Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để sông Mekong không dậy sóng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để sông Mekong không dậy sóng

Huỳnh Kim

Hội thảo về tác động của đập thủy điện trên sông Mekong đối với ĐBSCL ngày 28-7 – Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) – Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. 12 dự án thủy điện được đề xuất xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mekong (mở đầu là đập Xayaburi ở Lào) sẽ gây tổn thất lớn về sinh thái và an ninh lượng thực của hàng triệu dân cư sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên của dòng sông.

Ngày 28-7, tại Cần Thơ, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam và trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức hội thảo về tác động của đập thủy điện trên sông Mekong đối với ĐBSCL…

Chủ trì hội thảo, TS Dương Văn Ni – Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Hòa An, Đại học Cần Thơ, mở đầu: “Giá cua đồng ở chợ Cần Thơ sáng ngày 28-7 lên 40.000 đồng một ký, giá cá bống trứng 200.000 đồng một ký. Lâu nay đó là hai loài có nhiều vô số ở ĐBSCL thì nay bắt đầu thiếu, người nghèo mua không nổi và mắc hơn giá cá da trơn trong khi chất xám và công nghệ đầu tư vào cá da trơn rất lớn”.

TS Ni đặt vấn đề: “Lúa, tôm cá, cây ăn trái ở ĐBSCL đều dựa vào nguồn nước sông Mekong và mỗi năm Việt Nam đóng góp cho thế giới 7 triệu tấn gạo, 1 triệu tấn cá da trơn, 3- 4 triệu tấn tôm cá nước mặn. Vậy nếu thiếu nước và chất lượng nguồn nước ở ĐBSCL kém thì chuyện gì sẽ xảy ra?”.

Thuyết trình về lịch sử kiến tạo ĐBSCL liên quan đến sông Mekong và xu hướng tài nguyên nước vùng ĐBSCL, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ), nhấn mạnh: “Lũ lụt và phù sa là một phần của hệ sinh thái và là tác nhân chính hình thành diện mạo ĐBSCL. Đây là khu vực canh tác nông nghiệp rộng lớn và trù phú nhất Việt Nam nhờ các ưu thế đất – nước – khí hậu”. Ông nhắc đến đập Mạn Loan do Trung Quốc xây năm 1993 ở thượng nguồn sông Mekong và cho biết, chỉ riêng lượng phù sa mất đi vào năm 2000 so với năm 1993 tại Mỹ Thuận (sông Tiền) là 30% và tại Cần Thơ (sông Hậu) là 40%.

Tiến sĩ Tuấn đặt vấn đề: “Có thể vận đồng cộng đồng quốc tế hoãn tiến trình xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã hình thành ở Trung Quốc và đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng ở Lào”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia đất ngập nước, Trưởng nhóm Tư vấn Đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính sông Mekong (SEA) – báo cáo tóm tắt về SEA, cho biết nếu 12 đập này được xây dựng, sẽ có thêm 14.000 MW điện; Lào sẽ hưởng lợi 70%, Thái Lan và Campuchia 11- 12%, Việt Nam khoảng 5%. Nhưng có hàng loạt cái hại dài hạn về kinh tế, môi trường, văn hóa, xã hội ở hạ lưu sông Mekong mà “các tác động là vĩnh viễn và không phục hồi được”. Với ĐBSCL, chỉ riêng nguồn cá nước ngọt tự nhiên, mỗi năm sẽ mất 65% cá trắng và 35% cá đen (mất khoảng 1 tỉ đô la Mỹ/năm).

TS Đào Trọng Tú – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên và biến đổi khí hậu, cho rằng sông Mekong là tài sản chung vô giá của tất cả các quốc gia ven sông nhưng, “chỉ có Trung Quốc hưởng lợi hoàn toàn còn Việt Nam thì không có lợi, cả về an ninh lương thực, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế trong vần đề xây đập thủy điện”.

Ông Tú đề nghị: “Phải củng cố vai trò của Ủy hội Quốc tế sông Mekong (MRC) để tạo đồng thuận khu vực trong giải quyết các vấn đề xuyên biên giới và đưa vấn đề sông Mekong vào các diễn đàn khu vực và thế giới”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, cho biết Cần Thơ sắp trình Chính phủ dự án chống ngập vì “chưa xây 12 đập trên dòng chính sông Mekong mà ba năm nay nội ô thành phố Cần Thơ đã bị ngập nặng và lũ không về hoặc về chậm làm thiệt hại nhiều cho bà con nông dân làm vụ hè thu”.

Đại diện Trung tâm Stimson (Mỹ) chuyên nghiên cứu về chính sách công, ông Timothy Hamlin, cho biết: “Khi chúng ta đang hội thảo ở đây thì hiện trường đập Xayaburi ở Lào vẫn được tiếp tục công tác chuẩn bị”. Theo ông, “dự án ở Lào có lợi ích ngắn hạn trong khi sông Mekong có 6 nước với khuôn khổ luật pháp khác nhau và MRC chỉ là một tổ chức chuyên nghiên cứu chứ không thể “ra lệnh” hay ban hành chính sách được”.

Ông Timothy cho rằng đặc điểm chính của sông Mekong là nếu chu kỳ lũ thay đổi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống cư dân hạ lưu và sông Mekong liên quan tới chủ quyền mỗi quốc gia nên rất cần có chính sách chung không làm hại đến lợi ích nước khác.

Để dòng sông Mekong được bình yên, không dậy sóng vì câu chuyện dập thủy điện này, đại diện Trung tâm Stimson đề xuất: “Chúng ta phải bắt đầu lấp khoảng cách giữa khoa học và chính sách, giữa lý thuyết và thực hành, để có được chính sách hiệu quả, dung hòa được lợi ích kinh tế – xã hội, an ninh cho con người và môi trường. Muốn vậy phải có một mạng lưới khu vực, chiếc lược khu vực và diễn đàn khu vực”.

– Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã ra thông báo chính thức sẽ không cung cấp tài chính cho các đập này.

– Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đã phát biểu với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Gia Khiêm ngày 31/12/2010: “Chúng ta đã có một cuộc thảo luận rất xây dựng về những tác động tiềm tàng của việc xây dựng đập trên sông Mekong. Mỹ kiến nghị nên tạm hoãn trước khi có những hoạt đông xây dựng lớn được tiến hành, chúng tôi sẽ tài trợ cho nghiên cứu vấn đề này”.

Nguồn: Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam

Tóm tắt tác động đối với ĐBSCL

– Lợi ích từ bậc thang thủy điện hạ lưu vực Mekong là hoàn toàn không có. Tác động tiêu cực và rủi ro là vô cùng lớn bao gồm cả kinh tế, xã hội (sinh kế), môi trường.

– ĐBSCL chịu sự chi phối hoàn toàn của các điều kiện vận hành của toàn bộ bậc thang thủy điện ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia.

– Danh sách dài các tổn thất.

– Ảnh hưởng đến những thế mạnh trụ cột của ĐSBCL (nông nghiệp, thủy sản). Ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm này sẽ xuất hiện sớm hơn ảnh hưởng đến số lượng (giảm năng suất), do môi trường đất-nước không được thay thế, tẩy rửa hàng năm nên các chất ô nhiễm thải ra từ các quốc gia thượng nguồn cùng với các chất ô nhiễm tại chỗ sẽ làm cho chất lượng gạo, cá, trái cây của ĐBSCL không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật…

– Từ ảnh hưởng lên các trụ cột chính, ảnh hưởng domino lên các ngành khác (chế biến, thương mai, vận tải, du lịch..)

– Người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất

– Tổn thất nguồn nước, sinh thái, môi trường là vĩnh viễn và không phục hồi được.

– Tác động của thủy điện sẽ làm tăng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

– Người nghèo làm nghề liên quan đến cá có thể sẽ phải bỏ xứ ra đi tìm kế mưu sinh (việc này đã xảy ra năm nay do không có cá).

Nguồn: Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam

Đề xuất giải pháp

1. Việc kiên quyết trì hoãn việc xây dựng đập Xayaburi để có thể tiến hành các nghiên cứu bổ sung theo khuyến nghị của báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược của Ủy hội sông Mekong (SEA) là điều kiện tiên quyết để tránh hậu quả lớn lao sau này.

2. Cần có vận động cấp cao với Thái Lan, Campuchia và Lào để có bước đi cần thiết hoãn xây dựng Xayaburi.

3. Phân tích và vận động thuyết phục để Lào thấy rõ những tác động và tổn thất với bạn khi phát triển thủy điện dòng chính và nắm bắt cơ hội phát triển từ nhiều giải pháp năng lượng thay thế hiện có để có thể đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và năng lượng trong hạ lưu vực Mekong.

4. Chính phủ có thể kêu gọi các đối tác phát triển quốc tế cùng giúp Lào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội đồng thời cùng tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phát triển thay thế thông qua các chương trình hợp tác phát triển bền vững vùng Mekong: du lịch Mekong Xanh, hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực, tiếp cận cảng biển, đào tạo nhân lực…

5. Lào có nhiều tiềm năng thủy điện trên các chi lưu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia, thu nguồn ngoại tệ mà ít gây tác động môi trường xuyên biên giới thay cho phát triển thủy điện trên dòng chính. Việt nam hiện đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mekong ở Lào, việc tăng cường hỗ trợ và viện trợ bạn nghiên cứu và xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh có thể được xem như giải pháp “đền bù” hoặc giải pháp “cùng có lợi”.

6. Chính phủ nên giao các cơ quan chức năng tiến hành ngay nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của hệ thống 12 công trình đập thủy điện đối với ĐBSCL.

7. Xem xét phân tích lợi ích đa chiều vấn đề đầu tư và nhập khẩu điện từ các công trình dòng chính sông Mekong trong chiến lược năng lượng quốc gia và kế hoạch phát triển nguồn điện để có điều chỉnh phù hợp nhất, có xem xét đầy đủ lợi ích và thiệt hại của quốc gia.

8. Đề nghị phổ biến rộng rãi và nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề thủy điện dòng chính sông Mekong để tranh thủ và vận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ trong vấn đề này.

9. Cùng các nước vùng Mekong duy trì và củng cố vai trò của MRC để tạo sự đồng thuận khu vực trong việc giải quyết các vấn đề xuyên biên giới.

10. Đưa vấn đề sông Mekong vào các diễn đàn khu vực, quốc tế. 11. Khuyến khích sự hợp tác đa cấp, đa chiều của các tổ chức nghiên cứu, khoa học công nghệ, xã hội dân sự Việt Nam với các tổ chức khác trong vùng liên quan tới vấn đề Mekong.

Nguồn: Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới