Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để thật sự “tiết kiệm và hiệu quả”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để thật sự “tiết kiệm và hiệu quả”

Luật gia Vũ Xuân Tiền

(TBKTSG) – Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được trình và xin ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Ngày 20-11-2009, Đoàn Thư ký kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đã có báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật này. Ngày 3-3-2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Trên cơ sở đó, dự thảo mới của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (dự thảo luật) đã hoàn thành và sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Với 12 chương, 50 điều khoản, dự thảo luật về cơ bản đã đạt yêu cầu, những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã được tiếp thu. Kỹ thuật văn bản tương đối tốt. Tuy nhiên, theo nhiều luật gia, luật sư và các nhà chuyên môn, vẫn còn một số vấn đề khá quan trọng của dự thảo luật cần được nghiên cứu thêm một cách nghiêm túc và khách quan.

Trước hết, khá nhiều quy định của dự thảo luật, hoàn toàn đúng và cần thiết về lý thuyết nhưng lại rất khó thực hiện trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của nước ta.

Chẳng hạn, khoản 5 điều 5 quy định “Thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng; loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả thấp”; khoản 2 điều 17 quy định về trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải là “Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải quá thời hạn sử dụng, không đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu”; Khoản 3 điều 17 quy định trách nhiệm của UBND các cấp là “Tổ chức phân làn, phân luồng giao thông hợp lý; Quy định giờ hoạt động của một số loại phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường”.

Xa vời hơn là quy định tại tiết a, khoản 1 điều 25 quy định trách nhiệm đối với hộ gia đình là “Thiết kế, xây dựng nhà ở có khả năng tận dụng chiếu sáng và thông gió tự nhiên”…Những quy định thiếu tính khả thi tương tự xuất hiện ở hầu hết các điều khoản chủ yếu của dự thảo luật.

Nếu thực hiện nghiêm túc những quy định đó thì trong khoảng 10 năm tới sẽ có rất nhiều máy móc, thiết bị phải thanh lý và điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải có nhiều tỉ đô la để mua phương tiện, máy móc thay thế. Vì vậy, thiết nghĩ, trước khi ban hành, cần đánh giá một cách nghiêm túc và khách quan về tính khả thi của các quy định này.

Thứ hai, về kiểm toán năng lượng. Đây là vấn đề mới ở nước ta và rất có ý nghĩa trong quản lý sử dụng năng lượng nhằm mục đích tiết kiệm và hiệu quả. Song, kiểm toán năng lượng chỉ được nhắc đến tại điều 27 và 28 với ý nghĩa là công việc có liên quan tới trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Điều đó không thỏa đáng và không tương ứng với tầm quan trọng của hoạt động kiểm toán năng lượng.

Rất cần một hoặc một số điều khoản quy định về kiểm toán năng lượng với những nội dung như: Chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán năng lượng; Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán năng lượng; Điều kiện hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán năng lượng…

Thứ ba, về quy định đối với chức danh quản lý năng lượng. Tiết c khoản 1 điều 27 dự thảo luật quy định một trong những trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là “Chỉ định chức danh quản lý năng lượng tại cơ sở theo quy định tại điều 29 của luật này”. Điều 29 dự thảo luật quy định điều kiện và trách nhiệm của chức danh quản lý năng lượng. Trong đó, người quản lý năng lượng tại cơ sở phải “được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề”.

Nhiều ý kiến trao đổi cho rằng, luật không cần thiết bắt buộc các doanh nghiệp phải có chức danh này mà chỉ cần quy định nhiệm vụ của doanh nghiệp trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với những nội dung quy định tại khoản 2 điều 29. Việc bố trí nhân sự để thực hiện nhiệm vụ đó là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng không cần “đẻ” thêm một “chứng chỉ hành nghề” – một loại giấy phép con vô lý như không ít “chứng chỉ hành nghề” đang tồn tại hiện nay.

Thứ tư, điều 43 quy định về phát triển dịch vụ tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quy định như nội dung của điều 43 là không có ý nghĩa vì không rõ dịch vụ tư vấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được khuyến khích như thế nào?

Hơn nữa, nếu chỉ quy định về dịch vụ tư vấn là quá hẹp. Cần quy định về các doanh nghiệp dịch vụ năng lượng – hiện nay được gọi là ESCO với những chức năng, nhiệm vụ rộng hơn tư vấn và hỗ trợ rất đắc lực cho các cơ sở sản xuất lựa chọn các phương án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ năm, về quản lý và sử dụng năng lượng không tái tạo. Dự thảo luật dành Chương IX với 3 điều khoản quy định về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là những quy định rất cần thiết. Song, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao không có những điều khoản quy định về quản lý khai thác và sử dụng năng lượng không tái tạo như than đá, dầu, khí…

Không thể cho rằng, than đá, dầu khí… đã có Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí nên không cần quy định ở luật này. Bởi lẽ, Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí không đề cập đến việc sử dụng tiết kiệm những loại năng lượng đó. Trong khi đó, việc khai thác và sử dụng năng lượng không tái tạo như ở nước ta hiện nay là không hợp lý, chắc chắn sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên này trong một thời gian ngắn sắp tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới