Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để Tây nguyên mãi xanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để Tây nguyên mãi xanh

Nhà thờ làm bằng gỗ độc đáo ở Kontum. Ảnh: Trần Đình Lâm.

(TBKTSG) – Với mong muốn giúp người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên mở mang tri thức, sớm thoát khỏi cái nghèo và có một cuộc sống sung túc hơn, đoàn nghiên cứu về kiến thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên gồm những giáo sư, tiến sĩ của Đại học Ngoại ngữ Tokyo đã hòa mình vào cuộc sống của người dân, cùng làm việc với họ suốt một thời gian dài…

Tiến sĩ Toshihiko Shine đã có 18 năm nghiên cứu ở Việt Nam. Ông xem tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai và thông thạo cả tiếng K’ho. Mỗi năm, Tiến sĩ  Shine đều rời Nhật Bản đến với những bản làng xa xôi, những vùng cao nguyên lộng gió của Việt Nam, hóa thân thành người bản địa và lại trăn trở để tìm ra những hướng đi mới, lạc quan hơn cho họ. Với ông, đề tài này thu hút nhiều tâm sức với mong muốn gửi gắm đến chính quyền địa phương những thông điệp xanh, những lời nhắn nhủ hãy gìn giữ môi trường thiên nhiên, cuộc sống yên lành và những giá trị văn hóa thuần khiết mãi mãi.

Có len lỏi vào những bản làng Tây Nguyên mới hiểu được những nét văn hóa đặc thù rất đáng quý của đồng bào dân tộc miền núi. Ăn cơm của người H’rê sẽ thấy vị ngọt thơm của gạo cứ đọng mãi ở vị giác. Hạt cơm đỏ đậm đà, cứng cáp nhưng càng nhai càng thấy ngon ngọt lạ thường.

Hỏi ra mới biết người H’rê trồng lúa trên triền núi, không phân bón, không thuốc trừ sâu, không làm cỏ và mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ. Từng cọng lúa chín vàng sau khi thu hoạch sẽ được cất vào kho và để khô tự nhiên. Khi ăn đem ra giã bằng cối hoặc xay bằng tay.

Sản lượng lúa vì vậy chỉ dừng lại ở mức 1,6-1,7 tấn/héc ta. Thế nhưng, giá trị có được lại mang ý nghĩa bội phần, đó là tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở vùng này thấp hơn rất nhiều so với những địa phương khác (theo báo cáo của bà Bùi Thị Thanh Vân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch Kontum).

Cuộc sống của bà con Tây Nguyên gắn liền với thiên nhiên, ngày ngày họ vào rừng, ra suối hái rau, những cọng rau cứ xanh mơn mởn và ngon kỳ lạ. Ông Takahashi, đại diện Công ty Mitsubishi, đã chia sẻ với chúng tôi về những lộ trình đang được thiết kế để đưa những nông sản xanh, sạch tự nhiên của Việt Nam ra thế giới. Đời sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên lúc đó chắc sẽ khấm khá hơn.

Ở xã Hiếu, với nguồn nước suối thiên nhiên mát lạnh, người ta đã bắt đầu chăn nuôi giống cá tầm và cá hồi. Giá bán tại nơi sản xuất khoảng 200.000 đồng/ki lô gam nhưng về đến TPHCM cá hồi được bán với giá 370.000 đồng/ki lô gam và cá tầm là 420.000 đồng/ki lô gam. Trứng cá tầm thì được bán với giá cao hơn gấp nhiều lần, lên đến 1.500 đô la Mỹ/ki lô gam. Có nguồn tin cho biết các chuyên gia Nga đang bắt đầu hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi cá ở Tây Nguyên để bao tiêu sản phẩm này trong tương lai.

Với khí hậu mát mẻ, trong lành, Măng Đen được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Việt Nam. Ông Đặng Thành Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Konplong, mong muốn sẽ được đón tiếp thêm nhiều khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng ở đây. Chính quyền đang nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp trồng rau sạch để xuất khẩu. Hiện tại người nông dân đang trồng thêm giống sắn cao sản, tuy nhiên giá quá thấp, chỉ 300 đồng/ki lô gam. Trong khi đó, đồng bào H’rê lại chỉ ưa chuộng giống sắn sẵn có, tuy sản lượng thấp nhưng có thể ăn no bụng mà không say và còn nấu được thành rượu. Loại rượu sắn này không cần pha chế, hương vị tự nhiên độc đáo, làm bao người ngất ngây trong những dịp lễ gieo mạ hoặc làm chuồng trâu.

Cái vất vả, khó khăn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên ngày mỗi bớt đi khi chính quyền địa phương có nhiều sáng kiến hỗ trợ mới: xây dựng bể nước cộng đồng để chứa nước suối từ nguồn về. Cứ 4-5 giờ chiều thì mọi người rủ nhau ra tắm rửa. Tuy nhiên, vì quen sống tự nhiên với bản, rừng nên họ cũng tự nhiên vứt bỏ rác xung quanh bể nước. Đoàn nghiên cứu người Nhật đã đích thân dọn dẹp vệ sinh và khích lệ bà con cùng làm để giúp họ tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Xã Hiếu còn nghèo nhưng người dân rất thật thà, mộc mạc. Bà con ở đây được Nhà nước giao cho giữ rừng. Công việc này được phân công theo làng xã hay có khi là dòng tộc nên rất hiệu quả. Rừng nguyên sinh ở đây còn bao phủ đến 60% diện tích nên rất lý tưởng để tổ chức du lịch sinh thái.

Ở vùng núi cao Kontum còn có một báu vật khác: sâm Ngọc Linh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì đây là một loại thuốc quý hiếm. Giá bán sâm khô có lúc lên tới 150 triệu đồng/ki lô gam. Hiện nay do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc khai thác loại sâm này chưa được hiệu quả. Nếu được hỗ trợ của các cấp chính quyền, thì trong tương lai đồng bào sẽ giới thiệu được thêm nhiều “kho báu” của mình và đón tiếp được nhiều du khách quốc tế hơn.

Một hình ảnh độc đáo khác của Kontum là nhà thờ làm bằng gỗ tự nhiên theo kiểu nhà sàn Bana. Tất cả chỉ toàn bằng gỗ, không gạch đá, xi măng hay bê tông cốt thép. Tường được xây bằng đất sét trộn rơm và các cây cột được lắp ráp rất tự nhiên bởi những nghệ nhân miền Trung. Nhà thờ này đã được xây dựng từ năm 1913 nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẻ kiên cố, uy nghiêm. Chúng tôi đã gặp một người dân tộc Bana lái xe ôm có thể giao tiếp và giới thiệu tour du lịch sinh thái cho khách bằng tiếng Anh. Sau buổi gặp gỡ, anh đã trao cho chúng tôi tấm danh thiếp có cả e-mail và số điện thoại để tiện liên lạc lần sau.

Rời Kontum, đoàn nghiên cứu vẫn chưa thôi bị mê hoặc bởi sự hoang dã của núi rừng hùng vĩ, bởi tiếng dã gạo nhịp nhàng, bởi tính tình hồn hậu, chất phác của đồng bào Tây Nguyên…

TRẦN ĐÌNH LÂM – Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới