vi phạm đó hay không? Có thể làm được điều đó trong một vài giai đoạn cao điểm, nhưng sẽ không thể là thường xuyên, hằng ngày.

Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ, quy định về quyền và nghĩa vụ của đại lý cung cấp dịch vụ truy cập Internet gồm: Thực hiện quy định về thời gian cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến tại địa điểm kinh doanh đại lý Internet; quản lý người chơi, giờ chơi quy định tại Điều 14, Điều 15 của quy chế này; Chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ở các địa điểm kinh doanh đại lý Internet cách cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến trung học phổ thông) tối thiểu 200 mét, không phân biệt trường đó thuộc địa phương nào; Có trách nhiệm kiểm tra bảo đảm thông tin đăng nhập mà người chơi khai báo trên máy tính đúng với chứng minh thư hoặc hộ chiếu của họ; Lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ trong đó thống kê đầy đủ, chi tiết thông tin về người chơi và người bảo lãnh cho người chơi dưới 14 tuổi, bao gồm họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, số chứng minh thư hoặc hộ chiếu….

Có thể khẳng định rằng, những quy định trích dẫn trên đây không sai và rất cần thiết. Song, khó có cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi trực tuyến nào thực hiện hết những điều này. Chẳng riêng gì lĩnh vực này mà ở nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn… cũng bị yêu cầu thực hiện những quy định tương tự, nhưng trong thực tế, những quy định đó chỉ là hình thức.

Chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính

Khoản 2 Điều 11 quy định một trong những điều kiện để được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến là: “được Bộ Thông tin – Truyền thông (trực tiếp là Cục Quản lý Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử) cấp giấy phép phát hành trò chơi trực tuyến”. Đây là một trong những giấy phép con và cũng như những giấy phép con khác, có thể tạo ra một cơ chế “xin-cho” trong xã hội.

Bản dự thảo quy chế cũng đặt ra những quy định quản lý đối với trò chơi trực tuyến tương tự như việc quản lý, phê duyệt kịch bản của một bộ phim, vở diễn trên sân khấu với việc đăng ký phát hành (Điều 12); cấp giấy phép phát hành (Điều 18); Hội đồng tư vấn thẩm định nội dung kịch bản trò chơi trực tuyến ( Điều 19) và Yêu cầu thẩm định nội dung kịch bản trò chơi trực tuyến (Điều 20).

Những điều khoản nêu trên đã đặt ra “Đơn đăng ký phát hành”, “Đơn xin”, “Tờ khai”, “Hồ sơ xin cấp giấy phép”, “Văn bản xác nhận phát hành” và một quy trình xử lý hồ sơ dài. Điều này trên một phương diện nào đó, có thể tạo ra những thủ tục nhiêu khê, phiền hà. Mặt khác, một câu hỏi được đặt ra là, nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến vi phạm pháp luật thì người cấp giấy phép có liên đới chịu trách nhiệm hay không?

Thiết nghĩ, cung cấp trò chơi trực tuyến là một loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ cao. Do đó, việc quản lý dịch vụ này cũng cần được ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, không thể sử dụng công cụ hành chính thông thường như ở những lĩnh vực khác.

_________________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới