Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để trở thành “Người bán hàng số 1”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để trở thành “Người bán hàng số 1”

Người bán hàng giỏi luôn biết làm mới phương cách tiếp cận khách hàng – Ảnh minh họa: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Người bán hàng số 1 là những nhân viên kiên trì,  sáng tạo, năng động, nắm bắt nhu cầu của từng đối tượng khách hàng để đóng góp tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp.            

Chương trình truyền thông “Người bán hàng số 1” vừa được Tổ hợp Sáng tạo VietBooks công bố khởi động vào sáng 21-4, tổ chức theo 12 chủ đề từ nay đến giữa năm 2009.

12 chủ đề hàng tháng gồm: Sáng tạo trong bán hàng, Chân dung người bán hàng số một, Nuôi dưỡng tài năng, Hành trang của người bán hàng số 1, Bán hàng dưới góc nhìn xã hội, Các chiêu thức khích lệ người bán hàng, Săn tìm người bán hàng số 1, Tính chuyên nghiệp trong bán hàng, Đạo đức trong bán hàng, Pháp lý và người bán hàng, Chiến thuật bán hàng đột phá, và Đào tạo người bán hàng số 1.

Sự kết hợp mới từ những yếu tố cũ

Ông Nguyễn Trần Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty FutureOne, định nghĩa sáng tạo trong bán hàng là sự “kết hợp mới” từ những “yếu tố cũ”, nghĩa là phải biết vận dụng mọi kinh nghiệm mà người bán hàng trải qua để làm sao thuyết phục được khách hàng. Mọi sự sáng tạo trong bán hàng đều nhằm mục tiêu giảm đến mức tối thiểu chi phí kinh doanh, và như thế một người bán hàng giỏi chính là người biết đúc kết kinh nghiệm để tự làm mới phương thức tiếp cận khách hàng cho riêng mình.

Ngoài ra, phải thể hiện sự thành tâm trước khách hàng vì khách hàng có người dễ tính, có người khó tính… nhưng chung quy lại, người bán hàng trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bình tĩnh lắng nghe phản ứng từ phía khách hàng để thấu hiểu đối tượng, từ đó đưa ra những phương án giải quyết thích hợp.

Theo ông Đoàn Đình Hoàng, Giám đốc Công ty Brand Ascend Consulting, điều quan trọng của một “chiến binh” bán hàng là không chỉ bán cái người ta cần mà còn làm sao bán được thật nhiều những sản phẩm mình có. Theo ông Hoàng, ví dụ sinh động nhất là câu chuyện “Bán lược cho nhà sư”: một người bán hàng giỏi sẽ biết cách thuyết phục nhà sư mua lược để làm quà tặng lại cho những người đi viếng chùa chẳng hạn, biết đâu sẽ thu hút được nhiều người đến viếng chùa hơn!

“Sự sáng tạo trong bán hàng có khi xuất phát từ tình huống khó khăn nhất, nhiều khi bán mãi không được, cùng đường lại nảy sinh ra chiêu bán hàng nào đó mới lạ không có trong sách vở như người đời vẫn thường nói “cùng thì tất biến, biến thì tất thông”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Còn ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Trí Tri Corporation, lại cho rằng những người bán hàng giỏi luôn thích được tạo môi trường tốt nhất để họ tự do sáng tạo, thể hiện biệt tài của mỗi người trong quá trình bán hàng, miễn là đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm mà doanh nghiệp đặt ra. Vì vậy, chủ doanh nghiệp nên biết cách kích thích và khuyến khích nhân viên bán hàng áp dụng những ý tưởng mới bằng chế độ thưởng xứng đáng khi họ đạt yêu cầu doanh thu.

Theo ông Chiến, muốn trở thành người bán hàng giỏi, trong trường hợp bị khách hàng từ chối, nhân viên bán hàng tốt nhất đừng vội nản chí mà nên đặt câu hỏi để tự mình phản biện với chính mình trước rằng ngoài sự hiểu khách hàng, mình đã thấu cảm được với khách hàng hay chưa, vì những “thượng đế” của chúng ta dù khó tính đến đâu cũng đều xiêu lòng khi bị đánh trúng tâm lý.

Chương trình truyền thông “Người bán hàng số 1” chọn hình ảnh Mai An Tiêm làm biểu tượng xuyên suốt cho chương trình.

Theo truyền thuyết, vua Hùng thứ 18 có chàng rể tên Mai An Tiêm, người đã đưa những quả dưa hấu mà mình trồng trên đảo đến tay người tiêu dùng bằng cách thả chúng xuống biển. Và Mai An Tiêm đã tìm được khách hàng của mình. Cách làm của Mai An Tiêm dạy cho những người bán hàng bài học bán hàng đầy sáng tạo, kiên trì dẫu mình có rơi vào tình cảnh khốn khó và bế tắc đến đâu.

Cần đánh giá đúng vai trò của người bán hàng

Ông Lê Trần Trường An, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Sáng tạo VietBooks, cho biết, hiện có rất nhiều giải thưởng tôn vinh các tổng giám đốc điều hành (CEO), nhưng vẫn chưa có giải thưởng nào tôn vinh người bán hàng giỏi trong mỗi doanh nghiệp. Chương trình truyền thông này góp phần tôn vinh vai trò những người bán hàng số 1 trong doanh nghiệp và vị thế của họ trong xã hội. “Khi kết thúc chương trình truyền thông này, VietBooks sẽ tổ chức một diễn đàn giao lưu “Đêm hội ngộ” dành cho người bán hàng số 1 với sự tham gia của khoảng 500 người bán hàng giỏi nhất do chính các doanh nghiệp bình chọn”, ông An nói.

Theo ông Nguyễn Trần Quang, cố vấn chương trình “Người bán hàng số 1”, lâu nay xã hội chưa nhìn nhận vai trò của người bán hàng một cách tích cực, chưa nhận đúng tầm quan trọng của người bán hàng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa khách hàng với sản phẩm của một doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp đạt được doanh thu cao.

Nếu được nhìn nhận và đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp thì đội ngũ bán hàng sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của doanh nghiệp.

“Các trường, trung tâm đào tạo về lĩnh vực thương mại nên xây dựng thêm những khoá đào tạo về những kỹ năng bán hàng, kỹ năng quản lý khâu bán hàng, hiện nay chúng ta chưa tập trung đào tạo kỹ năng quản lý bán hàng đúng nghĩa. Từ những sản phẩm bình thường nhất đến những sản phẩm mang tính trí tuệ cao đều phải qua tay những người bán hàng, và người bán hàng giỏi sẽ góp phần đưa thương hiệu của doanh nghiệp tiến xa”, ông Quang nói.

Chiếc xương sống của một doanh nghiệp gồm hai yếu tố chính, đó là: sản phẩm và bán hàng. Giữa sản phẩm và khâu bán hàng phải có mối tương hỗ chặt chẽ, một sản phẩm tồi thì dù có bán hàng giỏi thế nào cũng sớm giết chết thương hiệu, ngược lại, nếu sản phẩm tốt đến đâu mà đội ngũ bán hàng tồi thì doanh nghiệp cũng không “cất” lên được.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới